Chủ nhật 28/04/2024 04:10

Công ước Chống tra tấn mang đậm dấu ấn tiến bộ của nhân loại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc Đại hội đồng thông qua Công ước Chống tra tấn là sự kiện lịch sử mang đậm dấu ấn tiến bộ của nhân loại trong nỗ lực bảo vệ con người khỏi bị tra tấn là bước đột phá trong cuộc đấu tranh phòng, chống tra tấn trên toàn thế giới và là công cụ hữu hiệu để loại bỏ hoàn toàn hành vi tra tấn ra khỏi đời sống của xã hội văn minh.
Công ước Chống tra tấn là sự kiện lịch sử mang đậm dấu ấn tiến bộ của nhân loại trong nỗ lực bảo vệ con người khỏi bị tra tấn
Công ước Chống tra tấn mang đậm dấu ấn tiến bộ của nhân loại trong nỗ lực bảo vệ con người khỏi bị tra tấn. Ảnh: Int

Năm 1946, các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc nhất trí thông qua Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền ghi nhận các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục… Trên cơ sở Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, nhiều văn kiện pháp lý quốc tế cũng được ban hành, trong đó có ghi nhận quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người như Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng năm 1948 Công ước của châu Âu về nhân quyền năm 1950…

Đến năm 1966, Liên Hợp quốc thông qua 02 Công ước quốc tế quan trọng về quyền con người là Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (Công ước ICESCR), Công ước về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR). Quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục được nhắc lại tại Điều 7 Công ước ICCPR.

Nhận thức được tầm quan trọng của quyền không bị tra tấn hay ngược đãi (gọi chung cho các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhận đạo và hạ nhục con người), ngày 09/12/1975, Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua một văn kiện riêng về quyền này với tên gọi “Tuyên bố về bảo vệ mọi người khỏi bị tra tấn và các hành vi đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”[1] (sau đây gọi là Tuyên bố về chống tra tấn).

Ngay sau khi thông qua Tuyên bố về chống tra tấn, ngày 09/12/1975, Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua Nghị quyết số 3453 (XXX) yêu cầu Ủy ban Nhân quyền (Commission on Human Rights)[2] tiến hành nghiên cứu các vấn đề liên quan đến “tra tấn” và thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo thực hiện hiệu quả Tuyên bố về chống tra tấn. Hai năm sau đó, Đại hội đồng Liên Hợp quốc tiếp tục thông qua Nghị quyết số 36/62 yêu cầu Uỷ ban Nhân quyền xây dựng dự thảo Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (sau đây gọi là Công ước Chống tra tấn) trên cơ sở các nguyên tắc đã được quy định bởi Tuyên bố về chống tra tấn.

Để thực hiện các Nghị quyết nói trên của Đại hội đồng Liên Hợp quốc, hai Nhóm làm việc đặc biệt đã được thành lập để thảo luận và xây dựng dự thảo Công ước Chống tra tấn. Dự thảo Công ước Chống tra tấn được giới thiệu lần đầu bởi Thuỵ Điển và được gửi để Nhóm làm việc thứ hai xem xét, thảo luận vào năm 1978. Dự thảo Công ước Chống tra tấn này tiếp tục được Nhóm công tác sử dụng để thảo luận, chuyển tới các quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc và đệ trình lên Hội đồng kinh tế, văn hóa và xã hội Liên Hợp quốc (ECOSOC) để lấy ý kiến. Ngày 24/5/1984, Hội đồng ECOSOC đã chấp thuận cho phép trình dự thảo Công ước Chống tra tấn lên Đại hội đồng Liên Hợp quốc để chờ thông qua.

Ngày 10/12/1984, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Nghị quyết số 39/46). Công ước được để mở cho các quốc gia tham gia ký kết.

Ngày 26/6/1987, sau khi Tổng thư ký Liên Hợp quốc nhận được văn kiện phê chuẩn của quốc gia thứ 20, Công ước Chống tra tấn chính thức có hiệu lực theo quy định của khoản 1 Điều 27 Công ước. Đến nay, Công ước Chống tra tấn đã có 166 quốc gia thành viên. Liên Hợp quốc chọn ngày có hiệu lực của Công ước là ngày Quốc tế ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn hàng năm.

Trong quá trình thực thi Công ước, Đại hội đồng Liên Hợp quốc cũng thông qua Nghị định thư không bắt buộc của Công ước Chống tra tấn ngày 18/12/2002 (viết tắt là OPCAT) theo Nghị quyết số 57/199.[3] Nghị định thư không bắt buộc có hiệu lực từ ngày 22/6/2006 thiết lập một hệ thống giám sát quốc tế phòng ngừa tra tấn thông qua các chuyến thăm của các cơ quan quốc tế độc lập, các tổ chức trong nước đối với các cơ sở giam giữ. Nghị định thư OPCAT cũng thành lập một tiểu ban về phòng, chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người khác để thực hiện các chuyến thăm và hỗ trợ các quốc gia thành viên và các thể chế quốc gia trong thực hiện các hoạt động tương tự trong phạm vi quốc gia.

Công ước Chống tra tấn là một trong 09 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người của Liên Hợp quốc. Tính đến hết tháng 6/2019, Công ước Chống tra tấn đã có 166 quốc gia thành viên, trong đó có 6 quốc gia ASEAN. Sự ra đời và mức độ phổ biến của Công ước đã khẳng định nỗ lực, quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác trên toàn thế giới.

Việc Đại hội đồng thông qua Công ước Chống tra tấn là sự kiện lịch sử mang đậm dấu ấn tiến bộ của nhân loại trong nỗ lực bảo vệ con người khỏi bị tra tấn là bước đột phá trong cuộc đấu tranh phòng, chống tra tấn trên toàn thế giới và là công cụ hữu hiệu để loại bỏ hoàn toàn hành vi tra tấn ra khỏi đời sống của xã hội văn minh.

Công ước của Liên Hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua bằng Nghị quyết số 39/46 ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987) là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người của Liên Hợp quốc thể hiện ý chí của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, mong muốn sớm loại bỏ hành vi đối xử hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội.

Ngày 07/11/2013, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký tham gia Công ước của Liên Hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về chống tra tấn.

Việc tham gia Công ước chống tra tấn là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao đáng kể uy tín quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền và tạo ra những động lực, cơ sở mới để thúc đẩy hoạt động phòng, chống tra tấn ở nước ta hiện nay.

Những điều cần biết về Công ước Chống tra tấn
Bất kỳ cá nhân nào cho rằng họ bị tra tấn đều có quyền khiếu nại
Người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp
PV
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động