Kỳ 2: Mê hồn trận các chiêu trò lừa đảo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSự kiện giúp sinh viên nhận diện những chiêu lừa đảo khi đi xin việc. Ảnh: BTC |
“Thả con săn sắt, bắt con cá rô”
Em N.T, sinh viên của một trường ĐH tại quận Cầu Giấy chia sẻ, bản thân đã rơi vào mê hồn trận tinh vi của kẻ lừa đảo. Số tiền em bị mất lên đến hàng chục triệu đồng. T kể lại, em nhận được thông tin tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên một số sàn thương mại điện tử.
Phía tuyển dụng cho biết, với mỗi lần mua hàng sẽ được hoàn trả tiền cộng thêm tiền “hoa hồng” từ 10% đến 20% giá trị đơn hàng. Để tạo lòng tin, phía tuyển dụng thực hiện đúng thỏa thuận với những đơn hàng có giá trị từ 15.000 đồng đến 50.000 đồng.
Tuy nhiên, sau đó, khi T muốn rút số tiền của mình về tài khoản, phía tuyển dụng bảo rằng cần phải thực hiện thêm những đơn hàng khác để có thêm tiền thưởng mới rút được. T tin và làm theo, đến khi nộp 20 triệu đồng vẫn không thấy rút được tiền, còn bị yêu cầu mua thêm, nếu không sẽ không lấy được số tiền đã nạp cũng như tiền hoa hồng. Khi nam sinh này khẩn cầu phía tuyển dụng cho rút tiền về vì bản thân không còn khả năng nạp tiền thêm được nữa liền bị người hướng dẫn chặn liên lạc.
Năm thứ nhất ĐH, em N.H.N, sinh viên một trường ĐH tại TP Hồ Chí Minh có làm thêm công việc cộng tác viên chốt đơn trên 1 sàn thương mại có tiếng. Phía tuyển dụng yêu cầu N truy cập vào một đường link, nhập thông tin tại đó để làm việc.
Khi truy cập vào link này thì chị nhìn thấy hình ảnh sàn thương mại điện tử và bắt đầu đăng ký tài khoản kèm mã giới thiệu. Ban đầu, trong tài khoản có 30.000 đồng nhưng sẽ bị trừ đi sau mỗi lần chốt đơn. Càng muốn chốt được nhiều đơn thì chị N càng phải “rót” nhiều tiền vào tài khoản. Rất may là chị N từng nghe nhiều câu chuyện bị lừa tương tự nên đã cảnh giác không mắc bẫy.
Qua mạng xã hội, em N.T.H vừa tốt nghiệp có tìm việc và nhận được lời mời phỏng vấn của một công ty(Cty). Khi đến Cty này, H phát hiện không đúng địa chỉ thật của Cty. Nhà tuyển dụng yêu cầu H phải học khóa đào tạo vài ngày, sau đó làm bài kiểm tra để đánh giá có đạt tiêu chuẩn làm việc hay không. Người kèm cặp H khéo léo nên cô gái mới ra trường không hề nghi ngờ.
Cuối ngày đào tạo, phía tuyển dụng yêu cầu H phải đóng số tiền hơn chục triệu đồng để mua bộ sản phẩm bên họ dùng thử, từ đó sẽ đi bán sản phẩm cho khách hàng. Lúc này H mới sinh nghi và quyết định chưa nộp tiền vội. Về nhà, qua tìm hiểu, H nhận ra đây là Cty lừa đảo nên quyết định từ bỏ ý công việc này.
Nhận diện các tình huống lừa đảo sinh viên
Rất nhiều sinh viên hiện nay có nhu cầu đi làm thêm để kiếm tiền phụ giúp gia đình, cũng như mong muốn có thêm kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, không ít người lại trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo. Các tổ chức hoặc cá nhân lừa đảo thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của sinh viên để trục lợi về mặt tiền bạc hoặc giữ các giấy tờ cá nhân. Phía tuyển dụng thường tác động vào sự cả tin của sinh viên, giới thiệu việc nhẹ, lương cao, thời gian linh động, không cần kinh nghiệm.
Đa phần các sinh viên thường chọn hình thức kinh doanh online vì có thể làm việc tại nhà. Đây là một trong những loại hình nhiều tính rủi ro bởi các giao dịch được thực hiện qua hình thức chuyển khoản và thanh toán trực tuyến trên mạng xã hội, đồng nghĩa không biết điểm nhận và nguồn gốc tiền mà sinh viên nhận là như thế nào.
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên vì những lý do khác nhau muốn vay tiền thì các trung tâm tín dụng sẽ lợi dụng việc này để cho vay. Đây là loại hình cho vay tín dụng đen với lãi suất rất cao mà nhiều bạn trẻ đã dính vào, đến khi khó lòng thanh toán số tiền dẫn đến việc nợ nần chồng chất, bị phía cho vay đòi nợ, đe dọa,…
Ngoài ra, nhiều sinh viên nhận được thông báo tin nhắn trúng thưởng qua điện thoại, ứng dụng xã hội. Để nhận được quà, các bạn trẻ phải làm theo những yêu cầu của tin nhắn. Tuy nhiên, quà cũng không được nhận, còn mất thêm tiền đã nạp.
Ông Vũ Quang Thành - một chuyên gia về lĩnh vực dịch vụ việc làm tại Hà Nội cho biết, hiện có rất nhiều chiêu thức lừa đảo việc làm hướng đến sinh viên, nhất là các tân sinh viên mới nhập học còn rất nhiều bỡ ngỡ. Hình thức phổ biến là lừa sinh viên vào các mạng lưới bán hàng hưởng hoa hồng cao, làm thêm lương cao,… nhưng phải đóng phí. Đáng chú ý là hình thức bán hàng online, thanh toán đơn hàng nhận hoa hồng khiến nhiều sinh viên bị chiếm đoạt tiền, thậm chí bị đe dọa, gây tổn thất về cả tinh thần, vật chất.
Theo ông Thành, để tránh rơi vào những trường hợp bị lừa đảo, các sinh viên nên tham khảo các kênh tìm việc chính thống như: Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, Trung tâm Dịch vụ việc làm của Sở Lao động – thương binh và xã hội,… Khi đọc các thông tin tuyển dụng trên mạng, sinh viên nên tìm hiểu kỹ và liên hệ thực tế, tuyệt đối không nghe lời dụ dỗ đặt cọc tiền để nhận việc.
Theo chuyên gia Lê Thị Thu Huyền, không bao giờ có việc nhẹ, lương cao. Trước khi nhận công việc, sinh viên cần tìm hiểu thật kỹ công việc đó là gì. Chú ý cảnh giác với những trường hợp yêu cầu đặt cọc hay ứng tiền trước. Nếu bên tuyển dụng đưa ra điều kiện như vậy thì 100% là chiêu trò lừa đảo. Nếu có người mượn/thuê giấy tờ cá nhân thì chắc để lừa người khác bằng danh nghĩa của mình nên tuyệt đối không làm theo. Sinh viên cũng cần chú ý địa điểm phía tuyển dụng hẹn phỏng vấn. Nếu ở ngoài văn phòng, địa điểm làm việc thì 100% là có ý đồ xấu. Dù là làm thêm cũng có hợp đồng nên các bạn trẻ cần đọc thật kỹ, nếu có thể, sinh viên cầm về nghiên cứu trước khi ký hợp đồng. |
(Còn nữa)
Kỳ 1: Mất cả chì lẫn chài |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại