Chưa đăng ký kết hôn, có đăng ký khai sinh cho con được không?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChị Nguyễn Thị Thuỷ và cậu con trai dù đã hơn 3 tuổi vẫn chưa có giấy khai sinh. Ảnh: N.D |
Trường hợp hy hữu
Chị Nguyễn Thị Thuỷ (SN 1994) trú tại xóm gầm cầu (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chị vốn sinh ra ở trên một chiếc thuyền ở bến sông Hồng, dưới gầm cầu Long Biên. Mẹ chị Thủy (SN 1965, quê ở Bắc Giang), bà thoát ly năm 18 tuổi rồi run rủi gặp bố chị ở dưới bãi sông này. Chị không rõ bố mẹ lấy nhau năm bao nhiêu, nhưng ngay sau khi cưới, ông bà đã sinh liền 1 lúc 4 người con gái.
Sinh sống dưới thuyền mãi, khi bố mẹ bỏ nhau, mẹ chị dắt chị và các chị lên bờ, thuê 1 cái phòng tạm bợ rộng 15, 16m2 cũng ở bên cạnh gầm cầu. Chị Nguyễn Thị Thuỷ kể, chị không học hành nhiều, bởi lúc bố mẹ lấy nhau không đăng ký kết hôn. Ông bà chỉ “kéo” nhau về ở rồi sinh ra các chị em chị. Chính bởi sự “kéo” nhau đó và những năm lênh đênh sông nước, cho đến khi gần 30 tuổi chị vẫn không có giấy khai sinh nên chẳng có cơ sở nào để làm căn cước công dân, đồng nghĩa với hiện chị cũng… không nơi cư trú. Trưởng thành, chị gá nghĩa với 1 người đàn ông quê ở Hưng Yên, làm công nhân hàn xì. “Cũng do không có chứng minh thư hay căn cước công dân nên cũng không có đăng ký kết hôn. Vì thế mà đứa lớn sinh ra cũng chỉ có giấy chứng sinh” - chị Nguyễn Thị Thuỷ kể.
Lý giải việc mình không có chứng minh thư hay căn cước công dân, chị Nguyễn Thị Thuỷ nói: “Mẹ tôi thoát ly từ rất lâu rồi, giờ về quê thì ông bà đã mất, anh chị em cũng không còn nữa. Giấy tờ ngày trước mẹ tôi cũng không còn giữ, vậy nên bà trở thành… tứ cố vô thân. Mẹ không có nguồn gốc, dĩ nhiên bọn trẻ chúng tôi cũng không có cơ sở để mà làm”. Tuy nhiên, chị cũng thừa nhận, việc về lại quê để lấy xác nhận của chính quyền địa phương để lên Hà Nội làm tạm trú, thường trú cũng vẫn có thể. “Nhưng vất vả, mất thời gian và tiền bạc. Ở tình trạng này, mẹ con chúng tôi không có điều kiện để hoàn thiện” - chị Nguyễn Thị Thuỷ chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thuỷ cũng cho biết thêm, mới đây, chị đã hạ sinh đứa thứ 2. “Sinh đứa thứ 2, ban đầu đã tính sinh thường ở Bệnh viện Y học Cổ truyền cho rẻ, nhưng không ngờ trong quá trình sinh nở có trục trặc, phải chuyển viện. Cuối cùng vẫn phải chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sinh mổ. Do mắc bệnh mãn tính, cùng với khó sinh lại không có bảo hiểm y tế, nên chi phí sinh của tôi lên đến hơn 20 triệu. Hai vợ chồng không thể xoay xở đủ tiền ngay lúc ấy nên bệnh viện giải quyết linh động cho về trước, khi nào có tiền đến nộp thì sẽ trả bằng giấy chứng sinh” - chị Nguyễn Thị Thuỷ buồn bã. Một đứa lớn đã không làm giấy khai sinh, đến đứa nhỏ cũng còn chưa thể có giấy chứng sinh do nợ tiền viện phí, chị Nguyễn Thị Thuỷ trăn trở, liệu rồi cuộc sống của những đứa nhỏ con chị có giống như chị, không học hành, không bằng cấp… Cùng với đó là những quyền lợi đáng lẽ bọn trẻ được hưởng theo chính sách!
Vẫn có thể đăng ký khai sinh cho trẻ
Về câu chuyện này, theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc khai sinh cho con khi chưa kết hôn và không nơi cư trú có thể thực hiện được. Theo đó, Điều 30 Bộ luật Dân sự 2015 số 91/2015/QH13 quy định, mỗi cá nhân khi sinh ra đều có quyền được khai sinh. Do vậy, việc cha mẹ chưa kết hôn sẽ không ảnh hưởng tới quyền lợi được khai sinh của trẻ. Theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, trường hợp cha mẹ chưa đăng ký đăng ký kết hôn thì cán bộ công chức tư pháp – hộ tịch sẽ tiếp nhận việc khai sinh cho trẻ theo diện chưa xác định được cha, mẹ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP và Điều 25 Luật Hộ tịch năm 2014.
Theo đó, phần họ, quê quán, quốc tịch, dân tộc của trẻ sẽ được xác định theo họ, quê quán, quốc tịch, dân tộc của người mẹ/cha. Còn phần ghi thông tin về cha/mẹ trong khai sinh và hộ tịch của trẻ sẽ được để trống theo quy định tại Điều 14 Luật Hộ tịch 2014. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký khai sinh, thông tin hộ tịch cơ bản của trẻ sẽ được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh và cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong trường hợp sau này khi cha mẹ đứa bé kết hôn hoặc mẹ/cha muốn được bổ sung thông tin thì sẽ tiếp tục ra UBND xã, phường, thị trấn để làm thủ tục.
“Hoặc nếu như muốn khai sinh có đủ tên cha, mẹ thì theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP và Điều 25 Luật Hộ tịch năm 2014, để khai sinh cho con có đủ tên cha và mẹ thì cha mẹ phải thực hiện thủ tục khai sinh đồng thời với thủ tục nhận cha, mẹ và con. Vì cha mẹ của trẻ chưa đăng ký kết hôn cũng như không có nơi cư trú ổn định nên sau khi hoàn thiện hồ sơ giấy tờ, việc khai sinh sẽ được thực hiện tại nơi cư trú của địa chỉ nhà mà trẻ đã nhập khẩu cư trú theo quy định tại khoản 3 điều 20 Luật Cư trú năm 2020” - luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn cho biết.
Ngoài ra, trường hợp cha mẹ không thể đi đăng ký khai sinh cho con thì người có trách nhiệm (ông bà hoặc các cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ) có thể làm khai sinh cho con tại UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú của cha, mẹ theo quy định tại Điều 13 Luật Hộ tịch 2014 số 60/2014/QH13… Còn về việc không có nơi cư trú, theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, Điều 11 Luật Cư trú 2020 số 68/2020/QH14 quy định, nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú và nơi tạm trú. Tuy nhiên, nếu không xác định được nơi thường trú, tạm trú thì nơi cư trú sẽ là nơi ở hiện tại của người đó (theo quy định tại khoản 1, Điều 19 của Luật Luật Cư trú 2020). Theo đó, trường hợp không chứng minh được quan hệ nhân thân do cha mẹ chưa kết hôn và chưa có nơi cư trú ổn định thì người thân của trẻ hoàn toàn có thể đăng ký cư trú theo địa chỉ nhà trên cơ sở chủ hộ đồng ý cho nhập khẩu vào hộ gia đình theo khoản 2, khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú.
Hành vi giả danh thầy tu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại