Thứ bảy 23/11/2024 18:07

Quyền được bồi thường thiệt hại của các nạn nhân của hành vi tra tấn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm trong hệ thống pháp luật của mình rằng các nạn nhân của hành động tra tấn sẽ được cứu chữa và có quyền khả thi được bồi thường công bằng và thoả đáng, kể cả được cung cấp những điều kiện để phục hồi một cách đầy đủ đến mức có thể.
Ảnh minh họa: Thư viện pháp luật
Ảnh minh họa: Thư viện pháp luật

Điều 14 Công ước Chống tra tấn quy định về quyền được bồi thường thiệt hại của các nạn nhân của hành vi tra tấn như sau:

“1. Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm trong hệ thống pháp luật của mình rằng các nạn nhân của hành động tra tấn sẽ được cứu chữa và có quyền khả thi được bồi thường công bằng và thoả đáng, kể cả được cung cấp những điều kiện để phục hồi một cách đầy đủ đến mức có thể. Trường hợp nạn nhân chết do bị tra tấn, những người phụ thuộc vào người đó có quyền hưởng sự bồi thường.

2. Không một quy định nào trong điều này ảnh hưởng tới bất kỳ quyền được bồi thường nào của nạn nhân hay của người khác có thể có theo pháp luật quốc gia.”

Ở Việt Nam, bồi thường thiệt hại đã được ghi nhận đầu tiên trong Hiến pháp năm 1959, theo đó: “Người bị thiệt hại vì hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan Nhà nước có quyền được bồi thường”. Hiến pháp năm 1980 đã thừa nhận mọi hành động xâm phạm quyền lợi chính đáng của công dân phải được kịp thời sửa chữa và xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường.

Hiến pháp năm 1992 tiếp tục mở rộng thêm khái niệm bồi thường, coi việc bồi thường bao gồm cả những thiệt hại về vật chất và tinh thần. Hiến pháp năm 2013 đã hoàn thiện hơn khi quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.” (Khoản 2 Điều 30); “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.” (Khoản 5 Điều 31).

Nhằm cụ thể hóa quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự của người bị thiệt hại theo Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.” (Khoản 1 Điều 584).

Bộ luật Dân sự năm 2015 còn xác định thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể .

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định cụ thể hơn các chủ thể được bồi thường bao gồm: người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ, khởi tố, điều tra, truy tố xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật .

Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sau đây gọi là Luật TNBTNN) năm 2017 được ban hành đã tiếp tục khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bồi thường cho người bị oan do người có thẩm quyền gây ra.

Ngoài Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017, quy định về quyền được yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường của người bị thiệt hại còn được quy định trong một số văn bản pháp luật khác như:

Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 nghiêm cấm cản trở người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can thực hiện quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự (Khoản 3 Điều 14);

Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014 quy định thẩm phán trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà gây thiệt hại thì Tòa án nơi thẩm pháp thực hiện nhiệm vụ xét xử có trách nhiệm bồi thường và thẩm phán đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho tòa án theo quy định (Khoản 6 Điều 76); Hội thẩm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà gây thiệt hại thì Tòa án nơi Hội thẩm đó thực hiện nhiệm vụ xét xử phải có trách nhiệm bồi thường và Hội thẩm đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho tòa án theo quy định (Khoản 8 Điều 89);

Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân năm 2014 quy định cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát Nhân dân phải bồi thường, bồi hoàn thiệt hại gây ra khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật (Điều 59);

Luật Công an Nhân dân năm 2014 quy định sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an Nhân dân nếu vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định (Điều 42);

Luật Thi hành án hình sự năm 2010 quy định người khiếu nại có quyền được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định (Khoản 1 Điều 154);

Như vậy, nội dung khái niệm bồi thường trong pháp luật Việt Nam cơ bản phù hợp với nội dung của pháp luật quốc tế về chống tra tấn. Các quy định này có thể áp dụng để bồi thường khi có nạn nhân của hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo. Tuy nhiên, để có cơ chế bảo hộ pháp lý hiệu quả hơn cho nạn nhân của hành vi tra tấn thì cần có sự điều chỉnh bổ sung thêm một số điều khoản riêng, cụ thể về bồi thường thiệt hại trong trường hợp bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo.

Nghị quyết số 96/2015/QH13 ngày 26/6/2015 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, trong đó đã chỉ rõ khi đã xác định có oan, sai thi phải kịp thời minh oan cho người bị oan và bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật; xử lý nghiêm minh đối với người mắc sai phạm, xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại theo Luật TNBTNN; xử lý trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây nên oan, sai, để xảy ra bức cung, dùng nhục hình.
Bất kỳ cá nhân nào cho rằng họ bị tra tấn đều có quyền khiếu nại
Những điều cần biết về Công ước Chống tra tấn
Phú An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động