Thứ tư 08/05/2024 20:45

Cuối năm, cảnh giác với “ma trận” việc làm ảo trên mạng xã hội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 5/1, trên trang fanpage Facebook trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đăng tải thông tin cảnh báo về việc một sinh viên trường ĐH tại TP Hồ Chí Minh bị lừa xin việc và bị “bắt cóc” với thủ đoạn tinh vi.
Nhiều trường Đại học cảnh báo sinh viên về cái “bẫy” lừa “bắt cóc” khi tìm việc làm cận Tết
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đăng tải thông tin cảnh báo sinh viên về hình thức lừa đảo, "bắt cóc" khi tìm việc làm. Ảnh: M.Miên

Trường Đại học cảnh báo sinh viên về cái “bẫy” lừa “bắt cóc” khi tìm việc làm

Theo nội dung chia sẻ, một sinh viên nộp đơn xin việc nhiều nơi, sau đó nhận được cuộc gọi và đề nghị kết bạn zalo, xin email để xác nhận và hẹn ngày phỏng vấn của Cty TNHH Shopee. Hình thức lừa đảo tinh vi khi các đối tượng đều sử dụng email và hotline giả mạo Shopee.

Sau đó, sinh viên được xác nhận bằng email đã trúng tuyển và đi thực tập tại kho Shoppe tại Long An. Trong ngày nhận việc, sinh viên này rơi vào “ma trận” lừa đảo khi các đối tượng liên tục thay đổi địa điểm di chuyển.

Từ bến xe An Sương theo địa chỉ xác nhận, sinh viên này bị các đối tượng đưa đến cửa khẩu Tây Ninh, vượt biên sang Campuchia theo đường tiểu ngạch. Trong quá trình di chuyển, sinh viên này bị các đối tượng dùng roi điện đánh đập, lấy hết tài sản và điện thoại. Lợi dụng trời đêm tối, sinh viên này đã tìm chạy trốn và may mắn thoát nạn. Sau 24h bị bắt cóc, sinh viên đến công an khu vực cửa khẩu, công an địa phương và trường trình báo.

Theo Phòng Tuyển sinh và Công tác Sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, nắm bắt thông tin sự việc, nhà trường đăng tải thông tin nhằm cảnh báo đến sinh viên trong trường cần thận trọng trong quá trình tìm việc làm thêm, tránh rơi “bẫy” lừa đảo tương tự như sự việc kể trên.

Cẩn trọng "bẫy" việc làm ảo trên mạng xã hội

Những ngày giáp Tết, xu hướng tìm việc làm thêm tăng cao. Dạo quanh các trang mạng xã hội, hàng nghìn trang thông tin tuyển dụng việc làm, tuyển người làm thời vụ với mức lương cao, hấp dẫn, không cần kinh nghiệm. Những công việc “việc nhẹ, lương cao”, thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng như chỉ phải gõ văn bản, đánh giá sản phẩm, tư vấn khách hàng, bán vé máy bay chiết khấu cao, cắt mác quần áo, dán lì xì, cộng tác viên vận đơn được tuyển dụng rầm rộ.

Đối tượng được hướng đến các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm. Nhiều người nhẹ dạ, cả tin đã rơi vào “bẫy” lừa đảo theo hình thức mới.

Tháng 12/2023, tại Hà Nội, thực hiện Kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp Tết Nguyên đán 2024 của Công an TP Hà Nội, Ban chỉ huy Công an quận Hà Đông đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự bám sát địa bàn, tăng cường công tác quản lý đối tượng, nhất là công tác nắm tình hình các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội trên không gian mạng.

Quá trình điều tra, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã triệt phá thành công ổ nhóm gồm 21 đối tượng chuyên thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với chiêu trò “bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng 10-20%”.

Nhiều trường Đại học cảnh báo sinh viên về cái “bẫy” lừa “bắt cóc” khi tìm việc làm cận Tết
Cảnh sát hình sự Công an quận Hà Đông triệt phá thành công nhóm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với chiêu trò “bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng 10-20%”. Ảnh: Đạt Lê

Cầm đầu đường dây lừa đảo là “ông trùm” 9X Nguyễn Đức Tùng (SN 1993, trú tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông). Theo lời khai của đối tượng, sau nhiều lần sang Campuchia, Nguyễn Đức Tùng nhận thấy hình thức lừa đảo trên không gian mạng thông qua các trang mạng xã hội như: Facebook, web, telegram, zalo… dễ dàng thu lợi bất chính với số tiền lớn.

Nguyễn Đức Tùng nghiên cứu, lên kế hoạch về Việt Nam tổ chức thực hiện hành vi lừa đảo. Đối tượng Tùng chọn địa điểm là các căn hộ chung cư khép kín, có lực lượng bảo vệ quản lý kiểm soát chặt chẽ làm “trụ sở ảo”. Để che mắt lực lượng chức năng, đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động.

Thời điểm khám xét, “ôm trùm” 9X có thuê phòng 707 chung cư Hồ Gươm thuộc phường Mộ Lao (quận Hà Đông) và phòng 2705 chung cư King Palace phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) cho khoảng 20 đối tượng có độ tuổi từ 18-25, chuyên môn về tin học, sử dụng máy tính truy cập Internet hoạt động.

Tại “trụ sở ảo”, Tùng tổ chức thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm có 1 trưởng nhóm và 3-5 thành viên. Trưởng nhóm được trả mức lương từ 100 triệu - 150 triệu/tháng, nhân viên khoảng 20 triệu đồng/ tháng.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, đối tượng Tùng mua hàng nghìn tài khoản Facebook ảo trên mạng xã hội, đăng bài cần tuyển dụng cộng tác viên bán vé máy bay toàn quốc với mức chiết khấu cao (20% tiền vé).

Nhằm tạo lòng tin cho “con mồi”, các đối tượng giả danh làm khách đặt mua vé máy bay và tự tạo giao dịch thành công. Các đối tượng liên tục đặt vé máy bay số lượng lớn, sau khi chiêu dụ người bị hại chuyển tiền vào tài khoản thành công, các đối tượng nhanh chóng chặn facebook, xóa dấu vết và tài khoản, cắt đứt liên lạc. Số tiền chiếm đoạt, Tùng chuyển qua sàn mua bán tiền ảo mở tại nước ngoài.

Quá trình khai thác lời khai, đối tượng Tùng thừa nhận đã lừa đảo chiếm đoạt 20 tỷ đồng của nhiều bị hại trên cả nước (thời gian từ tháng 6/2023 đến khi bị bắt). Chỉ trong ngày đầu tiên khai thác, Công an quận Hà Đông đã xác minh được 10 bị hại tại nhiều địa phương, bị chiếm đoạt số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng.

Qua vụ án triệt phá thành công, người dân nên cảnh giác với những trang tìm việc, tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao” và những cuộc gọi điện thoại thông báo trúng thưởng “trên mây”.

Hiện, nhu cầu tìm kiếm việc làm dịp cận Tết có xu hướng tăng cao, cũng là thời điểm các đối tượng lừa đảo tận dụng cơ hội, tiếp cận, thực hiện thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đối với sinh viên, người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, cần đề cao cảnh giác, tìm hiểu lịch sử, hoạt động, thông tin pháp lý của các công ty trước khi ứng tuyển và phỏng vấn.

Đối với người dân, sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo, cẩn trọng trong giao dịch việc làm, thông tin trên mạng xã hội. Luôn đặt câu hỏi về nguồn gốc của người đang trò chuyện: Họ là ai? Vì sao họ biết và có thông tin của mình? Tại sao không quen biết mà lại mang lại cho mình nhiều lợi ích?

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn, cần chủ động thông tin tới cơ quan công an gần nhất để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Kịp thời giải cứu 2 cháu bé bị dụ dỗ đi làm Kịp thời giải cứu 2 cháu bé bị dụ dỗ đi làm "việc nhẹ lương cao”
Kỳ 2: Mê hồn trận các chiêu trò lừa đảo Kỳ 2: Mê hồn trận các chiêu trò lừa đảo
Kỳ cuối: Kinh nghiệm tránh rủi ro khi đi làm thêm Kỳ cuối: Kinh nghiệm tránh rủi ro khi đi làm thêm
Chiêu lừa đảo việc nhẹ lương cao: Kỹ năng sử dụng mạng xã hội là một loại “vắc-xin” phòng ngừa Chiêu lừa đảo việc nhẹ lương cao: Kỹ năng sử dụng mạng xã hội là một loại “vắc-xin” phòng ngừa
Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn dụ dỗ đưa người xuất cảnh, vượt biên trái phép Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn dụ dỗ đưa người xuất cảnh, vượt biên trái phép
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động