Hà Nội: Chủ động cải thiện mẫu mã, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐể đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị, trung tâm thương mại, công tác xúc tiến, quảng bá và kết nối sản phẩm đã và luôn được các đơn vị liên quan và chủ thể OCOP của Hà Nội đẩy mạnh thực hiện. |
Theo số liệu thống kê, hiện TP Hà Nội tiếp tục dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP, với trên 1.649 sản phẩm của 426 doanh nghiệp, đơn vị, trong đó ngành thực phẩm chiếm 65% sản phẩm, là những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp đến với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, mặc dù chương trình OCOP đã giúp doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm đặc trưng vùng miền. Thế nhưng việc tiêu thụ lại không hề dễ dàng, nút thắt lớn nhất hiện nay là thiếu liên kết với doanh nghiệp phân phối để tiêu thụ sản phẩm.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, để các sản phẩm OCOP của TP Hà Nội nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và có chỗ đứng trong các siêu thị, hiện nay, TP đang đẩy mạnh và tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài TP.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, việc xúc tiến sản phẩm OCOP của các chủ thể OCOP trên địa bàn TP Hà Nội là một trong những nội dung, chương trình công tác của Sở Công Thương và được triển khai thường xuyên, liên tục trong những năm vừa qua. Kết quả cho thấy, ngày càng nhiều người tiêu dùng biết đến nhiều hơn các sản phẩm OCOP chất lượng và an toàn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Hiệp, chỉ sự vào cuộc của cơ quan chức năng là không đủ mà rất cần sự đồng hành của các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp và các hệ thống phân phối. Theo đó, về phía các doanh nghiệp cũng như hệ thống phân phối cần sự hợp tác nhiều hơn để thúc đẩy cả chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng.
Mặt khác, để sản phẩm OCOP có thể đưa vào hệ thống phân phối lớn để có thị trường tiêu thụ rộng hơn, thì việc sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn trong nước cũng như tiêu chuẩn thị trường là yếu tố rất quan trọng.
Trong khi đó, các yêu cầu này đang đòi hỏi ngày càng cao hơn như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn thực phẩm…. Do đó, các chủ thể OCOP cần tiếp cận các thông tin này để có kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp.
“Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm OCOP, sắp tới, Hà Nội chấm điểm sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP để phân hạng sản phẩm theo tiêu chí "sao". Khi sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được chứng nhận, chắc chắn sẽ có thêm cơ hội đưa hàng vào hệ thống siêu thị tiêu thụ và người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận”, ông Nguyễn Thế Hiệp cho hay.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, hiện nay, vẫn còn có những yếu tố thống lĩnh độc quyền của một số nhóm siêu thị, khiến việc đưa hàng Việt, hàng OCOP đạt tiêu chuẩn vào một số siêu thị gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hệ thống các siêu thị, nhất là với siêu thị có yếu tố nước ngoài đều có những tiêu chuẩn đầu vào rất cao. Đồng thời, phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, các quy định cơ quan quản lý Nhà nước. Như vậy muốn tiêu thụ sản phẩm OCOP nhà sản xuất phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy định đó. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại