Thứ năm 18/04/2024 19:56

Bí quyết hòa giải thành công là kết nối được đa chiều

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Có gần 20 năm kinh nghiệm tham gia công tác hòa giải cơ sở, anh Nghiêm Hữu Thái luôn vận dụng xuyên suốt một phương châm là: Gần dân, sát dân để nghe được đa chiều. Từ đó, tận dụng các lực lượng, các mối quan hệ xung quanh để tác động tới người được hòa giải, góp phần đi đến thành công.
Anh Nghiêm Hữu Thái, Tổ trưởng Tổ hòa giải số 1 Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội (ảnh P.C).
Anh Nghiêm Hữu Thái, Tổ trưởng Tổ hòa giải số 1 Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội (ảnh P.C).

“Đi làm vì đam mê”

Tham gia công tác hòa giải cơ sở từ khi mới 31 tuổi, đến nay đã tròn 18 năm, chứng kiến những biến đổi về tính chất các vụ hòa giải, anh Nghiêm Hữu Thái, sinh năm 1973, Tổ trưởng Tổ hòa giải số 1 Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: Giai đoạn trước va chạm chủ yếu là quan hệ trong gia đình, vợ chồng, ít tranh chấp về tài sản đất đai. Tuy nhiên, mấy năm gần đây va chạm đất đai lại có sự gia tăng. Vì thế, công việc của hòa giải viên, tổ hòa giải lại tập trung tháo gỡ những khúc mắc về kinh tế, đất đai như tranh chấp lối đi chung phát sinh do điều kiện chia tách đất, bán đất dẫn đến phải mở lối đi, mở ngõ.

Với sự thay đổi của tính chất các vụ hòa giải thì cách thức tiếp cận, hình thức hòa giải cũng có sự linh hoạt hơn, nhưng "bí quyết" được anh Thái áp dụng xuyên suốt chính là luôn gần dân, sát dân để nghe được đa chiều. Biết được người hòa giải đó thân thiết với ai, tin tưởng ai nhất, từ đó tận dụng mối quan hệ đó để nhờ người đó tác động.

"Để hòa giải thành công, điều quan trọng là hòa giải viên phải phối hợp được các chi hội đoàn thể, tìm được người thích hợp để thuyết phục người được hòa giải. Quan trọng là phải kết nối được mọi người với nhau để tác động đến người đó. Đặc biệt, phải tìm đúng người đủ uy tín, lý lẽ để tác động người cần hòa giải chứ không phải ai cũng nói được. Phải tìm được người hợp nhau, tin tưởng nhau thì có khi chỉ cần nói 1 câu là xong. Còn giả sử họ ghét ông A mà mang ông A vào thuyết phục còn phản tác dụng. Vì thế quan trọng là tìm được người tác động phù hợp thì giải quyết vấn đề nhanh hơn, không để vụ việc kéo dài", anh Thái chia sẻ.

Anh Thái chia sẻ: Tôi tìm thấy niềm vui trước mỗi vụ việc thành công. Tôi gắn bó với công việc thời gian lâu như vậy chủ yếu vì trách nhiệm, nói theo cách nói của giới trẻ bây giờ là... làm vì đam mê bởi làm ở cơ sở không thể có kinh tế. Nếu gia đình không ủng hộ thì tôi không làm được.

Giải quyết tranh chấp bằng tình cảm

Khi hòa giải các vụ việc gắn liền với kinh tế, quyền lợi của các bên đương nhiên hòa giải viên phải tìm hiểu các quy định của luật liên quan để phân tích, dẫn chứng nhằm củng cố lý lẽ. Tuy nhiên, cái khó trong những tình huống này là cả 2 bên đều không muốn mất đi quyền lợi của mình, nên vai trò người ở giữa phải cân đối hài hoà được lợi ích của các bên. Và để giải quyết vấn đề này không phải cứ cứng nhắc đọc các điều luật, quy định là xong mà hòa giải viên phải mềm dẻo nói lý, nói tình.

Anh Thái kể về một vụ hòa giải tranh chấp thừa kế giữa con gái với bố và anh trai, nếu nói về lý, áp dụng luật pháp, làm "thẳng băng" ra thì có thể sẽ khiến tình cảm gia đình tan vỡ. Nhưng anh đã khéo léo phân tích cũng như nhờ người tác động tới cô con gái. Mặt khác lại nói tình cảm với bố và anh trai để họ thoả hiệp được với con/em gái mình.

Đó là 2 vợ chồng già khi còn khoẻ do xích mích với con trai nên mang tiền gửi con gái giữ hộ. Đến lúc cụ bà qua đời, người bố và con trai đã làm lành trở lại nên đòi con gái đưa tiền mẹ gửi. Lúc này người con gái nhất định không trả và khăng khăng "mẹ đã gửi tôi". Kết quả là 2 bên mâu thuẫn, xích mích với nhau. Bố và anh trai làm đơn nhờ phường giải quyết để con gái trả tiền.

"Vụ việc này, nói về lý thì người con gái phải trả lại cho bố và anh là đương nhiên. Nhưng sau đó tôi đã ngồi với từng bên để phân tích, lắng nghe tâm tư của họ. Tôi đưa ra phương án bố và anh trai cho người con gái 50 triệu, coi như thừa kế của mẹ, hoặc nói tình cảm là bố cho con. Còn ở góc độ người con gái, tôi đã nhờ đến bạn bè của cô ấy nói cho cô ấy hiểu. Và đôi bên đã vui vẻ với phương án đó, người con gái trả lại cho bố dưỡng già 650 triệu; người bố đồng ý cho con gái 50 triệu thừa kế của mẹ".

Suốt 18 năm qua (từ năm 2004) đến nay, anh Thái đã hòa giải thành công nhiều vụ việc. Chứng kiến đôi bên đạt được thỏa thuận chung và hóa giải được mọi mâu thuẫn, anh Thái luôn cảm thấy niềm vui dâng lên trong lòng.

Sau mỗi vụ việc hòa giải thành công, chứng kiến niềm vui, sự hòa thuận của mọi người nên anh Thái đã tìm thấy niềm vui trong công việc và gắn bó tới tận bây giờ. Mặc dù công việc không thù lao, không mang lại kinh tế cho gia đình nhưng điều khiến anh "được" nhiều nhất chính là tự tin tưởng, tín nhiệm của mọi người.
Muốn hòa giải thành công, cần tìm hiểu gốc rễ vấn đề
Hà Nội hòa giải thành công hơn 85% vụ việc mâu thuẫn tại cơ sở
Hà Nội: Hòa giải thành công 81% vụ việc mâu thuẫn tại cơ sở
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động