Thứ sáu 10/05/2024 10:35

Bất kỳ cá nhân nào cho rằng họ bị tra tấn đều có quyền khiếu nại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ cá nhân nào cho rằng họ bị tra tấn trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình đều có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền của nước đó...
Ảnh minh họa: Thư viện pháp luật
Bất kỳ cá nhân nào cho rằng họ bị tra tấn đều có quyền khiếu nại. Ảnh minh họa: Thư viện pháp luật

Điều 13 Công ước Chống tra tấn có quy định: “Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ cá nhân nào cho rằng họ bị tra tấn trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình đều có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền của nước đó, và và được những cơ quan này xem xét một cách khẩn trương và khách quan….”

Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, tố cáo

Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, tố cáo, Nhà nước ban hành các quy định về quyền của người khiếu nại, tố cáo và bảo vệ người khiếu nại, tố cáo, ghi nhận quyền và nghĩa vụ của họ; xác định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận đơn, thư tố cáo và có biện pháp để bảo vệ người tố cáo; góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo hoặc làm hại người khác” (Điều 30);

Thứ hai, quyền khiếu nại, tố cáo được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau đối với từng trường hợp cụ thể, chẳng hạn như Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự (các Điều 4, 150 và Điều 154), Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (các Điều 44, 56), Luật phòng, chống tham nhũng....

Thứ ba, để đảm bảo tốt hơn quyền khiếu nại, tố cáo, các văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định các biện pháp để bảo vệ người khiếu nại, tố cáo khỏi sự đe dọa, trù dập, trả thù. Chẳng hạn như, Bộ luật tố tụng hình sự quy định nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo (Điều 32); quyền của người khiếu nại, tố cáo, trong đó có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù (khoản 1 Điều 335).

Thứ tư, pháp luật quy định cụ thể về các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chẳng hạn như, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra là “tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố” (Khoản 1 Điều 8); Luật Công an nhân dân năm 2014 quy định: “Nhà nước bảo vệ, giữ bí mật cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.” (Khoản 2 Điều 13)….

Thứ năm, các hành vi xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo, trả thù người khiếu nại, tố cáo đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Điều 166 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo. So với quy định tại Điều 132 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Điều 166 Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi theo hướng tiến bộ, cụ thể và nghiêm khắc hơn: (i) quy định cụ thể hơncấu thành của tội phạm; (ii) tăng hình phạt tù tối thiểu từ 03 tháng lên 06 tháng, tăng hình phạt tù tối đa từ 05 năm lên 07 năm; và (iii) bổ sung các hình thức định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Luật Khiếu nại năm 2011

Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Để đảm bảo quyền khiếu nại của công dân, Điều 6 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định nghiêm cấm các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thực hiện các hành vi sau:

Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe doạ, trả thù, trù dập người khiếu nại.

Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; không giải quyết khiếu nại; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật.

Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định; Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại.

Điều 4 Luật Khiếu nại năm 2011 còn quy định việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại phải được thực hiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời.

Theo mục 1 Chương 3 Luật Khiếu nại năm 2011, tùy thuộc vào tính chất, nội dung của khiếu nại, khiếu nại được giải quyết bởi: (Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; (Thủ trưởng cơ quan thuộc cấp sở và cấp tương dương; Giám đốc sở và cấp tương đương; Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Thủ trưởng cơ quan thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ trưởng; Tổng thanh tra Chính phủ; Chánh thanh tra các cấp; và Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, mục 2, mục 3, mục 4 Chương 3 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại và thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Luật Tố cáo năm 2018

Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 quy định tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gồm có:

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ; người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ; và cơ quan, tổ chức;

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc chấp hành quy định của pháp luật, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Luật Tố cáo năm 2018 quy định việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật; bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngời bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo (khoản 1 Điều 10). Khi tiếp nhận, giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải có trách nhiệm tiếp người tố cáo, tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm... Nếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền này vi phạm thì phải bị xử lý nghiêm minh, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 5).

Bên cạnh đó, Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018 còn nghiêm cấm người giải quyết tố cáo thực hiện các hành vi sau: Cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo; Thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc giải quyết tố cáo;

Tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo. Làm mất, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu vụ việc tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

Không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho người tố cáo, người bị tố cáo.

Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo; Can thiệp trái pháp luật, cản trở việc giải quyết tố cáo; Đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo.

Bao che người bị tố cáo; Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo; Mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo.

Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.

Bên cạnh đó, điểm e khoản 1 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018 cũng quy định người tố cáo có quyền “đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo”.

Theo mục 1 Chương III và Điều 41 Luật tố cáo năm 2018, tùy thuộc vào tính chất, đối tượng bị tố cáo, thẩm quyền giải quyết tố cáo được giao cho các cá nhân có thẩm quyền khác nhau, chẳng hạn như Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã; Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện; người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Tổng cục trưởng, cục trưởng và cấp tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ được phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo; Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang Bộ; Thủ tướng Chính phủ; Chánh án tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh, cấp tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh và cấp tối cao…

Bên cạnh đó, Luật tố cáo năm 2018 quy định cụ thể về trình tự, thủ tiếp nhận, giải quyết tố cáo (các mục 2, 3 Chương III và Điều 42); trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo (Chương V)

Đặc biệt, Luật tố cáo năm 2018 có một chương riêng (Chương VI) quy định về bảo vệ người tố cáo, trong đó quy định rõ về người được bảo vệ, phạm vi bảo vệ, quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ, cơ quan có trách nhiệm áp dụng biện pháp bảo vệ, trình tự, thủ tục bảo vệ.

Bình đẳng giới cần được tiếp cận theo hướng công bằng giữa nam - nữ
Xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo tính giáo dục, răn đe
Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức
Phú An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động