Thứ hai 29/04/2024 14:00

Chiêu lừa đảo việc nhẹ lương cao: Kỹ năng sử dụng mạng xã hội là một loại “vắc-xin” phòng ngừa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về chiêu lừa đảo việc nhẹ lương cao, nhưng liên tiếp có những nạn nhân bị kẻ xấu dụ dỗ. Theo TS, Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học - Bộ Công an, để phòng ngừa “vấn nạn” này, thì kĩ năng sử dụng mạng xã hội an toàn là một loại “vắc-xin”…
Chiêu lừa đảo việc nhẹ lương cao: Kỹ năng sử dụng mạng xã hội là một loại “vắc-xin” phòng ngừa
Bài đăng về công việc của những đối tượng sử chiêu lừa đảo việc nhẹ lương cao để dụ dỗ những nạn nhân nhẹ dạ. Ảnh cắt màn hình

Thiếu niên 13 tuổi mắc bẫy chiêu lừa đảo việc nhẹ lương cao

Ngày 4/12, Trạm Cảnh sát giao thông Diễn Châu (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Nghệ An) đã ngăn chặn thành công một thiếu niên bị dụ dỗ đi nước ngoài làm việc. Theo đó, nạn nhân đã bị một đối tượng trên mạng xã hội sử dụng chiêu lừa đảo "việc nhẹ lương cao" để làm theo chúng.

Trước đó, vào khoảng 16h ngày 3/12, đơn vị nhận được tin báo của gia đình cháu P.T.H. (SN 2010, trú xã Trường Thọ, huyện An Lão, Hải Phòng) nhờ hỗ trợ.

Theo thông tin từ gia đình, cháu H. nghi bị dụ dỗ lừa sang nước ngoài làm việc. Hiện cháu đã lên chiếc xe khách, di chuyển từ TP Hải Phòng vào miền Nam.

Sau khi nhận được tin báo của người thân cháu H., thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Tổ công tác số 5 Trạm Cảnh sát giao thông Diễn Châu dừng, kiểm tra ô tô khách 50F - 039.xx khi phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1, đoạn qua xã Diễn Hồng (huyện Diễn Châu).

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện cháu H. có mặt trên chiếc xe khách này nên đã đưa vào trạm, chờ người thân vào bàn giao.

Đến 21h cùng ngày, người thân cháu H. đã có mặt tại trạm và đưa cháu về nhà. Gia đình H. bày tỏ sự cảm kích khi lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện, ngăn chặn kịp thời, không để H. rơi vào tình huống nguy hiểm.

Kĩ năng sử dụng mạng xã hội an toàn là một loại “vắc-xin”

Việc các nạn nhân của chiêu lừa đảo “việc nhẹ lương cao” được lực lượng chức năng giải cứu không ít, cũng đã có rất nhiều các cảnh báo từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, liên tiếp có những nạn nhân bị mắc mưu các đối tượng lừa đảo này.

Về câu chuyện này, TS - Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng, mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho bọn tội phạm. Chính vì vậy, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn là “vắc-xin” phòng ngừa của mọi người trước chiêu lừa đảo này.

Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, trong kỷ nguyên bùng nổ về khoa học công nghệ thì tội phạm sử dụng công nghệ cao đã trở thành một nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn của nhân loại tương đương với vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và tội phạm khủng bố. Hiện nay, ở Việt Nam có hơn 72 triệu tài khoản mạng xã hội cùng hơn 100 triệu thuê bao điện thoại đi động.

Số lượng người dùng lớn đã khiến môi trường mạng Internet, mạng viễn thông trở thành mảnh đất màu mỡ cho các loại tội phạm lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Kết quả điều tra nhiều vụ phạm tội cho thấy nhiều cuộc tấn công lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện từ nước ngoài. Cụ thể là nhiều băng nhóm tội phạm người nước ngoài, đặt trụ sở hoạt động tại các casino, công ty ở các nước giáp biên giới Việt Nam.

Bằng chiêu bài tuyển dụng lao động “việc nhẹ lương cao”, chúng đã lừa được nhiều người Việt đưa qua biên giới rồi tổ chức giam lỏng họ trong khuôn viên các công ty, sòng bài biệt lập với bên ngoài. Tại đây các lao động bị khống chế, ép buộc phải thực hiện các vụ tấn công lừa đảo vào Việt Nam thông qua mạng xã hội, mạng viễn thông, mạng Internet.

Chiêu lừa đảo việc nhẹ lương cao: Kỹ năng sử dụng mạng xã hội là một loại “vắc-xin” phòng ngừa
Những nạn nhân bị lừa sang Campuchia may mắn được giải thoát. Ảnh: VTV

Lý giải câu hỏi vì sao loại tội phạm này không mới, xảy ra nhiều năm nhưng danh sách các nạn nhân vẫn tiếp tục nối dài, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng, nạn nhân luôn có vai trò quan trọng trong cơ chế hành vi phạm tội, thể hiện trong cả 3 khâu làm phát sinh ý định phạm tội; kế hoạch hóa việc thực hiện tội phạm và thực hiện tội phạm trên thực tế.

“Qua thực tiễn công tác điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao, chúng tôi thấy nạn nhân thường có “lỗi” như chủ quan, thiếu hiểu biết, thiếu ý thức cảnh giác” - theo Thượng tá Đào Trung Hiếu.

“Tôi có cảm giác là nhiều người nghĩ tội phạm là thứ xảy ra ở đâu đó, với ai đó chứ không phải đối với mình. Nói theo chữ của nhà văn Nam Cao là “chắc nó chừa mình ra”. Nhưng trên thực tế, tội phạm có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ ai, không có ngoại lệ. Nên chính sự thờ ơ, bất cẩn đó đã tạo điều kiện để tội phạm có cơ hội xảy ra” - Thượng tá Đào Trung Hiếu thông tin tiếp.

Và theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, một nguyên nhân khác đó là rất nhiều người không có các kĩ năng sử dụng mạng xã hội an toàn. Cụ thể là họ rất dễ dãi chấp nhận kết bạn trên mạng xã hội, không có tư duy phản biện và dễ dàng làm theo những yêu cầu của người lạ trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, có nhiều người vì không hiểu biết, về các quy trình quy tắc làm việc của cơ quan nhà nước mà bị lừa.

Để bảo vệ bản thân mình cũng như “túi tiền” của mình, theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, các kĩ năng sử dụng mạng xã hội, mạng Internet an toàn là đặc biệt quan trọng.

“Theo tôi, người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên cập nhật tình hình tội phạm và các vấn đề thời sự; nghiên cứu các cảnh báo từ cơ quan chức năng được gửi đến công chúng thông qua báo chí, truyền thông. Khi thường xuyên cập nhật như vậy, người dân sẽ biết trước những thủ đoạn phạm tội để chủ động phòng tránh” - Thượng tá Đào Trung Hiếu nói.

Hành vi phạm tội này đã diễn ra với người khác thì cũng có thể diễn ra với mình, do đó cần phải đọc để nắm được rõ những phương thức thủ đoạn cũng như làm theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.

“Khi người sử dụng mạng xã hội nắm được các kĩ năng cần thiết để sử dụng mạng xã hội an toàn thì đó chính là vắc-xin, là bức tường lửa bảo vệ họ trước đòn tấn công của tội phạm” - Thượng tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.

Nhiều nữ sinh miền núi “sập bẫy” việc nhẹ lương cao Nhiều nữ sinh miền núi “sập bẫy” việc nhẹ lương cao
Kịp thời giải cứu 2 cháu bé bị dụ dỗ đi làm Kịp thời giải cứu 2 cháu bé bị dụ dỗ đi làm "việc nhẹ lương cao”
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động