Thứ sáu 10/05/2024 14:57

Người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp nhưng khi cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý yêu cầu bồi thường thì người đó không được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết bồi thường.
Người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp. Ảnh minh họa: Thư viện pháp luật
Người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp. Ảnh minh họa: Thư viện pháp luật

Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN), Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018.

Trong quá trình xây dựng Luật này, một trong những yêu cầu đề ra đó là bảo đảm tương thích với các điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. So với Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN năm 2017 có nhiều điểm mới quan trọng, trong đó, liên quan đến các quy định của Công ước chống tra tấn, có một số quy định như sau:

Về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước

Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung 1 điều (Điều 4) quy định về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước. Về cơ bản, nguyên tắc bồi thường được kế thừa như quy định của luật hiện hành. Theo đó, việc giải quyết bồi thường được giải quyết tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; được kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

Luật đã mở rộng nguyên tắc giải quyết bồi thường, quy định người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự; kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự (khoản 4 Điều 4).

Người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp nhưng khi cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý yêu cầu bồi thường thì người đó không được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết bồi thường.

Về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2009, các trường hợp được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được quy định trên cơ sở bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 1992, Bộ luật HS năm 1999 và Bộ luật TTHS năm 2003, trong đó quy định các trường hợp được bồi thường chỉ là các trường hợp cá nhân bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.

So với Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các lĩnh vực để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các bộ luật, luật hiện hành; đồng thời cũng bảo đảm quyền, lợi ích của công dân. Liên quan đến việc phòng, chống tra tấn, trong hoạt động tố tụng hình sự, Điều 18 Luật TNBTCNN năm 2017 có một số điểm mới so với quy định tại Luật TNBTCNN năm 2009 như sau: bổ sung trường hợp được bồi thường do người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (khoản 1); bổ sung trường hợp được bồi thường do Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án oan (khoản 9).

Về thiệt hại được bồi thường

Luật TNBTCNN năm 2017 quy định các loại thiệt hại được bồi thường phù hợp với yêu cầu tại Điều 14 Công ước chống tra tấn. Theo đó, Nhà nước sẽ bồi thường cho người bị thiệt hại về tài sản bị xâm phạm (Điều 23), thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (Điều 24), thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết (Điều 25), thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 26), thiệt hại về tinh thần (Điều 27) và các chi phí khác như thuê phòng nghỉ, đi lại, in ấn tài liệu gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại (Điều 28,…

Đặc biệt, ngoài các thiệt hại được bồi thường như đã nêu trên, Luật TNBTCNN năm 2017 còn ghi nhận việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác đối với người bị thiệt hại. Cụ thể, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 29 của Luật quy định người bị thiệt hại là cá nhân được khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp, bao gồm:

Khôi phục chức vụ (nếu có), việc làm và các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật có liên quan; Khôi phục quyền học tập; Khôi phục tư cách thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Quy định này không chỉ thể hiện rõ quyền dân sự, chính trị của người bị thiệt hại mà còn bao gồm các quyền về kinh tế, xã hội như quyền được học tập, quyền được tham gia tổ chức xã hội.

Ngoài các quy định nêu trên, Luật TNBTCNN năm 2017 còn có các quy định khác thể hiện sự sự quan tâm và ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo đảm, bồi thường cho những thiệt hại như quy định về việc phục hồi danh dự (Mục 3 Chương V). Quy định này nhằm đảm bảo hơn nữa quyền “không bị hạ thấp nhân phẩm”, xâm phạm các quyền và tự do của con người.

Theo đó, người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật, người bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc trái pháp luật thì được phục hồi danh dự. Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm chủ động thực hiện việc phục hồi danh dự đối với người bị thiệt hại như đã nêu trên .

Bên cạnh đó, Luật TNBTCNN cũng quy định rõ về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường nhà nước; tạm ứng kinh phí bồi thường… để đảm bảo tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại thực hiện quyền được yêu cầu bồi thường, đồng thời việc giải quyết bồi thường được thực hiện nhanh chóng.

Về đối tượng được bồi thường

Trước hết, Điều 2 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định đối tượng được bồi thường, theo đó, cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật TNBTCNN năm 2017. Như vậy, Luật không phân biệt đối tượng là người Việt Nam hay người nước ngoài, cá nhân hay tổ chức, nam hay nữ…đối tượng đáp ứng đầy đủ các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Điều 7 của Luật thì sẽ được bồi thường.

Để quy định về quyền được bồi thường của người bị thiệt hại, Luật TNBTCNN năm 2017 đã liệt kê các trường hợp mà Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên quan trực tiếp đến các quyền nêu trên. Theo đó, Điều 18 của Luật quy định các trường hợp Nhà nước có trách nhiệm bồi thường bao gồm:

Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

Người bị bắt, người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;

Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm;

Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;

Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt chung sau khi tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành;

Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án và bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm tội bị kết án tử hình và hình phạt chung sau khi tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam vượt quá so với mức hình phạt chung của những tội mà người đó phải chấp hành;

Người bị xét xử bằng nhiều bản án, Tòa án đã tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đó mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành;

Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của pháp nhân không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được pháp nhân đã thực hiện tội phạm và pháp nhân đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

Cá nhân, tổ chức có tài sản bị thiệt hại do việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý, có tài khoản bị phong tỏa hoặc cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều 18 bị thiệt hại.

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức
Bất kỳ cá nhân nào cho rằng họ bị tra tấn đều có quyền khiếu nại
Quyền được bồi thường thiệt hại của các nạn nhân của hành vi tra tấn
Phú An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động