Cướp giật tài sản của người yếu thế: tình tiết tăng nặng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh Nguyễn Thuận Thảo (SN 1980, trú tại Buôn Ma Thuột) giật vé số của cụ bà. Ảnh cắt từ clip |
Lợi dụng sự yếu thế để cướp giật tài sản
Sáng ngày 12/9, Công an (CA) xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) đã bàn giao nghi phạm Võ Minh Hiền (ngụ xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho CA huyện Cai Lậy (Tiền Giang) để thụ lý theo thẩm quyền. Trước đó, sáng ngày 10/9, CA xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa nhận được thông tin từ CA huyện Cai Lậy (Tiền Giang) có 1 đối tượng vừa cướp tài sản (vé số của người bán dạo) trên địa bàn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang tẩu thoát về hướng TP Hồ Chí Minh qua địa bàn Long An.
Ngay sau khi nhận thông tin, CA xã Nhị Thành tổ chức lực lượng chốt chặn trên quốc lộ 1 tại Ngã 3 Bình Ảnh thuộc ấp 7, xã Nhị Thành. Với những đặc điểm nhận dạng được cung cấp, đến khoảng 16h30 cùng ngày, CA xã Nhị Thành phát hiện và bắt giữ Hiền cùng phương tiện là xe mô tô khi nghi phạm đang tẩu thoát.
Trước đó không lâu, trưa 6/9, CA phường Thành Công (TP Buôn Ma Thuột) tiếp nhận đơn trình báo của bà N.T.D (SN 1962, trú tại xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) về sự việc bị 1 nam thanh niên cướp giật 430 tờ vé số, trị giá 4,3 triệu đồng. Sau khi tiếp nhận sự việc từ CA phường Thành Công, Đội Cảnh sát hình sự CATP Buôn Ma Thuột đã khám nghiệm hiện trường, rà soát camera an ninh, sàng lọc đối tượng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, CA nhanh chóng xác định nghi phạm cướp vé số là Nguyễn Thuận Thảo (SN 1980, trú tại phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột). Sau khi triệu tập lên làm việc, Thảo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Đối tượng L.K.D (SN 1997), trú tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và Đ.Q.H (SN 1988), trú tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bị bắt sau khi cướp giật tài sản của người đi đường. Ảnh: Gia Huy |
Đã có nhiều vụ cướp giật của người bán vé số đã bị đưa ra xét xử
Ngày 4/6/2023, HĐXX TAND thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Võ Xuân Chiến (trú thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, Bình Định) 54 tháng tù giam và Nguyễn Ngọc Giàu (trú tại xã An Trung, huyện Kông Chro) 42 tháng tù giam cùng về tội “Cướp giật tài sản”.
Theo hồ sơ vụ án, vào lúc 8h ngày 9/11/2022, Nguyễn Ngọc Giàu lái xe máy BKS: 81G1-074.67 chở theo Võ Xuân Chiế́n đi từ huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) đến xã Yang Nam (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) mục đích tìm người bán vé số để cướp giật tài sản. Khi đi đến ngã 3 đường Nguyễn Thiếp - Đống Đa (thuộc tổ 4, phường Tây Sơn, thị xã An Khê), Chiến và Giàu phát hiện cụ ông Đ.T.H (88 tuổi, trú thị xã An Khê) đang bán vé số nên Chiến xuống xe và cướp giật của cụ H số tiền 310.000 đồng, rồi lên xe tẩu thoát. Tiếp đó, ngày 10/11/2022, với thủ đoạn tương tự, Chiến đã cướp giật số tiền 960.000 đồng của cụ bà D.T.K (77 tuổi, trú thị xã An Khê) đang bán vé số tại Hoa Viên Quang Trung (thuộc tổ 3, phường Tây Sơn, thị xã An Khê).
Tháng 10/2023, Tòa án Nhân dân quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ tiến hành mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cướp giật tài sản và Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” đối với các bị cáo Phạm Hoàng Phú, Nguyễn Văn Nam và Nguyễn Văn Sơn. Quá trình điều tra, truy tố, xác định vào khoảng 6h ngày 12/4/2023, Phạm Hoàng Phú, (SN 1998, đăng ký thường trú khu vực Thới An 1, phường Thuận An, quận Thốt Nốt), điều khiển xe mô tô từ nhà thuộc khu vực Thới An 1, phường Thuận An, quận Thốt Nốt đến nhà của Nguyễn Văn Nam (SN 1976, trú tại khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt).
Tại đây, Nam rủ Phú đi cướp giật tài sản của người khác thì Phú đồng ý và điều khiển xe di chuyển trên các tuyến đường để tìm tài sản. Khi đến khu vực Tràng Thọ A, phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, Nam và Phú phát hiện Mạc Thị Bích Tuyền đang đi bán vé số nên cả hai bàn bạc và thực hiện hành vi cướp giật vé số của Tuyền. Sau khi giật được vé số, cả hai về nhà của Nam kiểm tra vé số được 88 tờ; Nam đã bán số vé số đã cướp được số 700.000 đồng.
Cần sớm xem xét cướp giật của người yếu thế như một yếu tố, tình tiết tăng nặng
Trao đổi về câu chuyện này, theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, với những cuộc cướp giật của người yếu thế, cụ thể là những người già yếu, bán vé số như những câu chuyện kể trên, thiệt hại vật chất, giá trị tài sản tước đoạt không cao. Nhưng những vụ cướp giật tương tự xảy ra có thể sẽ gây ra các hậu quả nghiêm trọng trực tiếp đối với nạn nhân, bao gồm tổn thương về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Mặc dù các phiên xét xử đã diễn ra, những đối tượng đã phải chịu những hình phạt theo quy định của pháp luật. Nhưng có vẻ như các bản án chưa đủ răn đe đối với đối tượng vi phạm pháp luật – theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn.
Trong các quy định của pháp luật, có quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trong đó, người phạm tội đối với người đủ 70 tuổi trở lên là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hính sự. “Tuy nhiên, trong tội cướp giật tài sản, việc cướp giật của người già yếu lại không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự” - luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn cho biết.
Luật sư cho rằng, nhóm yếu thế vốn rất cần sự tương trợ của cộng đồng. Việc bảo vệ người yếu thế là cần thiết. Vì vậy, việc cướp giật nhằm người yếu thế, người sống bằng nghề bán vé số, người già, khuyết tật thì càng đáng lên án gấp bội. Vì thế, một trong các biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa là cần sớm xem xét hành vi phạm tội nhắm vào nhóm yếu thế trong xã hội như một yếu tố, tình tiết tăng nặng đối với tội “Cướp giật tài sản”.
Tình huống pháp lý từ phi vụ bỏ hàng trăm triệu mua biển số đẹp |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại