Thứ bảy 28/09/2024 07:03

Hành vi bỏ con mới sinh có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo các luật sư, hành vi vứt bỏ con mới đẻ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ.
Đoạn sông nơi người mẹ thả con ở Nghệ An. Ảnh: Uy Vũ
Đoạn sông nơi người mẹ thả con ở Nghệ An. Ảnh: Uy Vũ

Bỏ con vào thùng xốp thả trôi sông

Ngày 24/9, những người câu cá ở sông Cửa Tiền đoạn qua khối Cộng Hòa, phường Vinh Tân (TP Vinh, Nghệ An) đã phát hiện người mẹ bỏ con sơ sinh vào thùng xốp thả trôi trên sông Vinh. Những người này lội xuống cứu đưa bé vào bờ an toàn. Sau khi cứu cháu bé, người dân đã báo cáo sự việc cho chính quyền địa phương. Hai mẹ con được đưa vào Trạm Y tế phường Vinh Tân để y bác sĩ thăm khám. CA phường mời người mẹ đến trụ sở làm việc, còn cháu bé sau đó được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An kiểm tra sức khỏe, điều trị miễn phí. Bác sĩ xác định bé trai nặng 2,3 kg, 4 ngày tuổi, có biểu hiện vàng da, nhịp thở, nhiệt độ và chức năng sống bình thường.

Người mẹ cho biết quê ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, do hoàn cảnh khó khăn, con chào đời được bác sĩ chẩn đoán mắc nhiều bệnh nền, nhận thấy khó có khả năng nuôi dưỡng nên xin ra viện. Về nhà, chị mua một thùng xốp rồi đến khu vực bãi sông cách cầu Tùng Binh khoảng 20 m, đặt con vào thùng thả trôi trên sông. Sáng 25/9, đại diện UBND phường Vinh Tân cũng đã xác nhận sự việc này. Hiện người mẹ đã được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi để chăm sóc con, cháu bé cũng đang được bệnh viện điều trị và chăm sóc miễn phí.

Nhận định từ luật sư

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là hành vi của người mẹ sinh con ra, do trạng thái tinh thần không bình thường, tư tưởng lạc hậu… mà giết chết, hoặc vứt bỏ dẫn đến chết con mình đẻ ra. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ được quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Cụ thể, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Bên cạnh đó, hành vi vứt bỏ con mới đẻ nhưng đứa trẻ không chết thì có thể bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 130/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Theo đó, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật; cha mẹ, người chăm sóc trẻ em không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hoặc bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em.

Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, với sự việc trên, có nhiều thông tin báo chí đưa rằng người mẹ có dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho rằng, thông tin này cũng có thể có cơ sở vì thường người mẹ luôn là người yêu thương con nhất. Vì đứa con là do chính họ dứt ruột đẻ ra. “Nếu người mẹ có biểu hiện mắc bệnh trầm cảm, mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì thường sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự” – luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho hay.

Luật sư Nguyễn Tiến Hùng viện dẫn, Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, cuộc sống hiện đại, áp lực về đời sống kinh tế ngày càng cao nên nguy cơ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh càng nhiều. Thêm vào đó là việc giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, đặc biệt là kỹ năng trong đời sống hôn nhân chưa thực sự có hiệu quả dẫn đến nhiều trường hợp phụ nữ sau sinh bị động, bị áp lực rất nhiều trong đời sống làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và dễ dẫn đến trầm cảm sau sinh...

Người bị giữ khẩn cấp trong trường hợp nào và có quyền gì?
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động