Thứ bảy 27/04/2024 10:28

Điều trị bệnh trĩ không đúng cách, nữ bệnh nhân phải truyền tương đương 2/3 lượng máu cơ thể

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, mới đây, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy đã tiếp nhận điều trị một trường hợp bệnh nhân mắc bệnh trĩ chảy máu nặng do điều trị bệnh trĩ không đúng cách.
Điều trị bệnh trĩ không đúng cách, nữ bệnh nhân phải truyền tương đương 2/3 lượng máu cơ thể
Điều trị bệnh trĩ không đúng cách, nữ bệnh nhân phải truyền máu tương đương 2/3 lượng máu cơ thể. Ảnh minh hoạ

Theo đó, bệnh nhân P.T.H (nữ, 46 tuổi, ở Đông Triều, Quảng Ninh) bị bệnh trĩ từ năm 2011, sau đó đã được điều trị bệnh trĩ bằng nội soi tiêm xơ búi trĩ năm 2015, nội soi thắt trĩ năm 2019. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng nay bệnh nhân đi ngoài bị chảy máu thành tia và sa trĩ, phải dùng tay đẩy lên.

Thời điểm trước khi vào viện 1 tháng, bệnh nhân đi ngoài ra máu kéo dài, mất máu nhiều phải cấp cứu lần 1 tại bệnh viện địa phương. Tại đây, bệnh nhân được truyền 5 đơn vị máu, tiêm thuốc cầm máu, có chỉ định mổ nhưng gia đình chưa đồng ý phẫu thuật. Về nhà bệnh nhân tiếp tục bị đi ngoài ra máu.

2 tuần trước khi vào Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân bị mất máu nhiều phải đi cấp cứu lần 2 tại địa phương. Lần này, bệnh nhân được truyền thêm 2 đơn vị máu, tiêm thuốc cầm máu không đỡ, người bệnh và gia đình vẫn không đồng ý mổ và xin ra viện về ăn Tết.

Đến ngày 28/1/2023, gia đình thấy bệnh nhân nhợt nhạt, hoa mắt chóng mặt nhiều nên quyết định đưa bệnh nhân đi cấp cứu lần 3 tại Bệnh viện Bạch Mai. Lúc vào viện, bệnh nhân tỉnh chậm; da niêm mạc nhợt nhiều; mạch 90 lần/phút; huyết áp 90/60; hậu môn có trĩ vòng độ III có điểm chảy máu thành tia, phải dùng tay đẩy lên. Chỉ số xét nghiệm máu: Hồng cầu 2,1 T/l, Hemoglobin 49 G/l. Bệnh nhân được truyền 4 đơn vị máu trước khi mổ và được tiến hành phẫu thuật Longo kết hợp khâu treo trĩ. Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục được truyền thêm 2 đơn vị máu. 3 ngày sau mổ, tình trạng bệnh nhân ổn định, đi ngoài không còn chảy máu và được ra viện.

Theo ThS. BS Nguyễn Thế Hiệp, Khoa Phẫu thuật tiêu hoá – Gân mật tuỵ, Bệnh viện Bạch Mai, chảy máu hậu môn khi đại tiện là triệu chứng thường gặp của các bệnh nhân trĩ, tuy nhiên mức độ chảy máu ít hay nhiều khác nhau ở từng bệnh nhân, và nếu hiện tượng chảy máu nhiều mỗi lần đi ngoài kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo các bệnh nhân mắc bệnh trĩ, đặc biệt là các bệnh nhân trĩ bị đi ngoài ra máu nhiều cần thăm khám sớm ở những cơ sở chuyên khoa để được điều trị đúng phương pháp.

Những phương pháp điều trị bệnh trĩ như tiêm xơ, thắt búi trĩ hoặc kể cả phẫu thuật cắt trĩ nếu không đúng chỉ định, đúng giai đoạn bệnh sẽ dẫn đến tái phát, biến chứng, gây khó khăn cho việc khắc phục hậu quả, có thể ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Trường hợp trên đã không được điều trị đúng cách từ trước, dẫn đến bệnh trĩ tái phát chảy máu, khi có biến chứng lại không tuân thủ chỉ định phẫu thuật dẫn đến mất máu nặng, phải mổ cấp cứu, tổng cộng cả quá trình điều trị phải truyền tới 13 đơn vị (3,25 lít) máu - tương đương với việc mất 2/3 lượng máu có trong cơ thể; hậu quả ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh, chi phí và mức độ phức tạp trong điều trị tăng gấp nhiều lần so với việc xử trí đúng đắn từ đầu.

Tự tiêm thuốc bổ vào vùng mông, nữ bệnh nhân phải nhập viện điều trị
Việt Nam duy trì tỷ lệ điều trị thành công các ca bệnh lao mới và tái phát trên 90%
Bệnh nhân liệt nửa người do di chứng đột quỵ phục hồi thần kỳ sau điều trị bằng y học cổ truyền
Chảy máu do trĩ nhưng ngại đi khám, nữ bệnh nhân suýt mất mạng
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động