Kê khai giá trên hợp đồng mua bán nhà đất thấp hơn so với thực tế: bị xử lý thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBà Đỗ Thị Thúy làm việc với cơ quan chức năng. Ảnh: CQCA |
Kê khai không đúng với giá thực tế
Ngày 25/9, Văn phòng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh khám xét chỗ ở, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Đỗ Thị Thúy (trú tại phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa) để điều tra về hành vi trốn thuế.
Theo điều tra ban đầu, năm 2021, trong quá trình mua bán, nhận chuyển nhượng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Đắk Song và TP Gia Nghĩa, bà Đỗ Thị Thúy đã kê khai giá trị trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá thực tế nhằm trốn tránh đóng các loại thuế, phí cho Nhà nước.
Cụ thể, bà Thúy nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 1 thửa đất tại phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa với giá trị thực tế 9 tỷ đồng nhưng chỉ kê khai trong hợp đồng chuyển nhượng 440 triệu đồng, gây thất thoát cho Nhà nước trên 166 triệu đồng. Trong quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng 4 thửa đất tại xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song, giá trị thực tế là trên 6,9 tỉ đồng nhưng bà Thúy đã kê khai trong hợp đồng số tiền 400 triệu đồng. Hành vi này đã gây thất thoát cho Nhà nước số tiền trên 119 triệu đồng. Vụ việc đang được Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Nông tiếp tục điều tra mở rộng.
Hành vi trốn thuế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Về hành vi này, theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi người bán và người mua có thỏa thuận với nhau về việc là ghi giá trên hợp đồng mua bán nhà đất thấp hơn so với thực tế hai bê mua bán với nhau xảy ra tương đối nhiều ở thực tế. Hành vi này nhằm là trốn thuế, và với mong muốn là sẽ phải đóng thuế và phí, lệ phí ở mức là thấp hơn.
Quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi khai giá trên hợp đồng mua bán nhà đất thấp hơn thực tế. Theo đó thì căn cứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì hành khai giá trên hợp đồng chuyển nhượng nhà đất thấp hơn thực tế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau: phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Phạt tiền 1 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một tình tiết giảm nhẹ trở lên. Phạt tiền 2 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một tình tiết tăng nặng. Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có hai tình tiết tăng nặng. Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có hai tình tiết tăng nặng trở lên.
Ngoài ra, người nộp thuế còn phải nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách Nhà nước. Trong trường hợp hành vi trốn thuế đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách Nhà nước theo thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra hành vi này, hành vi này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, căn cứ khoản 1, Điều 200, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, người chuyển nhượng quyền sử dụng đất kê khai giá trị trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá thực tế nhằm trốn thuế với số tiền từ 100 đến dưới 300 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Hoặc trốn thuế dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về Tội trốn thuế hoặc về một trong các tội quy định, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng đến dưới 01 tỷ đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 2 lần trở lên; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 4.5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm. Ngoài hình phạt chính như trên, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng (hình phạt bổ sung này chỉ áp dụng khi hình phạt chính là phạt tù)...
Ngoài ra, cũng theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, việc kê khai giá trị trên hợp đồng chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá thực tế thực ra là các bên chuyển nhượng thỏa thuận lập hai hợp đồng với hai giá khác nhau. Một giá thực bán và một giá nhằm… trốn thuế.
“Hành vi này có thể dẫn đến tranh chấp, trường hợp này rủi ro thuộc về chuyển nhượng (bên bán). Bởi lẽ, khi có hai hợp đồng, trong đó chỉ có một hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực thì theo quy định hợp đồng này sẽ có hiệu lực và được pháp luật bảo vệ. Nói cách khác, pháp luật sẽ ghi nhận hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực với giá thấp hơn nhiều so với “giá thực tế” và khi đó bên chuyển nhượng dễ “bị mất tiền” nếu bên nhận chuyển nhượng chưa trả hoặc chưa trả hết số tiền chênh lệch” - luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn phân tích.
Ngoài ra, rủi ro sẽ thuộc về bên nhận chuyển nhượng nếu hợp đồng bị tuyên vô hiệu. Hậu quả pháp lý khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu thì các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (theo khoản 2, Điều 131, Bộ luật Dân sự 2015). Khi đó, bên nhận chuyển nhượng chỉ nhận được số tiền trong hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp chứng minh tồn tại hợp đồng theo giá thực tế.
Hành vi bỏ con mới sinh có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại