Cần có đánh giá độc lập, khoa học về việc thí điểm tự chủ bệnh viện
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTS-BS. Trần Tuấn, chuyên gia phân tích hệ thống y tế, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (ảnh FBNV) |
Các bệnh viện kêu khó
Theo PGS-TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, BV đã hoàn thành đề án tự chủ vào tháng 3/2022, gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện do dịch Covid-19 bùng phát khiến bệnh viện bị phong tỏa. Bên cạnh đó, trong suốt hai năm đại dịch, BV hỗ trợ toàn bộ sức người sức của chống dịch trên khắp cả nước. Trong khi đó, số lượng người bệnh đến khám giảm mạnh do dịch bệnh, nguồn thu sụt giảm 50%.
Ngoài ra, BV thu giá khám, chữa bệnh BHYT theo quy định của Bộ Y tế-đa số giá này đã lạc hậu, lỗi thời, thu không đủ bù chi. Còn giá khám chữa bệnh theo yêu cầu chưa có khung giá trần từ Bộ Y tế dẫn đến BV rất khó quyết định giá hợp lý.
Có tới hơn 90% người khám chữa bệnh tại BV thuộc nhóm sử dụng bảo BHYT, đối tượng chính sách... Trong khi đó, tự chủ tài chính, BV sẽ phát triển nhiều lĩnh vực có lợi nhuận, giá khám chữa bệnh cao để có kinh phí hoạt động. Các thiết bị y tế đắt tiền khiến BV phải đi vay hoặc xã hội hóa nhiều khiến chi phí điều trị của người bệnh tăng lên do phải tính lãi vay vào cơ cấu giá, người bệnh nghèo sẽ thiệt thòi.
Mặt khác, khi thực hiện tự chủ, bệnh viện vẫn không giảm được tình trạng quá tải do số lượng người vượt tuyến điều trị lớn, còn nhiều BV tuyến dưới không có bệnh nhân.
Về mặt tổ chức, mô hình BV tự chủ còn nhiều bất cập. Ví dụ, hoạt động của Đảng ủy và hội đồng quản lý chồng chéo. Vai trò của hai đơn vị này và ban giám đốc BV chưa được phân định rõ ràng. BV thành lập Ban kiểm soát, thanh tra nhưng đều là nhân sự làm việc tại viện, do đó quản lý, đánh giá và đưa ra quyết định sẽ thiếu khách quan, không kiểm soát được hoạt động của BV... Bên cạnh đó, các quyết định pháp lý ban hành rất chậm khiến BV lúng túng khi thực hiện, đặc biệt về quy trình đầu tư, mua sắm...
Còn theo TS. Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý BV Bạch Mai, các điều kiện cơ bản là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ. Hiện nay, BV mới được tự chủ về tổ chức bộ máy, do đó chưa đủ điều kiện và chưa làm đúng nghĩa tự chủ nên cần thay đổi. Khó khăn mà BV Bạch Mai gặp phải khi thực hiện tự chủ là bài toán chung của ngành y tế.
GS-TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc BV K nêu: BV K là BV tuyến cuối điều trị bệnh nhân ung thư thì việc tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 cũng có những bất cập tương tự như BV Bạch Mai. Trong thời gian tới, nếu BV Bạch Mai được cho phép tự chủ theo Nghị định 60 và ở nhóm II thì BV K cũng xin áp dụng như BV Bạch Mai.
Theo GS Quảng, Nghị quyết 33 là Nghị quyết của Chính phủ có tính chất là thí điểm đề án và hiện nay mới có BVK, BV Bạch Mai thực hiện thí điểm nhưng hành lang pháp lý hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị quyết này thì đang được soạn thảo, chưa hoàn thiện.
Thời gian qua, việc tự chủ mua sắm trang thiết bị là một trở ngại với BV thực hiện tự chủ toàn diện. Đối với ngành y tế, việc có đầy đủ máy móc, thiết bị rất quan trọng trong công tác khám chữa bệnh. Các máy móc, thiết bị phục vụ việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư thường rất đắt tiền nên BV sẽ khó khăn trong việc chủ động đầu tư máy móc, thiết bị này. Trong hai năm thực hiện việc thí điểm tự chủ toàn diện, BV K chưa đầu tư được thiết bị mới nào...
PGS-TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai (ảnh: Nhật Bắc-VGP) |
Đã có những tia sáng từ Nghị định số 60/2021-NĐ-CP
Bàn về đề xuất thôi tự chủ toàn diện cho 2 BV trên, TS-BS. Trần Tuấn, chuyên gia phân tích hệ thống y tế, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) đặt vấn đề: Điều ấy là đáng mừng hay đáng lo?.
Để trả lời câu hỏi trên, TS. Trần Tuấn đã đưa ra 2 vấn đề chính, đó là Nghị quyết 33 cho 4 bệnh viện công thí điểm "tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện"... đến mức nào?.
Nghị quyết này cho phép các bệnh viện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chuyên môn; tự chủ tự chịu trách nhiệm về tổ chức và nhân sự; tự chủ tự chịu trách nhiệm về đầu tư mua sắm và quản lý tài sản; Đồng thời, tự chủ tự chịu trách nhiệm về giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu-còn với khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, thì theo bảo hiểm y tế chi trả.
Ngoài ra, các loại hình hoạt động khác như: Đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, hợp tác quốc tế... cũng được tự quyết định!.
BS. Trần Tuấn phân tích, truyền thông đang nói nhiều đến các căn nguyên, quy tụ lại vào “giá dịch vụ”, bài toán kinh tế “nguồn sống của các bệnh viện”!. Nghị quyết 33 (và cả Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập), phần về “giá dịch vụ” cho loại hình khám chữa bệnh theo yêu cầu, thực ra đã “rất mở”, viết “như mơ” cho các lãnh đạo bệnh viện: Cho phép "xác lập khung giá dịch vụ y tế theo yêu cầu tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, có tích lũy, trên cơ sở tham khảo giá của các bệnh viện tư nhân và các bệnh viện có vốn đầu tư ở nước ng oài tại Việt Nam"!. Khung giá này do Bộ Y tế ban hành.
Như vậy, Nghị quyết 33/2019/NQ-CP rõ ràng là “phép thử” trao toàn quyền cho ngành y tế, thực hiện giấc mơ vận hành loại hình “bệnh viện công", quản lý "hiệu quả như tư”. Viễn cảnh giải được bài toán “hiệu quả, chất lượng, cạnh tranh bền vững” cho bệnh viện công trong nền kinh tế thị trường, đang đến bằng Nghị quyết 33/2019/NQ-CP.
Với quy định này, các bệnh viện tư vẫn “sống được” trong 2 năm qua, chấp nhận chung cơ chế cả khám chữa bệnh bảo hiểm và giá dịch vụ tự xây dựng, vậy lý do gì mà 2 Bạch Mai và BV K lại đề nghị dừng thực hiện tự chủ toàn diện?. Vì sao BV Chợ Rẫy và Việt Đức chưa dám thực hiện cơ chế này?-TS. Trần Tuấn nêu vấn đề.
Và theo chuyên gia này, những phát biểu của lãnh đạo các bệnh viện trên chưa thể đủ giải đáp thỏa mãn cho câu hỏi trên mà cần đến một nghiên cứu khoa học định hướng chính sách thiết kế chuẩn thức, thông tin thu thập toàn diện, phân tích đa chiều đủ sâu để làm rõ đâu là căn nguyên chính, đâu là yếu tố ảnh hưởng khách quan, chủ quan như dịch bệnh, từ ngành y tế, từ thực tế bệnh viện hay từ chính sữ trỗi dậy của đối thủ cạnh tranh là các bệnh viện tư đang có trong thị trường...
"Loại nghiên cứu vận hành hệ thống định hướng chính sách này đòi hỏi thiết kế phải phối hợp cả về lượng và về chất, thêm minh chứng các trường hợp cụ thể, cả thành công và thất bại. Thông tin phải được thu thập theo phương thức hợp tác nhiều bên; phân tích phải được thực hiện bằng một nhóm chuyên gia đa thành phần, cả trong và ngoài ngành y tế", TS. Trần Tuấn nêu.
Rõ ràng, chính phủ đã thấy trước, nên ra Nghị quyết nêu rõ cấp độ làm “thí điểm”. Thí điểm, nghĩa là để rút kinh nghiệm trước khi ra phương án chính thức giải quyết vấn đề thách thức sự phát triển của hệ thống khám chữa bệnh công. Vậy thì, triển khai thực hiện Nghị quyết 33, phải được tiến hành theo nguyên tắc của một nghiên cứu khoa học định hướng chính sách, có đánh giá trước và sau khi thí điểm.
TS. Trần Tuấn bày tỏ mong đợi Chính phủ sớm cho thực hiện đánh giá độc lập khoa học về triển khai Nghị quyết 33/NQ-CP trong 2 năm qua. "Còn nếu Chính phủ đã cho đánh giá rồi, thì mong lắm được đọc báo cáo đánh giá đó bởi câu chuyện bệnh viện “công ra công, tư ra tư" phụ thuộc rất nhiều vào bài học rút ra từ thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của 4 BV Bạch Mai, K, Chợ Rẫy và Việt Đức.
Theo TS. Trần Tuấn, “mừng hay lo” với câu chuyện quản lý vận hành BV Bạch Mai, BV K nói riêng và giải quyết căn bản các thách thức phát triển của khối bệnh viện công của Việt Nam nói chung, câu trả lời vẫn đang ở phía trước. "Nhưng tôi tin, theo xu thế, mừng hẳn là nhiều hơn! công sẽ trở về công đích thực bởi gần đây có những tia sáng tỏa ra từ Nghị định số 60/2021-NĐ-CP của Chính phủ “quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập”; và gần nhất, phiên bản 4 của Dự thảo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (25/7/2022) đã đặt những viên gạch pháp lý xây móng cho sự tồn tại của 3 chủ thể cung cấp dịch vụ y tế trong thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam: Công lập, Tư nhân, và Ngoài nhà nước nhân đạo không vì lợi nhuận". |
Phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ bệnh viện Bạch Mai |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại