Thứ hai 25/11/2024 21:25

Phiên tòa giả định - hình thức tuyên truyền pháp luật có hiệu quả

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các em cho rằng, việc học tập pháp luật thông qua mô hình phiên toà giả định khiến các kiến thức, các quy định của pháp luật trở nên dễ hiểu, dễ hình dung hơn. Cũng qua những tình huống tại phiên toà giả định, các em thực sự ý thức hơn việc được và không được phép làm và cái giá phải trả cho những hành động vi phạm…
Phiên tòa giả định - hình thức tuyên truyền pháp luật có hiệu quả
Mô hình Phiên toà giả định được tổ chức tại Trường THCS Xuân Đỉnh chiều 25/11. Ảnh: N.D

Chiều 25/11, Trung tâm Tư vấn Pháp luật – Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp cùng Trường THCS Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, tổ chức Phiên tòa giả định xét xử vụ án hình sự "Gây rối trật tự công cộng", tuyên truyền về an ninh mạng cho học sinh toàn trường.

Đây được xem là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả giúp các em học sinh cùng những người tham dự nhận thức rõ hành vi sai phạm ảnh hưởng đến xã hội, góp phần nâng cao ý thức pháp luật. Với “Phiên tòa giả định” được thực hiện với diễn biến, quá trình xét xử như một cuộc xét xử tại Tòa án, bao gồm đủ các thành phần Hội đồng xét xử tái hiện như một phiên tòa thật.

Nội dung phiên tòa giả định dựa trên vụ án có thật với các thông tin đã được mã hóa. Câu chuyện tình cảm không cân bằng trong tình yêu tuổi học trò trên học đường giữa Nguyễn Việt và Mai Huệ với các mối quan hệ không rõ ràng trong xã hội, các đối tượng thông qua mạng xã hội cãi nhau, thoả mãn chữ “Tôi” ở tuổi mới lớn, lứa tuổi tâm sinh lý chưa phát triển đầy đủ, thể thất chưa hoàn thiện, thể hiện quyền chiếm hữu tình cảm, dẫn đến việc nhắn tin messenger, sau đó hẹn gặp nhau trực tiếp để giải quyết mâu thuẫn, may mắn là được các cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời, nên không ai bị thiệt hại về sức khoẻ và tính mạng.

Phiên tòa giả định - hình thức tuyên truyền pháp luật có hiệu quả
Phiên toà giả định nhận được sự quan tâm, theo dõi của hầu hết học sinh tại trường. Ảnh: N.D

Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, Hiệu phó Trường THCS Xuân Đỉnh, theo quy định của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Từ những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, ngày Pháp luật Việt Nam đã từng bước đi vào cuộc sống và trở thành một sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, việc thực thi pháp luật của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế, hiện tượng thiếu hiểu biết, coi thường pháp luật vẫn còn tồn tại.

Vì vậy, bà Nguyễn Quỳnh Anh nhấn mạnh, mỗi thầy cô giáo, mỗi cán bộ công nhân viên, mỗi học sinh cần chủ động trong việc nghiên cứu, học tập và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo giục pháp luật trong nhà trường thông qua việc lồng ghép pháp luật vào những môn học chính khoá, các giờ học ngoại khoá nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về pháp luật từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường…

“Phiên toà giả định với nội dung tuyên truyền về an ninh mạng cho học sinh toàn trường là một nội dung tuyên truyền có ý nghĩa. Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục cho học sinh, đặc biệt là học sinh THCS là hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, tích cực phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội… góp phần bảo đảm an ninh trật tự trong và ngoài trường học” - theo bà Nguyễn Quỳnh Anh.

Phiên tòa giả định - hình thức tuyên truyền pháp luật có hiệu quả

Khẳng định về tầm quan trọng của việc tuyên truyền phổ biến cho học sinh, luật sư Lê Cao Long, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật - Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và đối với đối tượng là học sinh nói riêng, Trung tâm tư vấn pháp luật Việt Nam triển khai chương trình trợ giúp pháp lý, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho người chưa thành niên, mang lại ý nghĩa thiết thực, đóng góp cho cộng đồng.

Phiên tòa giả định không phải là hình thức mới nhưng là hình thức có hiệu quả bởi những phiên tòa giả định mang tính trực quan, không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật nghiêm cấm và mức án được áp dụng, mà còn giúp học sinh hiểu rõ hơn hoạt động của những người cầm cân nẩy mực, giúp người xem biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật và tính "hướng thiện" trong chính sách hình sự của nước ta đối với những người đã phạm tội thông qua mức án được tuyên xử.

Ngay sau phiên tòa là phần giao lưu và trả lời các câu hỏi thắc mắc của các bạn trẻ liên quan đến nội dung của phiên tòa giả định về an ninh mạng, cùng những câu hỏi liên quan đến các quy định, bộ Luật phù hợp với lứa tuổi của các em.

Phiên tòa giả định - hình thức tuyên truyền pháp luật có hiệu quả
Em Nguyễn Đức Quang, lớp 8A4, Trường THCS Xuân Đỉnh. Ảnh: N.D

Hào hứng trả lời các câu hỏi liên quan đến pháp luật, em Nguyễn Đức Quang, lớp 8A4, Trường THCS Xuân Đỉnh cho biết, em đã biết đến phiên toà giả định thông qua báo chí, mạng xã hội. Tuy nhiên, việc được trực tiếp chứng kiến vẫn khiến em cảm thấy rất thú vị.

“Mỗi tuần lớp em có 1 tiết giáo dục công dân, có các nội dung liên quan đến pháp luật. Tuy nhiên em cho rằng như thế vẫn còn ít. Việc chứng kiến và theo dõi phiên toà giả định khiến em thấy các kiến thức pháp luật trở nên dễ hiểu, dễ tiếp thu và không khô khan như những kiến thức đọc trong sách, vở” – em Nguyễn Đức Quang nói.

Đồng thời, em cũng cho biết, thông qua mô hình này, em đã nhận biết công việc của từng người, từng bộ phận tham gia phiên toà.

“Sau khi chứng kiến toàn bộ phiên toà, em muốn mai sau em trở thành một thẩm phán” – em Nguyễn Đức Quang chia sẻ.

Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong tuyên truyền pháp luật Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong tuyên truyền pháp luật
Tuyên truyền pháp luật hiệu quả cho học sinh Tuyên truyền pháp luật hiệu quả cho học sinh
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động