Thả rông gia súc trên đường giao thông gây tai nạn: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVụ việc tài xế đâm vào dê trên đường cao tốc xảy ra trên tuyến đường Nội Bài – Lào Cai. Ảnh: NVCC |
Mới đây trên mạng xã hội đã chia sẻ một câu chuyện hi hữu, theo đó một tài xế đang lưu thông trên đường cao tốc hướng Nội Bài – Lào Cai thì gặp 2 con dê thả rông trên đường. Do tình huống bất ngờ, tài xế đã đâm vào một con dê khiến con dê chết tại chỗ, còn xe anh bị vỡ cụm đèn phía trước. Câu chuyện chia sẻ trên đã nhận được nhiều ý kiến của cộng đồng mạng. Bởi sự việc đó không phải hy hữu khi trước đó rất nhiều chủ xe đã gặp phải tình huống này.
Trước đó, tháng 2/2017, một chiếc xe cứu thương và ôtô 7 chỗ chạy hai làn song song trên cao tốc TP HCM – Trung Lương để về miền Tây. Đến đoạn Km 15+500 (huyện Bến Lức, Long An), cả hai tài xế cùng đánh lái để tránh con chó chạy rông trên đường nên va vào nhau. Cùng lúc, tài xế ôtô du lịch 16 chỗ chạy sau không xử lý kịp đã tông thẳng vào hai xe phía trước, khiến ba phương tiện dính chùm. Việc xảy ra khiến hành khách hoảng hốt, tuy nhiên may mắn không ai bị thương. Vụ việc khiến giao thông qua khu vực bị ùn ứ kéo dài gần 1 km.
Thậm chí, đã có nhiều những vụ tai nạn dẫn đến tử vong do gia súc thả rông. Tháng 10/2022, anh Zơrâm K, cán bộ Đội quản lý thị trường huyện Đông Giang điều khiển xe máy về nhà ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Khi anh K lưu thông đến đoạn qua xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thì tông vào một con bò đang băng qua đường. Cú va chạm mạnh khiến anh K bị gãy xương sườn rồi đâm vào tim dẫn đến tử vong.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội, tại điều 34 Chương II Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.
Tại Điểm c Khoản 2 Điều 35 Chương II Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nêu rõ không được thả rông súc vật trên đường bộ.
Với những trường hợp vật nuôi, súc vật thả rông gây tai nạn, pháp luật hiện hành đã có những quy định xử phạt rất rõ ràng.
Cụ thể, Điều 10 Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng nếu có hành vi điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông; để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển.
Trường hợp chủ gia súc thả gia súc hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 đến 05 năm. Trường hợp vô ý làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 03 đến 10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, tình trạng người vi phạm chăn, thả rông gia súc, vật nuôi hiện đang diễn ra phổ biến.
Không có thống kê đầy đủ TNGT do vật nuôi và gia súc như trâu, bò, chó mèo gây ra. Những vụ việc này đã xảy ra và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người khi tham gia giao thông. Nghịch lý hơn nữa, khi đâm vào gia súc người tham gia giao thông dù có bị thương hay thiệt hại về vất chất đều tự chịu, nhưng nếu gia súc bị thương, chết thì như một “luật bất thành văn”, chủ nhân của chúng lại xuất hiện để bắt đền...
“Việc xử lý hình sự hoặc yêu cầu chủ gia súc thả rông bồi thường hiện đang gặp nhiều khó khăn bởi nhiều trường hợp, tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, không có người nào đứng ra nhận làm chủ vật nuôi. Đây cũng là vấn đề còn tồn tại khá phổ biến” – luật sư Hùng cho biết. Do vậy cơ quan chức năng cần ban hành thêm các chế tài xử lý đủ mạnh nhằm tăng tính răn đem giáo dục, ngăn chặn, phòng ngừa từ xa tình trạng thả rông gia súc, vật nuôi trên đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Sang chơi nhà hàng xóm, bé trai 3 tuổi bị chó cắn vào mặt | |
Trách nhiệm pháp lý khi để chó tấn công người khác |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại