Thứ sáu 22/11/2024 02:47

Đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ TP cho ý kiến 12 vấn đề trong xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 26/4, tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đã trình bày Báo cáo về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ TP cho ý kiến 12 vấn đề trong xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn trình bày Báo cáo về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025 được đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 của Đảng bộ Thành phố.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng như Ban cán sự đảng UBND Thành phố đã chủ động triển khai các quy trình theo quy định. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và hai lần cho ý kiến đối với các Báo cáo liên quan đến việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô do Ban cán sự đảng UBND Thành phố trình…

Trên cơ sở đó, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố đã chỉ đạo UBND Thành phố hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Bộ Tư pháp thẩm định, báo cáo Chính phủ. Tại phiên họp tháng 2/2023, Chính phủ đã đánh giá cao và cơ bản thông qua 9 nhóm chính sách như trong đề nghị xây dựng Luật; thống nhất sự cần thiết ban hành dự án Luật này nhằm xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá, tạo điều kiện để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, mạnh, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, đặc thù của Thủ đô. Hiện nay, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Để các cơ chế, chính sách trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đảm bảo tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu xây dựng, phát triển bền vững Thủ đô trong dài hạn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị, các đại biểu với kinh nghiệm thực tiễn từ cơ quan, đơn vị, địa phương, lĩnh vực quản lý của mình đưa ra những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết; góp ý trực tiếp vào các cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi); tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong thời gian tới.

Trong đó cần bàn kỹ, bàn sâu và thể hiện rõ quan điểm đối với 12 vấn đề Ban cán sự đảng UBND Thành phố trình xin ý kiến; đồng thời, tiếp tục tham gia, đóng góp các ý kiến cụ thể về những cơ chế, chính sách, việc phân cấp, phân quyền để tăng tính chủ động, tính tự chủ cho Thành phố trong việc giải quyết các điểm nghẽn, các tồn tại, hạn chế trong phát triển Thủ đô trong thời gian qua; nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến chính sách tài chính - ngân sách, đất đai, đầu tư, cơ chế xử lý các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn Thủ đô; cơ chế thu hút nguồn lực xã hội; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; việc quy hoạch, thu phí, cho thuê lòng đường, vỉa hè;...

Đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ TP cho ý kiến 12 vấn đề trong xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)
Quang cảnh hội nghị.

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề xuất, đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố cho ý kiến đối với 12 vấn đề về hoạt động phối hợp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cụ thể, về mô hình thành phố thuộc Thủ đô: Các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị làm rõ mô hình, tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố thuộc Thủ đô; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động của HĐND, UBND thành phố trực thuộc Thủ đô có nội dung gì đặc thù theo chức năng của từng đô thị cần được phân quyền cao hơn so với các đơn vị quận, huyện. Cần giải trình sự cần thiết, vấn đề đặc thù, vượt trội phải quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi), vì hiện nay mô hình, cơ cấu tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố thuộc Thành phố trực thuộc Trung ương đã được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tiêu chuẩn thành lập đã có trong quy định tại Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về việc thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù cấp thành phố, cấp huyện, cần xác định cụ thể về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của các cơ quan chuyên môn đặc thù mà Thành phố dự kiến sẽ thành lập.

Về số lượng đại biểu chuyên trách HĐND Thành phố, cần xác định rõ số lượng phù hợp với điều kiện đặc thù, vị trí vai trò của Thủ đô và định hướng chỉ đạo của Trung ương, cần giải trình, thuyết minh rõ về sự cần thiết phải tăng số lượng đại biểu, lượng đại biểu chuyên trách trong khi mô hình tổ chức chính quyền giữ nguyên theo Nghị quyết số 97, so sánh với tương quan cơ cấu tổ chức HĐND tại TP Hồ Chí Minh (hiện HĐND Thành phố đề nghị tăng số lượng từ 95 lên 125 đại biểu, tỷ lệ chuyên trách 30%).

Về quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc Thành phố được quyền: “Tuyển dụng, bổ nhiệm từ cấp phó trở xuống và chịu trách nhiệm cá nhân về việc tuyển dụng, bổ nhiệm và chất lượng đội ngũ công chức, viên chức thuộc quyền quản lý", còn có nhiều ý kiến băn khoăn, đặc biệt là việc đảm bảo nguyên tắc, các quy định của Đảng trong công tác cán bộ.

Quy định về dự án, công trình trọng điểm của Thành phố; nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm của Thành phố, cần xác định rõ, cụ thể Luật về lĩnh vực, quy mô, phạm vi để có căn cứ tổ chức thi hành.

Quy định cụ thể các biện pháp về xây dựng lại chung cư cũ, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị.

Quy định rõ ràng các vấn đề về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) cần mô hình đầu tư mới như thế nào, có sử dụng hình thức BT không, và việc quy định cụ thể trong trường hợp tiếp tục đưa vào dự thảo Luật; cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà nước - nhà đầu tư - người dân trong các dự án; vấn đề thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Khái niệm, tiêu chí, điều kiện về nhà đầu tư chiến lược; các quy định thu hút, ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, cơ chế lựa chọn; các lĩnh vực trọng điểm cần thu hút nhà đầu tư chiến lược. Cần xác định rõ cơ chế tài chính (việc chi trả bảo hiểm y tế, giá dịch vụ kỹ thuật y tế, lương, thù lao cho đội ngũ bác sĩ công lập) và cơ chế liên quan đến chi trả bảo hiểm y tế để đảm bảo tính khả thi của quy định khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình trong khi chưa có quy định tại các luật liên quan.

Làm rõ, cụ thể hóa cơ chế đầu tư công - quản trị tư nói chung và đối với công trình văn hóa nói riêng; việc Phân quyền về quản lý di sản, thẩm định, quyết định trùng tu, tôn tạo các di sản.

Xác định rõ hơn các biện pháp bảo vệ môi trường; quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường của Thành phố, quy định về vùng phát thải thấp.

Ngoài ra, trong dự thảo Luật còn nhiều vấn đề về khái niệm như: Đô thị vệ tinh, đô thị trung tâm, nội đô lịch sử, đô thị thông minh, Phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD),... cũng cần được xác định rõ hơn, làm căn cứ cho việc quy định các điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật.

Về lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn mong muốn Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể, cơ quan, ban, ngành Thành phố nhận thức đúng, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); tích cực tham gia vào quá trình xây dựng, đóng góp ý kiến hoàn thiện cho dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Sửa đổi Luật Thủ đô: Cần cơ chế đặc thù để phát triển hệ thống y tế hiện đại Sửa đổi Luật Thủ đô: Cần cơ chế đặc thù để phát triển hệ thống y tế hiện đại

Chiều 25/4, UBND TP Hà Nội đã tổ chức chương trình họp nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về nội ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động