Thứ năm 18/04/2024 22:58
Luật Thủ đô (sửa đổi):

Các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô phải tuân thủ với Hiến pháp 2013

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Trưởng ban soạn thảo cho biết, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập đã thống nhất thông qua dự thảo Kế hoạch soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó cần tập trung cao độ để trình Chính phủ vào tháng 7/2023, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2023.
Các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô phải tuân thủ với Hiến pháp 2013
Luật Thủ đô cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật

Bộ Tư pháp vừa Thông báo kết luận cuộc họp lần thứ nhất Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tại cuộc họp, Bộ Trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ cần thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.

Đồng thời, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô khác với pháp luật hiện hành hoặc pháp luật hiện hành chưa có quy định nhưng phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013, trong đó có các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quyền năng và trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Bám sát 09 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa vào dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội nhằm tạo đột phá về thể chế, phát huy thế mạnh của Thủ đô. Luật Thủ đô cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành để áp dụng riêng cho Thủ đô.

Cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; những vấn đề cần ủy quyền lập pháp thì nên ủy quyền cho các cơ quan, người có thẩm quyền quy định vấn đề đó theo pháp luật hiện hành nhằm bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ về thẩm quyền ban hành văn bản. Đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, cần quy định tương ứng cơ chế để nâng cao trách nhiệm của Hà Nội cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền thành phố.

Kế thừa, phát triển các quy định đã được thực hiện kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012, rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà phù hợp với Thủ đô để đưa vào dự thảo Luật.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng kết luận, cần theo sát quá trình chỉnh lý hoàn thiện các luật có liên quan đang được sửa đổi bổ sung như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Nếu các dự án luật nêu trên được Quốc hội thông qua mà xử lý được những vấn đề đang đặt ra đối với Thủ đô thì không quy định tại dự án Luật Thủ đô; nếu chưa được xử lý, hoặc nội dung đã được xử lý nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của Thủ đô mà cần quy định bổ sung thì sẽ đề xuất để quy định tại Luật Thủ đô.

Về định hướng lớn xây dựng dự án Luật, Ban Soạn thảo thống nhất với 9 định hướng lớn đã được báo cáo và thảo luận tại cuộc họp, gồm: Xây dựng chính quyền Thủ đô tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thu hút sử dụng hiệu quả nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô;

Tăng khả năng huy động nguồn lực và nâng cao năng lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; Hoàn thiện các quy định về quy hoạch quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông của Thủ đô; Phát triển nông nghiệp sinh thái và xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; Phát triển văn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Thủ đô;

Nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ và năng lực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Thủ đô; Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; Phát triển vùng Thủ đô thành khu vực phát triển nhanh bền vững về kinh tế - xã hội xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.

Về dự kiến một số nội dung chính của dự thảo Luật, thống nhất với bố cục lớn của dự thảo Luật gồm: Quy định chung; Tổ chức chính quyền thành phố; Xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô; chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; Liên kết, phát triển Vùng Thủ đô; Điều khoản thi hành.

Cơ bản nhất trí với 11 nhóm nội dung dự kiến quy định tại dự thảo Luật do tổ thường trực đề xuất.

Đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ TP cho ý kiến 12 vấn đề trong xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) Đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ TP cho ý kiến 12 vấn đề trong xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)
Dự thảo Luật Thủ đô (SĐ): Đề xuất xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến và hiện đại Dự thảo Luật Thủ đô (SĐ): Đề xuất xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến và hiện đại
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động