Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhiên tòa giả định được tổ chức tại trường THPT Vân Nội, huyện Đông Anh (Ảnh: Công Phương) |
Đó là chia sẻ của Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Bộ Tư pháp Phan Hồng Nguyên, Phó Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương tại buổi tọa đàm trao đổi về công tác PBGDPL tại Bộ GD&ĐT do Tổ Thư ký giúp việc của Hội đồng PBGDPL Trung ương tổ chức vừa qua.
Ông Phan Hồng Nguyên cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải truyền thông chính sách từ sớm, từ xa, ngay từ khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường chất lượng thể chế, tạo sự đồng thuận khi tổ chức triển khai thực hiện cũng như công khai, minh bạch.
Về tình hình thực hiện công tác PBGDPL trong nhà trường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế Bộ GD&ĐT Mai Thị Anh cho biết, Bộ GD&ĐT rất quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác PBGDPL trong nhà trường. Bộ đã ban hành Quyết định số 599/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch về PBGDPL năm 2023 của ngành Giáo dục.
Yêu cầu các đơn vị nhà trường, cơ sở giáo dục trong toàn ngành phải bảo đảm công tác PBGDPL được tổ chức triển khai thực chất, bám sát nội dung, yêu cầu đổi mới công tác PBGDPL trong điều kiện hiện nay, phù hợp với tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục năm 2023, tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật mới ban hành liên quan đến quản lý nhà nước về GD&ĐT.
Các hoạt động PBGDPL cần hướng tới mục đích tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học trong nhà trường.
Trong triển khai các nhiệm vụ công tác PBGDPL, Bộ GD&ĐT đồng thời bám sát các nhiệm vụ theo Quyết định số 15/QĐ-HĐPB của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo Bộ là thành viên Hội đồng trong việc thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công.
Quá trình triển khai Chương trình 705, Đề án 1928 và nhiều chương trình, đề án khác liên quan, Bộ nhận thấy nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đã có nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo trong công tác PBGDPL, trong đó có nhiều mô hình PBGDPL thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đối tượng được PBGDPL.
Một số mô hình PBGDPL đã phát huy được hiệu quả tại các địa phương, nhà trường như mô hình “Cổng trường học an toàn giao thông”, mô hình “Tuần sinh hoạt công dân HSSV”, mô hình “Ngày pháp luật”, “Tiết pháp luật” định kỳ hàng tháng hoặc hàng tuần, mô hình các Câu lạc bộ PBGDPL dành cho học sinh theo từng cấp học, mô hình “Nhóm Zalo tuyên truyền pháp luật”…
Các mô hình đều có ý nghĩa giáo dục tích cực, bồi dưỡng ý thức tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật, xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; phê phán, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội…
Tại Hà Nội, những năm qua công tác BGDPL trong nhà trường đã được ngành Giáo dục TP chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác PBGDPL trong các nhà trường, tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định mới liên quan đến giáo dục; quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; phòng chống tệ nạn và xã hội; bảo vệ môi trường; an toàn thực phẩm; phòng chống tác hại của thuốc lá, tác hại của rượu bia; PCCC; quy định của pháp luật có liên quan đến Luật Thủ đô, Luật Cư trú, Luật Trẻ em; Luật giao thông đường bộ; Luật phòng, chống ma túy, Bộ luật hình sự, bạo lực học đường, quyền và bổn phận trẻ em…
Quý I/2023, Sở Tư pháp TP Hà Nội, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP đã phối hợp với Trường THCS Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội tổ chức buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý và phổ biến một số quy định của Luật An ninh mạng, tuyên truyền tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử đối với hơn 1000 học sinh khối 6 và khối 9 của nhà trường.
Phòng Tư pháp huyện Đông Anh phối hợp với VKSND huyện Đông Anh tổ chức tuyên truyền pháp luật phòng chống xâm hại, bạo lực học đường và an toàn giao thông bằng hình thức phiên tòa giả định tại trường THPT Vân Nội.
Bộ GD&ĐT đề xuất, cần định kỳ bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục Kinh tế và pháp luật, giảng viên giảng dạy môn học Pháp luật, Pháp luật đại cương trong các trường đại học không chuyên luật; định kỳ tổ chức gặp gỡ đối thoại, tọa đàm, trao đổi giữa những người làm công tác PBGDPL; nâng cao vai trò của tổ chức Đoàn, Đội, Hội trong nhà trường trong việc tuyên truyền, PBGDPL cho đoàn viên, đội viên, hội viên của tổ chức mình… |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại