Thứ hai 20/05/2024 21:31

Bình đẳng giới cần được tiếp cận theo hướng công bằng giữa nam - nữ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Theo quy định của pháp luật, bình đẳng giới cần được tiếp cận theo hướng công bằng giữa nam – nữ, chứ không phải chỉ ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo quy định của pháp luật, bình đẳng giới cần được tiếp cận theo hướng công bằng giữa nam - nữ, không phải chỉ ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh minh họa: TTXVN

Bạo lực giới là gì?

Bạo lực giới (hay bạo lực trên cơ sở giới) là “bạo lực nhằm vào một người trên cơ sở đối xử phân biệt giới hoặc giới tính. Nó bao gồm các hành động gây tác hại hoặc gây đau đớn về thể xác, tinh thần hay tình dục, gồm cả sự đe dọa thực hiện những hành vi này, sự cưỡng bức và tước đoạt tự do dưới các hình thức khác nhau.

Nguyên nhân gốc rễ của bạo lực giới là bất bình đẳng giới và thái độ cá nhân chấp nhận bạo lực cả trong gia đình và xã hội. Mặc dù phụ nữ, nam giới, trẻ em trai và trẻ em gái, thậm chí những người đồng tính, song tính, chuyển giới, đều có thể trở thành nạn nhân của bạo lực giới, phụ nữ và trẻ em gái thường là nạn nhân chủ yếu”.

Vì vậy, “trong khuôn khổ các cơ chế nhân quyền quốc tế, khái niệm bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực đối với phụ nữ thường được sử dụng thay thế cho nhau”.

Hình thức của bạo lực giới rất đa dạng. Đó có thể là bạo lực thể xác, tình dục và tâm lý xảy ra trong gia đình (như hành vi bóc lột tình dục, cưỡng hiếp trong hôn nhân…); xảy ra trong xã hội (buôn bán phụ nữ, mại dâm cưỡng bức…); và thậm chí, nó có thể được gây ra hoặc được bỏ qua bởi Nhà nước và các tổ chức hoặc cho dù xảy ra ở bất cứ đâu.

Các hình thức bạo lực giới khác nhau có liên hệ chặt chẽ với nhau do có chung nguồn gốc là bất bình đẳng giới. Bạo lực giới có thể xảy ra trong cuộc sống xã hội hay kể cả là cuộc sống riêng tư. Cho nên, bạo lực giới không chỉ giới hạn ở bạo lực gia đình vì nó không chỉ xảy ra trong gia đình mà còn ở nơi công cộng và các môi trường khác.

Ở Việt Nam, mặc dù bạo lực giới không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, pháp luật Việt Nam đã tạo ra các bảo đảm pháp lý quan trọng giúp tăng chỉ số bình đẳng giới và giảm chỉ số bất bình bẳng giới nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ dẫn tới tình trạng bạo lực giới. Một trong số các bảo đảm đó chính là sự ra đời của Luật bình đẳng giới năm 2006.

Quy định của pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới

Luật bình đẳng giới đã đưa ra khái niệm về bình đẳng giới và bất bình đẳng giới. Theo đó: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.

Bình đẳng giới được thể hiện trên bốn phương diện (bình đẳng về vị trí, vai trò; tiếp cận cơ hội; sử dụng cơ hội; hưởng thụ thành quả) và ở mọi mặt của đời sống (từ trong gia đình cho đến các lĩnh vực kinh tế; chính trị; lao động; y tế...).

Theo quy định của pháp luật, bình đẳng giới cần được tiếp cận theo hướng công bằng giữa nam - nữ, chứ không phải chỉ ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, trên thực tế, phụ nữ và trẻ em gái là nhóm “nạn nhân” chính của bạo lực giới do các nguyên nhân xuất phát từ quan niệm “trọng nam, khinh nữ'', đề cao người nam giới và hạ thấp tiếng nói của phụ nữ đã “ăn” sâu vào trong suy nghĩ của chúng ta từ nhiều đời nay và chưa thể được xóa bỏ hoàn toàn.

Vì vậy, trong các Bộ luật và Luật chuyên ngành, vẫn có những quy định riêng giúp bảo vệ một cách tốt nhất cho nhóm đối tượng này tránh khỏi những hình thức do bạo lực giới gây ra.

Cần lưu ý rằng, các quy định nhằm tạo vị thế bình đẳng cho phụ nữ không tạo nên sự không công bằng cho nhóm còn lại là nam giới vì nhiều lý do liên quan đến: đặc điểm sinh học, tính cách hay định kiến giới…

Luật bình đẳng giới: đã quy định rõ nguyên tắc này tại khoản 4 Điều 6 Luật bình đẳng giới: “Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới”. Đây cũng là một trong những đảm bảo pháp lý phù hợp với các quy định của Công ước quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (gọi tắt là CEDAW) năm 1979 mà Việt Nam là thành viên.

Nếu như trong Bộ luật lao động, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật trẻ em, BLHS… các hình thức của bạo lực giới được quy định cụ thể dưới dạng hành vi thì Luật bình đẳng giới lại tập trung ghi nhận một cách khái quát sự bình quyền giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình;các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới cũng như trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới.

Luật bình đẳng giới năm 2006 quy định nam - nữ có quyền bình đẳng như nhau trong các lĩnh vực: chính trị; kinh tế; lao động; giáo dục, đào tạo; khoa học, công nghệ; văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao; y tế và gia đình. Trong các lĩnh vực kể trên, sự bất bình đẳng giới trong gia đình và trong lao động sẽ gây ra các dạng bạo lực giới điển hình nhất.

- Bình đẳng giới trong gia đình: Điều 18 Luật bình đẳng giới năm 2006 quy định chi tiết nội dung về quyền bình đẳng giữa vợ - chồng, con trai - con gái, nam - nữ trong gia đình. Cụ thể:

+ Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình. Khi quan hệ vợ chồng (quan hệ hôn nhân) được xác lập điều đó cần phải được đảm bảo rằng hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện từ cả hai phía nam giới - nữ giới. Mọi hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ đều có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính tương ứng với từng trường hợp và tùy mức độ.

Đây là một thực trạng tuy rằng không phổ biến ở thành phố, đô thị văn minh mà chỉ tập trung ở các vùng dân tộc xa xôi, hẻo lánh nhưng cũng là một dạng bạo lực giới cần được loại bỏ khỏi xã hội. Vì, một khi đã tồn tại sự ép buộc thì kéo theo đó có thể là hàng loạt những hành vi mang tính chất hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần bằng của cải hoặc các thủ đoạn khác.

Ngoài ra, sự bình đẳng giữa vợ và chồng còn được thể hiện trong các giao dịch dân sự; trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình. Đồng thời, vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.

- Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động: Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ghi nhận: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc” và “nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động”. Trên cơ sở nguyên tắc hiến định, tại Điều 13 Luật bình đẳng giới năm 2006 cũng có quy định liên quan đến vấn đề phòng chống bạo lực trong lĩnh vực lao động như sau: “Nam, nữ bình đẳng được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác”.

Khác với dạng bạo lực giới trong gia đình, bạo lực trong lĩnh vực lao động được xác lập dựa trên mối quan hệ bất bình đẳng giữa người sử dụng lao động - người lao động (có thể có sự lồng ghép trong đó mối quan hệ bất bình đẳng giới giữa nam giới - nữ giới trong trường hợp nữ giới là người lao động bị người sử dụng lao động là nam giới có những hành vi bạo lực về tình dục như quấy rối tình dục, cưỡng ép tình dục làm hàng hóa để đổi lấy lợi ích…).

Để phòng chống tình trạng bạo lực tại nơi làm việc, thống nhất với nguyên tắc được quy định tại Điều 13 Luật bình đẳng giới năm 2006, pháp luật về lao động, trong đó có Bộ luật lao động năm 2012 đã quy định cụ thể về chế độ làm việc, điều kiện nơi làm việc cũng như chế độ phúc lợi, tiền lương, tiền thưởng…

Đồng thời, Bộ luật lao động năm 2012 cũng quy định các hành vi bạo lực bị cấm trong lĩnh vực lao động như: cấm ép buộc người lao động làm việc nhằm bóc lột vì lợi ích của người sử dụng (thông qua việc cấm bớt xén tiền lương, buộc người lao động phải lèm thêm giờ, làm việc trong tình trạng có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người lao động, giam giữ, đánh đập hoặc cưỡng bức…); cấm bắt buộc người lao động làm việc như một hình thức xử lý kỷ luật, như một biện pháp trừng phạt vì lý do đình công, như một biện pháp phân biệt đối xử; cấm lao động cưỡng bức đối với trẻ em và đối với người lao động trong quan hệ cho thuê lại lao động)…

Bên cạnh việc quy định sự bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, Luật bình đẳng giới còn quy định các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới cũng như trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới để việc thúc đẩy bình đẳng giới có hiệu quả trong thực tiễn thi hành.

Luật bình đẳng giới năm 2006, với tư cách là “luật chuyên ngành có giá trị pháp lý cao nhất liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới”, chỉ quy định về những vấn đề mang tính nguyên tắc và khái quát chung, là cơ sở để triển khai các quy định trong những văn bản quy phạm pháp luật khác về các nội dung có liên quan đến bình đẳng giới.

Trên nền tảng hiến định về bình đẳng giới trong Hiến pháp năm 2013, cùng với sự ra đời của Luật bình đẳng giới năm 2006 và các quy định về bình đẳng giới trong: Luật hôn nhân và gia đình, Luật trẻ em, Bộ luật lao động (có 1 chương riêng về các quy định đối với lao động nữ)… đã tạo nên hệ thống quy định pháp luật tương đối hoàn thiện, đồng bộ về bình đẳng giới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ mới.

Nghiêm cấm hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo đối với người chấp hành hình phạt tù
Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam
Nghiêm cấm người sử dụng lao động xúc phạm người lao động bằng bất cứ hình thức nào
Phú An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động