Chế độ phụ cấp chống dịch cho nhân viên y tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Hỏi: Tôi được biết, Bộ Y tế vừa có quy định mới về chế độ phụ cấp chống dịch cho nhân viên y tế. Xin quý báo cho biết chi tiết chế độ phụ cấp này?
(Nguyễn An Minh, quận Cầu Giấy, Hà Nội)
Trả lời: Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:
Ngày 15/8/2022, Bộ Y tế có Công văn số 4362/BYT-KHTC về chế độ phụ cấp chống dịch theo Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, Bộ Y tế nêu:
1. Về cách tính để thực hiện chi trả chế độ phụ cấp phòng chống dịch: Sở Y tế có hỏi để thực hiện chi trả theo theo số lượng mẫu xét nghiệm hoặc theo giờ (khi làm việc không đủ theo giờ quy định hoặc làm quá giờ?); Bộ Y tế có ý kiến như sau:
Hiện nay, phụ cấp chống dịch đang được thực hiện theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Riêng đối với dịch COVID-19 thì được áp dụng mức chi phụ cấp tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số 145/NQ- CP ngày 19/11/2021 của Chính phủ về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, mức chi trả chế độ phụ cấp phòng chống dịch quy định tại các Quyết định, Nghị quyết nêu trên được quy định chi trả theo ngày thực tế làm việc không tính theo giờ làm việc hoặc tính theo số lượng mẫu xét nghiệm.
2. Đối với việc chi trả chế độ phụ cấp chống dịch cho cán bộ, nhân viên gián tiếp phục vụ công tác điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 như: bộ phận hành chính, cấp dưỡng, lái xe, hậu cần, bảo vệ: đề nghị Sở Y tế áp dụng mức phụ cấp quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ:
“3. Chế độ phụ cấp chống dịch mức 150.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với:
a) Người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú)”.
3. Đối với việc chi trả chế độ phụ cấp chống dịch cho cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc COVID-19, nghi mắc COVID-19 và vừa tham gia thường trực 24/24 giờ tại các Bệnh viện dã chiến thì thực hiện chi trả cả 2 chế độ gồm:
- Chi trả phụ cấp chống dịch theo Khoản 1, Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP ;
- Chi trả chế độ thường trực 24/24 giờ theo quy định tại Điều 2, Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ;
4. Căn cứ tình hình thực tế, việc quyết định số lượng và danh sách đơn vị, cá nhân tham gia trực dịch được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 và Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hơn 1 năm qua đã có gần 9.400 cán bộ, nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức ngành y tế thôi việc, bỏ việc cao như: TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng... Thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở, là nguyên nhân chính được lãnh đạo Bộ Y tế chỉ ra trong việc gần chục ngàn nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. Thu nhập hàng tháng của cán bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng chủ yếu là từ lương và phụ cấp. Bác sĩ mới ra trường với hệ số lương là 2,34 và mức phụ cấp ưu đãi nghề 40% thì tổng thu nhập hằng tháng chỉ là 4,8 triệu đồng; sau 5 năm công tác là khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Với điều dưỡng hạng IV, hệ số lương 1,86 và mức phụ cấp ưu đãi nghề là 40%, tổng thu nhập hằng tháng chỉ có 3,8 triệu đồng, sau 5 năm công tác là 4,7 triệu đồng. Do thu nhập thấp nên rất khó thu hút tuyển dụng cán bộ có trình độ chuyên môn y tế về công tác tại y tế cơ sở và y tế dự phòng. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại