Thứ ba 07/05/2024 18:42

Biểu tình tiếp tục “nhấn chìm” Thái Lan

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sinh viên, thanh niên và những người biểu tình khác đang tiếp tục biểu tình phản đối chính phủ ở Thái Lan, bất chấp tình trạng khẩn cấp được ban bố vào ngày 15-10. Hàng nghìn người biểu tình ở thủ đô Bangkok của Thái Lan đã tổ chức biểu tình tại nhiều địa điểm. Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan và nhiều TP khác.

Tiếng hò reo, ba ngón tay giơ cao của người biểu tình khắp đường phố Bangkok là dấu hiệu bề mặt của những chuyển động quyết liệt trong lòng Thái Lan, một đất nước Phật giáo nhưng có lịch sử bất ổn chính trị. Người biểu tình đang thách thức không chỉ chính quyền Thủ tướng Prayut Chan-ocha khi yêu cầu ông từ chức và thay máu nội các. Họ còn đòi kiềm chế quyền lực của hoàng gia. Đây là một sự kiện gây chấn động bởi người dân Thái Lan, từ khi mới lọt lòng, đã được dạy phải tôn kính và yêu mến Nhà Vua. Nhưng giờ đây, điều cấm kỵ suốt 90 năm của đất nước đã bị phá vỡ: tôn kính được thay bằng chất vấn.

Theo cảnh sát, 74 người đã bị bắt kể từ ngày 13-10. Tổ chức Luật sư Nhân quyền Thái Lan cho biết, chỉ có 19 người được tại ngoại. Tuy nhiên, chính phủ đã đưa ra hàng trăm nghìn thông điệp trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau và đe dọa sẽ có hành động pháp lý đối với những người biểu tình đăng ảnh của họ lên mạng xã hội tại các cuộc biểu tình.

bieu tinh tiep tuc nhan chim thai lan
Biểu tình rầm rộ đang diễn ra tại nhiều nơi ở Thái Lan. Ảnh tư liệu

Những người biểu tình tiếp tục kêu gọi ba yêu sách cốt lõi của họ: Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và chính phủ của ông phải từ chức, viết ra hiến pháp mới cũng như cải cách chế độ quân chủ, và chấm dứt đàn áp chính trị. Ông Prayuth đã triệu tập một cuộc họp quốc hội vào ngày 19-10, vốn đang trong thời gian nghỉ, để thảo luận về các biện pháp chấm dứt biểu tình.

Chủ tịch Quốc hội Chuan Leekpai cũng kêu gọi các cuộc đàm phán giữa các bên để thảo luận về cách thức chấm dứt biểu tình, một dấu hiệu cho thấy các đảng như Move Forward sẽ cố gắng tận dụng ảnh hưởng của họ trong giới trẻ để ngăn chặn biểu tình. Ông Prayuth tuyên bố hồi tuần trước rằng ông sẽ không từ chức và tới ngày 19-10, ông nói rằng "chính phủ đã thỏa hiệp ở một mức độ nào đó", mặc dù chưa có yêu sách nào của những người biểu tình được đáp ứng.

Hiện không có ai trong số các nhà lãnh đạo biểu tình chủ chốt, bị bắt giữ hồi tuần trước, được tại ngoại. Ngoài ra, hai người biểu tình bị buộc tội "bạo lực" chống lại đoàn xe của Hoàng hậu Suthida, đi qua một cuộc biểu tình hôm 14-10, sẽ phải đối mặt với án tù. Ngày 14-10, một cảnh tượng đã đi vào lịch sử: người biểu tình giơ biểu tượng ba ngón tay thách thức khi đoàn xe hoàng gia chở Hoàng hậu Suthida và Hoàng tử Dipangkorn đi ngang qua. Đây là điều chưa từng có tiền lệ tại một đất nước mà uy quyền hoàng gia hiện diện ở mọi khía cạnh xã hội như Thái Lan.

Đồng thời, chính phủ đang đẩy mạnh trấn áp chiểu theo việc ban bố tình trạng khẩn cấp vào tuần trước bằng cách mở các cuộc điều tra đối với bốn phương tiện truyền thông: VoiceTV, Prachathai.com, The Reporters và The Standard. Họ bị buộc tội phát tán thông tin có thể "gây bất ổn xã hội." Chính phủ đang cố gắng hạn chế truy cập vào các ứng dụng nhắn tin như Telegram - ứng dụng được sử dụng để tổ chức các cuộc biểu tình. Bộ Kinh tế-Xã hội Kỹ thuật số đã gửi một lá thư tới Ủy ban Phát thanh và Viễn thông Quốc gia Thái Lan yêu cầu chặn ứng dụng này. Các nhà hoạt động đã chuyển từ Facebook sang Telegram do lo sợ bị kiểm duyệt trực tuyến và xóa các trang mạng của họ.

Nhiều mối liên hệ cũng đang được nêu ra giữa các cuộc biểu tình ở Thái Lan với những cuộc biểu tình bắt đầu ở Hong Kong vào năm 2019. Thanh niên và người lao động ở cả hai khu vực này đều đang phải đối mặt với bất bình đẳng xã hội và kinh tế. Thanh niên cũng phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng nghiêm trọng. Chính phủ ước tính rằng trong tháng 3, hơn nửa triệu sinh viên tốt nghiệp đại học gần đây không thể tìm được việc làm. Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan ước tính hồi tháng 7 rằng 8 triệu người có thể mất việc làm vào cuối năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Hơn nữa, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng gần 10 triệu người cho đến nay không được bảo đảm về kinh tế. Kể từ tháng 3, 70% lực lượng lao động Thái Lan đã chứng kiến mức lương trung bình hàng tháng của họ giảm gần một nửa. Với GDP dự kiến giảm 10% trong năm nay, chính phủ và các DN lớn sẽ cố gắng tạo điều kiện để tầng lớp lao động và thanh niên đủ sinh sống trong bối cảnh kinh tế giảm sút. Nguyên nhân sâu xa của các điều kiện ở Thái Lan, bao gồm các cuộc tấn công vào các quyền dân chủ và các điều kiện xã hội, chính là chủ nghĩa tư bản - vốn được mọi bộ phận của giai cấp tư sản Thái Lan bảo vệ.

Tổ chức Ân xá Quốc tế mới đây đã lên tiếng chỉ trích các cơ quan thực thi pháp luật ở Thái Lan về “sự leo thang đáng báo động trong việc ngăn chặn các cuộc biểu tình” bằng cách sử dụng vòi rồng vào những người biểu tình chống chế độ quân chủ. Còn tổ chức Theo dõi nhân quyền cũng chỉ trích việc sử dụng vòi rồng “không cần thiết” chống lại những người biểu tình ôn hòa, diễn ra sau khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày hôm trước trong một nỗ lực ngăn chặn các cuộc biểu tình trong tương lai.

Tại Thái Lan, trong 6 cuộc đối đầu lớn kể từ cuộc nổi dậy tháng 10-1973 do sinh viên lãnh đạo, đã chứng kiến hơn 270 người thiệt mạng và 2.500 khác bị thương do trúng đạn từ xe tăng, trực thăng vũ trang và vũ khí tự động. Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ đến cuộc đàn áp quân sự từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2010 nhằm vào những người biểu tình của Mặt trận Thống nhất vì Dân chủ chống độc tài, hay còn được gọi là phe “Áo Đỏ,” khiến 87 người thiệt mạng, 51 người mất tích và 2.100 người bị thương.

Hồng Phúc
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động