Đại diện VKSND: Các bị cáo thuộc Tổng Cty 3/2 không có quyền bán khu đất 43 ha
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại diện VKSND phát biểu quan điểm đối đáp với các luật sư, bị cáo |
“Có mọi nghĩa vụ và quyền hạn như các doanh nghiệp Nhà nước khác”
Trong phần tranh luận trước đó, luật sư Nguyễn Thành Công, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐTV Tổng Cty Bình Dương; luật sư Đinh Anh Tuấn, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương; luật sư Phan Trung Hoài và một số luật sư khác có ý kiến cho rằng, sự hình thành, phát triển nguồn vốn của Tổng Cty Bình Dương không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.
Tổng Cty thuộc quyền sở hữu của Tỉnh ủy Bình Dương không phải là doanh nghiệp Nhà nước; Tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của Đảng được pháp luật bảo vệ công bằng và bình đẳng với mọi chủ thể khác... Do đó, nhóm các bị cáo thuộc Tổng Cty Bình Dương không gây thất thoát cho tài sản Nhà nước…Các luật sư cho rằng, hành vi của các bị cáo không đáp ứng mặt khách quan trong cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Đối đáp với quan điểm này, đại diện VKSND đã viện dẫn các quyết định thành lập, phát triển của Tổng Cty 3/2 (tiền thân của Tổng Cty Bình Dương) và xác định, quá trình hình thành, phát triển về nguồn gốc vốn điều lệ của Tổng Cty là vốn có nguồn gốc ngân sách Đảng và ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Tổng Cty được xác định “có mọi nghĩa vụ và quyền hạn như các doanh nghiệp Nhà nước khác”.
Về những vấn đề luật sư nêu, đại diện VKSND cho rằng, trong vụ án, bị cáo Nguyễn Văn Minh là người đứng đầu doanh nghiệp, chịu trách nhiệm chính trước pháp luật và là chủ sở hữu về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại các Cty đối tác, Cty liên doanh có liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo, bị cáo Minh vừa là người tham gia trực tiếp điều hành vừa là người có mối quan hệ, ảnh hưởng chi phối đối với người thực tế quản lý, điều hành những doanh nghiệp ấy.
Trên cương vị người đứng đầu doanh nghiệp, để thực hiện hành vi chuyển nhượng trái pháp luật toàn bộ khu đất 43 ha và 30% vốn góp tại Dự án Khu dân cư- thương mại – dịch vụ Tân Phú sang cho tư nhân, bị cáo đã chủ trương, trực tiếp thực hiện và chỉ đạo thực hiện nhiều hành vi trái quy định của pháp luật, quy định của Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.
KSV nêu, có đầy đủ chứng cứ xác định bị cáo Minh và các bị cáo thuộc Tổng Cty 3/2 không có quyền bán khu đất 43 ha nêu trên, nhưng các bị cáo đã thông đồng với các bị cáo thuộc Cty Âu Lạc vì động cơ vụ lợi, cố tình làm trái quy định của pháp luật và chủ trương của Chủ sở hữu, thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thỏa thuận trái quy định của pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Diễn biến hành vi phạm tội thể hiện rõ vai trò chủ mưu xuyên suốt và trực tiếp thực hiện tội phạm của bị cáo Nguyễn Văn Minh.
Người có quyền định đoạt, sử dụng số tiền
Tại toà, bị cáo Minh nhiều lần nhắc đến chuyện Tổng Cty 3/2 là con đẻ của bị cáo, không bao giờ ông chiếm đoạt tiền. Nhưng đại diện VKSND nêu, Tổng Cty 3/2 có 60% vốn góp của Nhà nước. Hai Cty “sân sau” (Cty Hưng Vượng và Cty Phát triển) có quyền lợi của cá nhân và người thân trong gia đình bị cáo Minh.
“Vậy đâu mới là con đẻ của bị cáo và dòng tiền 815 tỷ này chuyển dịch từ con đẻ như lời bị cáo để nuôi con rơi kia à?”, đại diện VKSND đặt câu hỏi. KSV khẳng định, ngay từ đầu, bị cáo Minh có ý đồ, cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi tham ô tài sản.
Trước đó, bị cáo Nguyễn Thục Anh, nguyên Chủ tịch HĐTV Cty Phát triển khai, không được tiếp nhận ý chí của bố là ông Nguyễn Văn Minh. Các luật sư cũng nêu, “hổ dữ không ăn thịt con”, không bao giờ người cha lại đẩy con gái rượu của mình vào vòng lao lý.
Tranh luận quan điểm này bị cáo và luật sư, đại diện VKSND khẳng định, tâm lý tội phạm khi thực hiện hành vi phạm tội là luôn tìm cách che giấu và tin tưởng hành vi phạm tội của mình sẽ không bị phát hiện, xử lý.
Vì vậy, không thể nêu lý do bố không thể đưa con gái vào vòng lao lý. Đây không phải căn cứ. KSV cho rằng, nếu không muốn đưa con vào vòng lao lý thì “đừng thực hiện hành vi phạm tội, đừng giao cho con làm một loạt việc như thế”.
Với các quan điểm của luật sư bào chữa, ở tội "Tham ô tài sản", không có vai trò đồng phạm, VKSND cũng có quan điểm để bảo vệ các cáo buộc.
Trong vụ án, bị cáo Trần Nguyên Vũ, cựu Tổng Giám đốc Tổng Cty 3/2 thừa nhận hành vi phạm tội, chỉ băn khoăn việc, bị cáo có hưởng hay không khoản tiền đã tạm ứng.
Bị cáo Vũ đã thực hiện một loạt hành vi theo chỉ đạo của bị cáo Minh để được khoản tiền dùng để hoàn ứng là 84 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bị cáo Võ Hồng Cường, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty CP Hưng Vượng và vợ Trần Đình Như Ý, cựu Chủ tịch HĐTV Cty Phát triển thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc và cả hai tích cực khắc phục toàn bộ hậu quả.
Quan điểm của đại diện VKSND cho rằng, bị cáo Minh là người chỉ đạo toàn bộ quá trình, từ việc Tổng Cty 3/2 chuyển nhượng 145 ha đất cho Cty Tân Thành, việc định giá cổ phần của Cty Tân Thành đến việc quyết định Tổng Cty mua cổ phần này với giá cao hơn giá đã biết.
Hành vi của ông Minh chính là nguyên nhân gây ra hậu quả thiệt hại trên cho Tổng Cty 3/2 và việc ông Minh chỉ đạo sử dụng số tiền hơn 815 tỷ đồng được rút từ Tổng Cty 3/2, điều đó cho thấy, bị cáo Minh chính là người có quyền định đoạt, sử dụng số tiền này theo ý chí của mình.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại