Kỳ 1: Mất cả chì lẫn chài
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênRất nhiều chiêu tuyển dụng “việc nhẹ lương cao” khiến sinh viên “sập bẫy”. Ảnh: A.N |
Lương mất hút, tiền cọc “không cánh mà bay”
Với mong muốn giúp bố mẹ phần nào những trang trải học đại học (ĐH), em N.H.N. (trường ĐH Công nghiệp Diệt may Hà Nội) quyết định xin đi làm thêm khi là sinh viên năm 2. Qua mạng xã hội, N xin vào làm ở kho của một trang thương mại điện tử nổi tiếng, địa điểm thuộc quận Long Biên, Hà Nội. Công việc là bê và phân chia hàng hóa, có ca đêm và ca ngày. Phía tuyển dụng hứa sau 2 - 3 ngày sẽ trả lương, với mức 280.000 đồng/buổi. Tuy nhiên, sau đó, chờ mãi mà N không nhận được lương. Em đã nhắn tin hỏi thì người môi giới ở giữa nói bên kho không trả tiền nên họ không có tiền để trả em.
“Em và một số bạn khi không nhận được lương đúng hẹn liền sinh nghi, không làm tiếp. Chúng em liên hệ bên kho thì họ lại bảo không liên quan. Liên hệ với người môi giới thì họ bảo bên kho có trách nhiệm thanh toán. Chúng em cũng không biết là bên kho không trả hay người tuyển kia họ “ăn” hết. Cuối cùng, chúng em không làm được gì, đành chịu mất 3 ngày lương. Tất cả tiền lương của chúng em cộng lại cũng khá nhiều” - N cho biết.
Em Đ.M.L, sinh viên một trường ĐH ở Gia Lâm, Hà Nội cũng bị lừa khi xin đi làm thêm. N chia sẻ: “Sau giờ học, có thời gian rảnh, em hay lên trên các trang mạng tìm kiếm việc làm thêm. Một hôm, em thấy có bài viết tuyển nhân viên bán mỹ phẩm nên đã nhắn tin hỏi xin làm. Họ hẹn em tới cửa hàng phỏng vấn. Trong lúc phỏng vấn, họ yêu cầu em đặt cọc số tiền 500.000 đồng tiền mặt để tránh các trường hợp như nghỉ làm giữa chừng, lấy đồ của cửa hàng,…và em cũng làm theo. Khoảng 15 ngày sau, phía cửa hàng bảo em nghỉ làm với lý do cửa hàng không có khách.
Tuy nhiên, lúc thanh toán lương thì họ chỉ trả một nửa và không trả lại tiền em đã đặt cọc. Thấy vô lý, em nhắn tin thì họ không trả lời, đến tận nơi để hỏi thì cửa hàng đã đóng cửa. Thế là em đành mất nửa tiền lương cũng như tiền đặt cọc. Có thể với nhiều người số tiền đó không lớn nhưng với sinh viên chúng em, khoản tiền đó có thể ăn nửa tháng”.
Em L.H.H (quê Hưng Yên) từng xin đi làm thêm công việc văn phòng được giới thiệu là “việc nhẹ lương cao”. Phía tuyển dụng hẹn H cùng bạn bè đến một tòa nhà cao tầng, yêu cầu đặt cọc CMND hoặc CCCD và thẻ sinh viên để được làm việc.
“Sau khi được tuyển dụng, chúng em được yêu cầu tham gia hội thảo giới thiệu sản phẩm do phía tuyển dụng tổ chức. Nhưng sau đó, thấy việc quá chán nên chúng em xin nghỉ thì bên tuyển dụng yêu cầu chúng em phải nộp tiền để chuộc CMND hoặc phải mua hàng không rõ nguồn gốc của họ thì họ mới cho chuộc lại giấy tờ. Vì không muốn gia đình lo lắng cũng như nhanh chóng lấy lại giấy tờ nên em cũng đã bỏ tiền chuộc lại, ngày công đi làm cũng mất trắng” - H chia sẻ. Cũng qua lời kể của H, bạn em từng phải nhờ thầy giáo đến tận nơi của nhóm lừa đảo với hình thức tương tự để lấy lại giấy tờ.
Công ty ỡm ờ
May mắn hơn các sinh viên kể trên, em N.H.G (Hà Nội) xin đi làm thêm bán hàng online. Tuy nhiên, khi đến địa điểm phỏng vấn, người tuyển dụng yêu cầu G gửi xe chỗ khác, sau đó đi bộ một đoạn đến một ngôi nhà không phải là trụ sở công ty (Cty).
“Thấy nghi ngờ nên em đã gửi xe ở một hàng nước gần đó. Khi em đi vào phía trong thì họ định đóng sập cửa lại. Em lấy lý do đi cất xe rồi về thẳng. Ra khỏi chỗ đó em vẫn còn cảm giác “chân đập chân run”. Cũng may, em nhanh chóng tìm cách ra khỏi đó, không thì không biết sẽ gặp chuyện gì nữa” - G kể lại.
Thời gian hè vừa qua, em N.C (sinh viên một trường ĐH trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội) muốn kiếm thêm thu nhập nên đã đăng tìm kiếm việc làm thêm trên facebook. Sau đó, C có nhận được rất nhiều tin nhắn tuyển dụng qua mạng. C có nhận lời phỏng vấn của một người tự giới thiệu là chuyên viên của chuỗi cà phê gần trường. Cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng hình thức online.
Phía tuyển dụng đưa ra mức lương cho nhân viên chạy bàn là từ 30.000 - 35.000 đồng/giờ. Vị chuyên viên kia trao đổi phía Cty không thu khoản nào của nhân viên nhưng để tránh trường hợp nhân viên làm mất đồng phục, rồi nghỉ việc nên phía Cty yêu cầu C đóng trước 500.000 đồng tiền đặt cọc đồng phục.
Do đã tìm hiểu trước những vụ việc lừa đảo sinh viên đi làm thêm nên C cảnh giác và bảo cần suy nghĩ lại. Sợ mất “con mồi” cũng như đánh vào tâm lý cần việc làm thêm của C. nên chuyên viên này nhấn mạnh phía Cty không có thời gian sắp xếp thêm buổi phỏng vấn nào nữa. Hơn nữa, vị trí nhân viên phục vụ với mức lương cao như này rất hiếm khi tuyển.
Tuy nhiên, C vẫn kiên quyết từ chối đóng cọc trước và tìm công việc khác phù hợp. C chia sẻ bạn bè em cũng có vài người bị lừa theo hình thức này. Phía lừa đảo lợi dụng sinh viên cần việc làm thêm, nhất là địa điểm làm gần trường, thuận lợi đi học và đi làm. Nhờ đó, em đã cảnh giác ngay từ đầu và không bị mất tiền oan.
Thấy dòng thông tin tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao, không cần kinh nghiệm”, em H.O, sinh viên một trường ĐH tại TP Hồ Chí Minh tỏ ra hào hứng ứng tuyển. Khi đến nơi, O gặp một sinh viên khác và được cảnh báo đừng có tin lời nhóm tuyển dụng này vì người này cũng vừa bị lừa xong. Thấy sinh viên này thì thầm to nhỏ với O, một người đàn ông đi ra nạt nộ, đuổi người này về. Tuy rất sợ hãi nhưng vì được cảnh báo trước nên O vẫn quyết định đi vào trong phỏng vấn nhưng thực chất để xem chiêu bài của nhóm này ra sao. Khi được yêu cầu đặt cọc rồi mới đi làm, O lấy lý do chưa chuẩn bị được tiền, hẹn hôm sau mang tiền đến để đặt cọc rồi đi làm luôn. Về nhà, O nhắn lại với bên tuyển dụng không đi làm thêm nữa”.
(Còn nữa...)
Sập bẫy "việc nhẹ - lương cao" | |
Nhiều nữ sinh miền núi “sập bẫy” việc nhẹ lương cao | |
Kịp thời giải cứu 2 cháu bé bị dụ dỗ đi làm "việc nhẹ lương cao” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại