Thứ hai 20/05/2024 21:10

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức. Ảnh minh họa: Hội LHPN Việt Nam
Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức. Ảnh minh họa: Hội LHPN Việt Nam

Bên cạnh việc đảm bảo và tôn trọng quyền con người nói chung, trẻ em cũng là đối tượng được Đảng và Nhà nước quan tâm bảo vệ trước mọi hành vi xâm hại trong đó có hành vi đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục. Đối chiếu các quy định của Công ước Chống tra tấn với Luật trẻ em 2016 cho thấy các quy định của Luật trẻ em hoàn toàn phù hợp, tương thích với các quy định của Công ước Chống tra tấn.

Điều này được thể hiện ở các nội dung sau: Thứ nhất, các hành vi có tính chất “tra tấn” hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo đối với trẻ em bị nghiêm cấm.

Mặc dù, Luật Trẻ em 2016 không đưa ra định nghĩa riêng về các hành vi tra tấn trẻ em, cũng không có quy định nào trực tiếp nghiêm cấm hành vi tra tấn trẻ em, Luật có các quy định nghiêm cấm đối với các hành vi mà được coi là hành vi tra tấn, hành vi đối xử tàn bạo, vô nhân đạo đối với trẻ em (Điều 6), chẳng hạn như các hành vi: Tước đoạt quyền sống của trẻ em; Bỏ mặc trẻ em như bỏ đói, để trẻ chịu rét... nhằm tra tấn trẻ em;

Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em. Trong đó, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em; Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm Mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi; Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào Mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thứ .

Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em. Các hành vi kì thị, phân biệt đối xử với trẻ em có thể được sử dụng như biện pháp tra tấn tinh thần đối với trẻ;

Cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em. Ví dụ cho trẻ sử dụng chất gây nghiện rồi thông qua đó điều khiển trẻ em nhằm lấy thông tin, sự thú tội …;

Cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Ví dụ, việc cho trẻ em những hình ảnh bạo lực, man rợ... có thể gây ra các tổn thương tinh thần đối với trẻ em. Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em.

Thứ hai, Chương II Luật Trẻ em 2016 quy định cụ thể, chi tiết về quyền trẻ em, trong đó, các Điều 25, 26 và 27 quy định về quyền của trẻ em, qua đó gián tiếp bảo vệ trẻ em khỏi hành vi tra tấn hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, cụ thể là: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục.

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Điều 30 quy định về quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính. Điều luật này đã trực tiếp quy định bảo vệ trẻ em khỏi hành vi tra tấn, cụ thể là quy định cho trẻ các quyền:

Bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; Được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; Không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác.

Thứ ba, Luật Trẻ em 2016 cũng đã quy định các biện pháp khá cụ thể và toàn diện nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trước các hành vi xâm hại nói chung và bảo vệ trẻ em khỏi hành vi tra tấn nói riêng. Cụ thể là các biện pháp về nguồn lực, tài chính, nhân lực, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể…

Nguồn tài chính thực hiện quyền trẻ em bao gồm ngân sách Nhà nước; ủng hộ của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong nước, nước ngoài; nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ; viện trợ quốc tế và các nguồn thu hợp pháp khác;

Nhà nước có giải pháp về nhân lực và bảo đảm Điều kiện cho việc thực hiện quyền trẻ em; phát triển mạng lưới người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, ưu tiên bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và vận động nguồn lực để phát triển mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khóm;

Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, Mục tiêu quốc gia về trẻ em; Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trẻ em; truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng và vận động xã hội thực hiện quyền trẻ em;

Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em, người chăm sóc trẻ em và mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em thực hiện quyền của trẻ em...

Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em; hỗ trợ, tạo Điều kiện để trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình theo quy định của pháp luật; phối hợp, trao đổi thông tin trong quá trình thực hiện; Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến trẻ em...

Tóm lại, phân tích trên cho thấy, các quy định về bảo vệ quyền trẻ em trong Luật Trẻ em 2016 hoàn toàn phù hợp, tương thích, đáp ứng các yêu cầu của Công ước Chống tra tấn.

Luật Trẻ em 2016 đã có các quy định nghiêm cấm các hành vi có tính chất “tra tấn” hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo đối với trẻ em, quy định quyền trẻ em khá cụ thể và toàn diện để đảm bảo bảo vệ trẻ em khỏi hành vi tra tấn hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, quy định một số biện pháp để ngăn chặn các hành vi này. Ngoài ra, Luật còn dành riêng một điều để quy định quyền của trẻ em trong tố tụng và xử lí vi phạm hành chính nhằm chống tra tấn trẻ em.
Nghiêm cấm người sử dụng lao động xúc phạm người lao động bằng bất cứ hình thức nào
Bình đẳng giới cần được tiếp cận theo hướng công bằng giữa nam - nữ
Xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo tính giáo dục, răn đe
Phú An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động