Thứ bảy 23/11/2024 18:32

Công ước Chống tra tấn mang đậm dấu ấn tiến bộ của nhân loại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Công ước Chống tra tấn là một trong 09 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người của Liên hợp quốc.
Công ước Chống tra tấn mang đậm dấu ấn tiến bộ của nhân loại. Ảnh minh họa
Công ước Chống tra tấn mang đậm dấu ấn tiến bộ của nhân loại. Ảnh minh họa

Tính đến hết tháng 6/2019, Công ước Chống tra tấn đã có 166 quốc gia thành viên, trong đó có 06 quốc gia ASEAN. Sự ra đời và mức độ phổ biến của Công ước đã khẳng định nỗ lực, quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác trên toàn thế giới.

Việc Đại hội đồng thông qua Công ước Chống tra tấn là sự kiện lịch sử mang đậm dấu ấn tiến bộ của nhân loại trong nỗ lực bảo vệ con người khỏi bị tra tấn là bước đột phá trong cuộc đấu tranh phòng, chống tra tấn trên toàn thế giới và là công cụ hữu hiệu để loại bỏ hoàn toàn hành vi tra tấn ra khỏi đời sống của xã hội văn minh.

Công ước Chống tra tấn gồm 33 điều, chia thành 3 phần với các nội dung cụ thể như sau: từ Điều 1 đến Điều 16 quy định về khái niệm tra tấn và các nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước trong việc nghiêm cấm, trừng trị, phòng ngừa các hành vi tra tấn cũng như bảo vệ nạn nhân bị tra tấn; từ Điều 17 đến Điều 24 quy định về nghĩa vụ báo cáo của các quốc gia thành viên lên Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc và thẩm quyền của Ủy ban, hoạt động của báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về chống tra tấn, quyền của các quốc gia về tuyên bố ký, phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước; từ Điều 25 đến Điều 33 gồm những quy định liên quan đến ký, phê chuẩn, gia nhập, hiệu lực và sửa đổi Công ước.

Khoản 1 Điều 1 của Công ước đưa ra định nghĩa “tra tấn” như sau: “… “tra tấn” có nghĩa là bất kỳ hành vi cố ý gây ra sự đau đớn hoặc khổ sở đối với một người về thể xác hoặc tinh thần, nhằm những mục đích thu thập thông tin hoặc sự nhận tội từ người đó hoặc một người thứ ba, trừng phạt người đó về một hành vi mà người đó hay người thứ ba đã thực hiện hoặc nghi ngờ đã thực hiện, đe dọa hoặc ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ lý do gì khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi mà sự đau đớn hoặc chịu đựng đó được gây ra bởi hoặc với sự xúi giục hoặc với sự đồng ý hoặc sự chấp thuận của một nhân viên công quyền hoặc người khác đang thực hiện công vụ. Khái niệm này không bao gồm sự đau đớn hoặc khổ sở là kết quả đương nhiên hoặc ngẫu nhiên của các hình phạt hợp pháp”.

Có thể hiểu “tra tấn” gồm những yếu tố cấu thành như sau:

Về mặt chủ quan: hành vi tra tấn phải được thực hiện một cách cố ý. Tra tấn được biểu hiện dưới nhiều hình thức như sử dụng vũ lực tác động trực tiếp lên cơ thể con người: đánh đập, đâm chém, dùng điện, để đói, khát, ăn nhạt, tra hỏi liên tục dưới sức nóng của ngọn đèn cao áp giữa những ngày nóng, oi bức, bắt cởi quần áo trong trời giá rét hoặc bằng lời nói thô bạo tác động vào tâm lý, tinh thần, tình cảm làm cho một người đau đớn, khổ sở, nhục nhã về tinh thần nhằm mục đích làm cho người đó hoặc người thứ ba sợ hãi, tinh thần suy sụp để lấy thông tin, tài liệu hoặc để bắt họ phải khai ra những gì không có thực, sai sự thật theo ý đồ của người thực hiện hành vi tra tấn hoặc để trừng phạt người đó vì những việc mà họ đã làm.

Về mục đích: để lấy thông tin hoặc để trừng phạt vì một việc mà người đó đã làm vì lý do công vụ. Ví dụ như trực tiếp tác động vào tinh thần của người bị tra tấn để họ phải khai báo, thú nhận, nhưng cũng có thể để tác động vào tâm lý của người thứ ba (như cha, mẹ, vợ, con, người thân khác hoặc đồng chí, đồng đội…) để họ thấy sợ hãi, lo lắng, thương xót cho người bị tra tấn mà khai báo, thú nhận hoặc đưa ra những thông tin trái với ý muốn của họ.

Về hậu quả: hậu quả của hành vi tra tấn là gây đau đớn và khổ sở nghiêm trọng cho cả tinh thần và thể xác, tâm lý của người bị tra tấn.

Về chủ thể: là một nhân viên công quyền hoặc một người khác nhưng dưới sự đồng ý hoặc cho phép của một nhân viên công quyền.

Tựu chung lại, những hành vi gây ra đau đớn chỉ được coi là tra tấn khi nó được thực hiện với mục đích nhất định với thẩm quyền nhất định. Như vậy nếu có một vụ ẩu đả, đánh đập diễn ra trên đường phố chẳng hạn thì dù có thể nạn nhân bị thương tích, bị xâm hại nhưng những người thực hiện hành vi đó không theo bất kỳ một mệnh lệnh, hay dưới quyền lực của chính quyền, quân đội hay tư pháp thì đó không phải là tra tấn. Trái lại nếu một nhóm người thuộc lực lượng có thẩm quyền thực hiện hành vi như trên thì đó là tra tấn. Điểm khác biệt chính giữa một hành vi dã man đơn thuần với một hành vi tra tấn đó là ở hành vi đó được thực hiện theo một thẩm quyền và với một mục đích nhất định.

Tra tấn phải được thực hiện cố ý, trái ý muốn nạn nhân và khi nạn nhân trong tình trạng không thể tự vệ được. Như vậy trong các trường hợp những sự đau đớn nghiêm trọng được thực hiện một cách vô ý như A vô tình làm bị thương B; A cố tình làm B bị thương và B đồng ý để cho A làm bị thương mình; và trong cả trường hợp dù B không muốn A làm mình bị thương nhưng B đã có thể chống trả và tự vệ ngăn chặn lại hành vi của A thì tất cả các trường hợp này không phải là tra tấn

Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 1 Công ước Chống tra tấn, các quốc gia thành viên được khuyến khích đưa ra định nghĩa về hành vi tra tấn rộng hơn (khoản 2 Điều 1 Công ước) định nghĩa được nêu tại Điều 1 Công ước trong pháp luật quốc gia hoặc các thỏa thuận quốc tế khác.

Bối cảnh ra đời của Công ước Chống tra tấn
Quang Trung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động