Thứ sáu 26/04/2024 16:57

Hai điểm dịch vụ du lịch đầu tiên của Hà Nội được công nhận sản phẩm OCOP

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) và khu sinh thái Phù Đổng Green Park (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) của TP Hà Nội là hai sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng thuộc nhóm sản phẩm “dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”.
Hai điểm dịch vụ du lịch đầu tiên của Hà Nội được công nhận sản phẩm OCOP
Du khách trải nghiệm tại điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội).

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (Chương trình OCOP) được triển khai từ năm 2018 đến nay đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Sau 5 năm triển khai, các Bộ ngành, địa phương đã triển khai hiệu quả nhiều sản phẩm, trong đó có nhóm sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”.

Tính đến nay, cả nước đã có gần 80 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Thực tế cho thấy, phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP là hướng đi hiệu quả. Đặc biệt, bộ Tiêu chí về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch đã có nhiều định hướng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tại Hà Nội, năm 2022, TP đã có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng thuộc nhóm sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”. Đó là điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) và khu sinh thái Phù Đổng Green Park (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm).

Được biết, khu sinh thái Phù Đổng Green Park với quy mô 15,6ha tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm có các điểm hoạt động, phù hợp với nhiều đối tượng như: Khu giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh, khu trải nghiệm sinh thái để tổ chức sự kiện, khu du lịch tâm linh kết nối với các di tích trên địa bàn….

Hai điểm dịch vụ du lịch đầu tiên của Hà Nội được công nhận sản phẩm OCOP
Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, Hà Nội.

Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân đủ điều kiện trình Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP TP xét, cấp sao cho sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch” bởi sản phẩm du lịch của Hồng Vân biết gắn mình với câu chuyện truyền thuyết của dân gian nơi có truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Vừa mang lại giá trị văn hóa bảo tồn nét đẹp làng nghề vừa đem đến kinh tế ổn định phát triển. Đến làng nghề Hồng Vân vào dịp lễ Tết, khách du lịch được trải nghiệm cùng các hoạt động hấp dẫn như: Lễ hội tình yêu, lễ hội hoa xuân, lễ hội bánh trôi bánh chay…

Được biết, TP Hà Nội hiện có 11 trang trại hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp theo hướng du lịch trải nghiệm, sinh thái. Ngoài chủ đầu tư là người dân, doanh nghiệp, các HTX cũng đang tham gia tích cực vào mô hình này.

Phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP là hướng đi hiệu quả cho phát triển du lịch nông thôn, đặc biệt là bộ Tiêu chí về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch đã có nhiều định hướng gắn với xây dựng nông thôn mới như: Cơ sở hạ tầng, môi trường, văn hóa, tổ chức cộng đồng…

Theo các chuyên gia, sản phẩm OCOP liên quan du lịch nông thôn còn nhiều dư địa phát triển nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Cần tránh tình trạng hình thức, phong trào vì thực tế đã xuất hiện các sản phẩm cẩu thả, chỉ chú trọng gắn mác.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có khả năng tích hợp các giá trị từ kinh tế, văn hóa, xã hội, cảnh quan, môi trường sinh thái đến bếp ăn. OCOP phải trở thành một phần thú vị trong các sản phẩm du lịch của mỗi chuyến đi và điểm đến của du khách.

Muốn vậy, cần tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; chú trọng đánh giá, phân hạng sản phẩm trước và sau khi được công nhận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với người tiêu dùng. Cần có thêm nhiều quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm khắc hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý, người đứng đầu, cơ sở kinh doanh du lịch, các điểm đến nếu để xảy ra tình trạng sản phẩm OCOP giả mạo, kém chất lượng.

Việc các sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP là hướng đi đúng để chuẩn hóa và phát triển. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa khu vực nông thôn Hà Nội. Khi sản phẩm du lịch được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ được nhiều du khách biết đến…

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ những điểm có điều kiện và tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và các sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống; xây dựng cơ chế và thực hiện chính sách về hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông thôn, làng nghề; chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; xúc tiến quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa; hỗ trợ đào tạo cho người dân làm du lịch... Qua đó, tạo điều kiện để du lịch nông thôn phát triển, trở thành sản phẩm OCOP của TP.

Mỗi sản phẩm OCOP của Hà Nội đều toát lên giá trị văn hóa của dân tộc
Hà Nội phát triển mô hình thiết kế sáng tạo, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP
Hà Nội phát triển 5-9 mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo sản phẩm OCOP trong năm 2023
Kim Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động