Người phụ nữ ho ra máu vì dị vật nằm trong phổi suốt 25 năm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác bác sĩ thực hiện kỹ thuật nội soi ống mềm gắp dị vật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC |
Theo đó, một tuần trước khi nhập viện, Bệnh nhân Quách Thị P, 43 tuổi xuất hiện ho, sốt, khó thở nhẹ. Cùng ngày vào viện, bệnh nhân đột ngột ho ra máu đỏ tươi và được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình điều trị.
Kết quả thăm khám và chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị viêm phổi và giảm trao đổi khí ở đáy phổi trái. Cùng với đó, hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cho thấy ổ áp xe thuỳ dưới phổi trái và nghi ngờ có dị vật đường thở ở đoạn phế quản thuỳ dưới phổi trái.
Theo lời kể của bệnh nhân, vào năm 18 tuổi, bệnh nhân từng bị sặc thức ăn và sau đó xuất hiện ho dữ dội và khó thở. Trong vài năm trở lại đây, bệnh nhân thường xuyên phải nhập viện điều trị viêm phổi, trung bình 3-4 lần mỗi năm.
Để điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa và tiến hành nội soi phế quản ống mềm có gây mê cho bệnh nhân. Khi đưa ống nội soi đến phế quản thuỳ dưới phổi trái, các bác sĩ phát hiện một dị vật to bằng đầu ngón tay út, có nhiều góc cạnh, bị bao phủ bởi đờm và mủ. Dị vật này đã chắn ngang phế quản, cản trở thông khí thuỳ dưới phổi trái, dẫn đến tình trạng hóa mủ và áp xe.
Bệnh nhân được đặt ống nội soi phế quản ống mềm để gắp dị vật ra ngoài. Quá trình thực hiện đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng để đảm bảo hô hấp cho bệnh nhân, lấy được dị vật mà không làm tổn thương đường thở. Sau gần một giờ nỗ lực của kíp nội soi phế quản và kíp gây mê hồi sức, dị vật đã được lấy ra thành công và đờm mủ ở thuỳ dưới phổi trái được hút sạch.
Dị vật được xác định là mảnh xương có trong thức ăn và được cho là nguyên nhân khiến bệnh nhân sặc cách đây 25 năm. Đây là ca bệnh thứ 5 được ekip nội soi phế quản ống mềm lấy dị vật trong phổi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và là lần đầu tiên dị vật nằm ở phổi bên trái của người bệnh.
Kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm có gây mê được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình từ tháng 4/2022 và đã được áp dụng cho gần 1.000 lượt bệnh nhân với các bệnh lý đường hô hấp như ung thư phổi, viêm phổi do vi khuẩn lao, viêm phổi do các vi khuẩn khác, viêm phổi do nấm, dị vật đường thở, sẹo hẹp đường thở...
Nam bệnh nhân phải cắt đại tràng sau 1 tháng đau bụng không tìm ra nguyên nhân | |
Dị vật đường thở - mối nguy của trẻ nhỏ |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại