Thứ sáu 28/06/2024 13:02

Can thiệp nút mạch phế quản cho nam thanh niên liên tục ho ra máu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện kĩ thuật nút mạch phế quản cầm máu thành công cho một bệnh nhân 29 tuổi liên tục ho ra máu tươi.
Can thiệp nút mạch phế quản cho nam thanh niên liên tục ho ra máu
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Theo đó, bệnh nhân B.T.H (29 tuổi, ở TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) được người nhà đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc khi liên tục ho ra máu tươi. Bệnh nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, huyết áp và ôxy trong máu ở mức bình thường, tuy nhiên xuất hiện nhiều cơn ho dày đặc kèm theo máu.

Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành chụp cắt lớp vi tính, phát hiện có hình ảnh giãn phế quản ở thùy dưới bên phải, kèm theo hình ảnh nghi ngờ có dị dạng động mạch phổi. Sau khi hội chẩn liên khoa, bệnh nhân được chỉ định chụp mạch phế quản dưới hệ thống số hóa xóa nền (DSA) đồng thời can thiệp xử trí nút tắc các nhánh động mạch phế quản tại các búi giãn ở thùy giữa và thủy dưới phổi bên phải.

Sau can thiệp, bệnh nhân ổn định, phục hồi tốt và được chỉ định ra viện sau 7 ngày điều trị.

Bác sĩ Bùi Đức Thọ - Khoa Cấp cứu cho biết, người bệnh ho ra máu do giãn phế quản thường liên quan đến giãn hệ thống động mạch phế quản kèm theo, đây là hệ thống động mạch nuôi dưỡng cho phế quản và phế nang của phổi. Khi người bệnh ho kích thích, những búi giãn này sẽ tiếp tục vỡ ra và chảy máu, nguy cơ sẽ bị ho ra máu sét đánh - là mức độ nặng nhất của ho ra máu khi máu chảy ồ ạt tràn ngập hai phổi gây ngạt thở, nguy hiểm đến tính mạng.

Kỹ thuật can thiệp nút động mạch phế quản được đánh giá là phương pháp hiệu quả nhất trong điều trị ho ra máu do giãn phế quản với nhiều ưu điểm như ít đau đớn, cầm máu nhanh chóng, hiệu quả lâu dài, thời gian phục hồi nhanh và giảm nguy cơ tai biến.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo, ho ra máu là tình trạng bệnh lý thường gặp do nhiều nguyên nhân như: lao phổi, ung thư phổi, bệnh lý giãn phế quản, tắc động mạch phổi, có dị vật đường hô hấp… với nhiều mức độ, trong đó trường hợp ho ra máu sét đánh nguy cơ nguy hiểm cao. Vì vậy khi gặp tình trạng ho ra máu, dù ho có lượng máu ít hay nhiều đều cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Người phụ nữ ho ra máu vì dị vật nằm trong phổi suốt 25 năm
Giãn động mạch phế quản, người đàn ông ho ra nửa lít máu
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động