Thứ tư 04/12/2024 10:39

Hành vi đổ trộm rác thải ra môi trường có bị xử lý hình sự không?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo luật sư, hành vi đổ trộm rác thải ra môi trường ngoài bị phạt hành chính còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất là 7 năm tù.
Xe ô tô đổ trộm phế thải xây dựng tại địa bàn phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội Ảnh: CQCA
Xe ô tô đổ trộm phế thải xây dựng tại địa bàn phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội Ảnh: CQCA

Liên tiếp phát hiện, xử lý hành vi đổ trộm rác thải

Ngày 24/10, thông tin từ Công an Quận Tây Hồ (Hà Nội), vừa qua Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Tây Hồ phối hợp Công an phường Tứ Liên đã tổ chức tuần tra, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp người dân điều khiển xe mô tô ba bánh, xe mô tô, người đi bộ có hành vi đổ trộm rác thải. Theo thống kê, từ ngày 17/10 đến nay, Công an quận Tây Hồ đã tuần tra phát hiện, xử lý 4 trường hợp và đang tạm giữ, làm thủ tục tịch thu 2 xe mô tô ba bánh tự chế theo quy định của pháp luật. Những hành vi vi phạm chủ yếu là các hộ kinh doanh hoa tại chợ đêm Quảng An lợi dụng thời điểm đêm và rạng sáng vứt rác thải tuỳ tiện trên khu vực đường đê Nhật Tân.

Điển hình là trường hợp hộ kinh doanh N.V.N (trú tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) bị bắt quả tang khi sử dụng xe mô tô ba bánh tự chế chở khối lượng rác lớn vứt ngay trên khu vực đường đê Nhật Tân vào rạng sáng 20/10. Trước đó, Công an quận Tây Hồ cũng đã lập hồ sơ xử lý lái xe P.V.P (SN 2003), trú tại quận Tây Hồ đã có hành vi đổ trộm phế thải xây dựng ra môi trường.

Cụ thể, khoảng 16h30 ngày 13/8, tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Tây Hồ tuần tra, phát hiện xe ô tô mang biển số 30T-142… chở phế thải xây dựng, đang nâng ben đổ thải trái quy định ra môi trường tại địa bàn phường Xuân La. Tổ công tác đã lập biên bản, yêu cầu lái xe đưa phương tiện về trụ sở Công an để giải quyết. Qua làm việc, lái xe đã thừa nhận được chủ công trình thuê chở phế thải đi đổ, tuy nhiên lợi dụng lúc vắng người đã nâng ben đổ trộm chất thải trái quy định đổ ra môi trường tại phường Xuân La.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Về hành vi này, luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi xả thải chất bẩn ra môi trường bị pháp luật nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Theo khoản 18, Điều 3 của Luật Bảo vệ Môi trường, chất thải được định nghĩa là vật chất ở dạng rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác. Tại khoản 1 Điều 6 Luật này, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường bao gồm vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Do đó, hành vi xả thải chất bẩn vào môi trường không chỉ vi phạm pháp luật mà còn có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho sức khoẻ của cộng đồng và môi trường. Để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Điều 4 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định các mức xử phạt hành chính, bao gồm cảnh cáo hoặc phạt vi phạm hành chính tối đa lên đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức vi phạm.

Bên cạnh đó, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm còn chịu hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng có thời hạn đối với: giấy phép xử lý chất thải nguy hại; giấy phép xả thải khí thải công nghiệp; giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm; giấy chứng nhận đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam; giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; giấy phép khai thác loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ… hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính từ g01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính). Ngoài các hình thức xử phạt quy định, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả…

Thậm chí trong trường hợp hành vi đổ chất thải ra môi trường có mức độ nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy tố về tội "Gây ô nhiễm môi trường" theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. “Tùy thuộc vào tính chất và khối lượng chất thải gây ô nhiễm, mức phạt có thể lên đến 3 tỷ đồng và hình phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm” - luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn cho biết.

Ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản liên quan tội phạm ngay từ ban đầu
Miễn thuế hàng hoá có giá trị nhỏ có thể dẫn đến tình trạng xé nhỏ giá trị đơn hàng để tránh thuế
Coi việc bỏ thầu cao một cách vô lý là vi phạm pháp luật và phải xử lý rất nặng
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động