Sập bẫy "việc nhẹ - lương cao"
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa. |
Các bị cáo trong vụ án gồm: Lê Văn Thành, SN 1996, quê Thái Bình; Vũ Văn Khôi, SN 1994; Đoàn Trần Lê Hoàng, SN 2000 - đều quê Tuyên Quang; Nguyễn Ánh Hào, SN 2001, trú tại Hà Nội; Phan Trí Đạt, SN 1996, quê Bà Rịa- Vũng Tàu; Nông Văn Hưng, SN 2005, quê Đắk Nông.
Theo cáo trạng, cuối năm 2021, nhóm 6 bị cáo nêu trên và một số đối tượng khác lên mạng xã hội tìm kiếm việc làm. Các bị cáo đọc được thông tin tuyển dụng "việc nhẹ - lương cao" tại Campuchia nên đăng ký. Phía tuyển dụng đã tổ chức cho các bị cáo xuất cảnh sang Campuchia từ cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Tây Ninh. Sau khi đến nơi, họ được đưa đến khu nhà chữ U cao 9 tầng gần khu vực chợ Barvet, Campuchia và làm việc cho một tổ chức tội phạm do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu. Việc của họ là giả danh nhân viên sàn thương mại điện tử Shopee đăng bài tuyển cộng tác viên trên mạng xã hội.
Sau khi nạn nhân đồng ý cộng tác thì các bị cáo yêu cầu họ thực hiện nhiệm vụ thanh toán đơn hàng Shopee bằng cách chuyển khoản tới tài khoản mà nhóm người Trung Quốc chỉ định.Tổ chức tội phạm này do nhóm người Trung Quốc cầm đầu, các thành viên được tổ chức thành hai tổ ''tư vấn'' và ''giết khách'' để thực hiện hành vi lừa đảo.Các thành viên được trả công 800 USD hoặc số tiền tương đương là 18,4 triệu đồng/tháng cùng với 3-5% tùy thuộc số tiền lừa được trong tháng.
Thành viên trong tổ có trách nhiệm hỗ trợ nhau, chuyển thông tin nạn nhân cho nhau, qua đó tạo nhiều lý do khác nhau để chiếm đoạt tiền. Các bị cáo hứa hẹn với nạn nhân sau khi chuyển tiền sẽ được hoàn trả gốc cùng với 10-15% lợi nhuận.
Để nạn nhân tin tưởng, những phi vụ đầu tiên họ thường yêu cầu chuyển khoản đơn hàng có giá trị thấp. Khi có sự tin tưởng, các bị cáo sẽ yêu cầu chuyển khoản đơn hàng có giá trị lớn và viện nhiều lý do để không hoàn trả tiền như cam kết. Tiếp đó, các bị cáo còn yêu cầu phải chuyển khoản thanh toán đơn hàng giá trị cao hơn mới trả lại tiền.
Với hy vọng lấy lại tiền, nhiều nạn nhân đã phải chuyển khoản tiếp dẫn đến số tiền bị lừa gia tăng. Người mất nhiều nhất là chị T, với số tiền hơn 630 triệu đồng. Khi bắt đầu, chị T được cấp mã cộng tác viên A286, được gửi bảng, lương, thưởng trong tháng, quý và yêu cầu cộng tác viên mới phải thực hiện tám đơn/ngày.
Sau khi thực hiện xong 8 đơn đầu tiên mới được làm cộng tác viên chính thức và tính lương. Trong một lần thực hiện nhiệm vụ, chị T được yêu cầu thanh toán 4 đơn hàng có giá trị từ 1 triệu đồng đến 51,7 triệu đồng.
Với đơn hàng 51,7 triệu đồng, chị T không đủ tiền để thanh toán, lúc này bị cáo Thành nói sẽ hỗ trợ thanh toán một phần giá trị đơn hàng, còn 33 triệu đồng, chị T phải thanh toán. Nhưng sau khi chị T đã chuyển khoản 33 triệu đồng thì không được trả lại tiền.
Đáng chú ý, một đối tượng nữ xuất hiện tự giới thiệu là kế toán Cty và thông báo chị T nhờ người khác hỗ trợ đặt hàng là vi phạm quy tắc của Cty. Đối tượng này thông báo chị T bị phạt, phải chuyển khoản lại 50% giá trị đơn hàng là 25,8 triệu đồng. Chị T đành phải chuyển tiền thêm. Mặc dù vậy, chị T vẫn chưa nhận được tiền mà vẫn phải thực hiện tiếp các nhiệm vụ thanh toán đơn hàng với giá trị ngày càng lớn như xe máy Yamaha 73 triệu đồng, xe máy SH 103 triệu đồng…
Đến ngày 11/1/2022, Thành nhắn tin thông báo số tiền đầu tư vào lợi nhuận của chị T lên tới hơn 580 triệu đồng, vì số tiền lớn nên yêu cầu chị T phải nộp thêm 10% để xác minh. Chị T lại tiếp tục chuyển tiền. Tuy nhiên, khi số tiền lên tới hơn 630 triệu đồng thì nhóm bị cáo cắt liên lạc với chị T.
CQĐT xác định, tổng cộng, nhóm 6 bị cáo đã thực hiện bảy vụ lừa đảo đối với nhiều người Việt Nam, chiếm đoạt tổng cộng 1,3 tỷ đồng.Trong vụ án này còn một số đối tượng đã bỏ trốn, CQĐT đã ra quyết định truy nã và tách vụ án hình sự, chờ bắt được sẽ tiếp tục xử lý.
Tuy nhiên tại phiên tòa xét xử ngày hôm nay, do có bị cáo trong vụ án muốn mời thêm luật sư bào chữa cho mình, nên đã đề nghị HĐXX tạm hoãn phiên tòa và HĐXX đã đồng ý.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại