Bộ Y tế tạo điều kiện để TP HCM rút gọn quy trình tiêm phòng Covid-19
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTính từ 6g đến 18g30 ngày 29-7 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.773 ca mắc mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 4.772 ca ghi nhận trong nước tại TP Hồ Chí Minh (2.877), Bình Dương (738), Long An (320), Đồng Nai (166), Đồng Tháp (142), Bà Rịa - Vũng Tàu (133), Bình Thuận (63), Hà Nội (58), Đà Nẵng (54), Phú Yên (37), Bình Phước (35), Cần Thơ (33), Trà Vinh (18), Hải Dương (10), Thừa Thiên Huế (10), Quảng Nam (10), Bình Định (8 ), Đắk Lắk (7), Vĩnh Phúc (6), Thanh Hóa (6), Hậu Giang (5), Lạng Sơn (5), Phú Thọ (4), Cà Mau (4), Hà Tĩnh (4), Kiên Giang (3), Ninh Thuận (3), Nghệ An (3), Lâm Đồng (2), Đắk Nông (2), Hà Giang (2), Bạc Liêu (2), Ninh Bình (1), Quảng Ngãi (1) trong đó có 949 ca trong cộng đồng.
Trong ngày 29-7 Việt Nam ghi nhận tổng số 7.594 ca mắc mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 7.593 ca ghi nhận trong nước. TP Hồ Chí Minh vẫn có số ca mắc ở mức cao với 4.592 ca; tiếp sau là Bình Dương (1144), Long An (499), Đồng Nai (325), Bà Rịa-Vũng Tàu (185), Đồng Tháp (157), Tây Ninh (139), Bình Thuận (63), Hà Nội (59), Đà Nẵng (54), Phú Yên (52), Đắk Lắk (44), Cần Thơ (39), Bình Phước (35), Vĩnh Long (31), Kiên Giang (21), Khánh Hòa (18), Trà Vinh (18), Hậu Giang (13), Bình Định (11), An Giang (10), Hải Dương (10), Thừa Thiên Huế (10), Quảng Nam (10), Nghệ An (7), Lạng Sơn (6), Vĩnh Phúc (6), Thanh Hóa (6), Bạc Liêu (4), Đắk Nông (4), Phú Thọ (4), Cà Mau (4), Hà Tĩnh (4), Ninh Thuận (3), Lâm Đồng (2), Hà Giang (2), Ninh Bình (1), Quảng Ngãi (1) trong đó có 1.536 ca trong cộng đồng.
Tính đến chiều ngày 29-7, Việt Nam có 128.413 ca mắc trong đó có 2.208 ca nhập cảnh và 126.205 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27-4 đến nay là 124.635 ca, trong đó có 29.006 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đến chiều 29-7 là 128.413 trường hợp. |
Có 5/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.
Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Quảng Trị.
Về tình hình điều trị: có 4.323 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 29/7.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 31.780 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 346 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 19 ca.
- Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo có 233 ca tử vong do Covid-19 (số 631-863) từ ngày 19 đến 26-7 tại 7 tỉnh, thành phố:
+ Tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 24 đến 26-7: 189 ca
+ Tại Tỉnh Khánh Hòa từ ngày 19 đến 26-7: 14 ca
+ Tại Tỉnh Long An từ ngày 25 đến 26-7:10 ca
+ Tại Tỉnh Đồng Nai từ ngày 23 đến 26-7: 8 ca
+ Tại Tỉnh Bến Tre từ ngày 20 đến 25-7: 6 ca
+ Tại Tỉnh Vĩnh Long từ ngày 20 đến 26-7: 4 ca
+ Tại Tỉnh Bình Dương từ ngày 20 đến 22-7: 2 ca
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 112.468 xét nghiệm cho 316.424 lượt người.
Số lượng xét nghiệm từ 27-4 đến nay đã thực hiện 5.711.291 mẫu cho 16.529.067 lượt người.
Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 5.321.839 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.825.209 liều, tiêm mũi 2 là 496.630 liều.
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh (ảnh: BYT) |
Bộ Y tế đồng ý rút gọn một số thủ tục để tăng số lượng người được tiêm ở TP HCM
Ngày 29-7, tại cuộc làm vệc với Thành uỷ, UBND TP Hồ Chí Minh sáng 29-7 về công tác phòng chống dịch Covid-19, GS-TS. Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh quan điểm TP phải đẩy nhanh lên mức độ cao nhất thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, nếu thiếu nhân lực triển khai tiêm chủng trên địa bàn, Bộ Y tế sẽ điều động thêm nhân lực để hỗ trợ TP.
Tại buổi làm việc, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề xuất Bộ Y tế tinh giản một số thủ tục trước và sau tiêm chủng vắc-xin như đơn giản khâu khám sàng lọc cho những người dưới 65 tuổi và không có bệnh nền; giảm thời gian theo dõi sau tiêm đối với người tiêm chủng khoẻ mạnh, không có bệnh nền.
Theo phân tích của Sở Y tế, khi những thủ tục đó được tinh giản, các nhân lực dôi ra sẽ được huy động để mở thêm các điểm tiêm chủng mới. Đồng thời thời gian người chờ tiêm/ theo dõi sau tiêm ít hơn nên sẽ tăng được số lượng tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm.
Ngay lập tức Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ Y tế tiếp thu và trình Bộ trưởng ban hành Hướng dẫn quy trình tiêm chủng phù hợp với điều kiện và tình hình chống dịch của TP.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã ký văn bản hoả tốc gửi UBND TP Hồ Chí Minh về tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trong thời thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, theo đó đồng ý để TP sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp đảm bảo an toàn.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền và tăng tốc độ bao phủ tiêm chủng...
Bình Dương cần thành lập tổ phản ứng nhanh để xử lý các trường hợp F0 trong các khu công nghiệp
Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Môi trường y tế-Bộ Y tế có mặt hỗ trợ Bình Dương chống dịch cho biết, hiện UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các biện pháp rất quyết liệt, đặc biệt Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND các cấp từ các quận, huyện, xã, phường cũng đã tham gia tích cực, hỗ trợ phòng chống dịch tại các khu công nghiệp.
Trong thời gian ngắn sắp tới, Bình Dương có thể xét nghiệm diện rộng trên toàn tỉnh. Có thể sẽ phát hiện thêm ca mắc trong cộng đồng. Tuy nhiên, chính từ công tác xét nghiệm tốt sẽ khoanh được vùng, dập được dịch ở từng điểm, ổ dịch trên toàn tỉnh Bình Dương.
Song song đó là xây dựng các bệnh viện dã chiến, thu dung điều trị ước tính cho khoảng 20.000 người nhiễm. Như vậy, một thời gian ngắn tỉnh Bình Dương có thể sẽ triển khai các biện pháp tiếp theo để phòng chống dịch, khoanh chặt vùng xanh và vùng đỏ. Bên cạnh đó đẩy mạnh triển khai công tác tiêm vắc-xin.
“Chúng tôi tin rằng trong thời gian tới tình hình dịch tại Bình Dương sẽ ổn định. Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh bạn xung quanh, đặc biệt là ở phía Bắc có Bình Phước để khi đã làm sạch được vùng nào sẽ khoanh chặt vùng đó, tránh sự xâm nhập của dịch bệnh từ các vùng khác”, ông Dương Chí Nam nói.
Tổ công tác Bộ Y tế đã đề nghị Bình Dương thành lập tổ phản ứng nhanh để xử lý các trường hợp F0 trong các khu công nghiệp. Điều này rất quan trọng vì nếu xử lý nhanh, bóc tách được F0 cộng với khoanh vùng được F1 thì các doanh nghiệp đó tiếp tục được sản xuất, đảm bảo chống lây nhiễm chéo. Bất cứ doanh nghiệp nào phát hiện trường hợp dương tính cần báo ngay đến chính quyền, trung tâm y tế để xử lý kịp thời.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn động viên nhân viên y tế tại cơ sở chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại Đại học Thủ Dầu Một (ảnh: Anh Văn) |
Khi kiểm tra tình hình công tác chống dịch tại tỉnh Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Trưởng Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng lưu ý ngành y tế tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện tốt việc phân tuyến điều trị theo mô hình tháp “3 tầng”, sàng lọc các trường hợp người nhiễm không triệu chứng để tạo thuận lợi hơn trong công tác điều trị, tránh trường hợp bệnh nhân thể nhẹ, nặng đều tập trung về một nơi tạo khó khăn nhất định trong công tác điều trị... "Bình Dương cần vận hành mô hình này linh hoạt và hiệu quả, không chuyển bệnh nhân quá sớm gây quá tải tuyến trên cũng như không chuyển quá muộn làm tăng nguy cơ tử vong".
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại