Thứ sáu 26/04/2024 03:04

Muốn hòa giải thành công, cần tìm hiểu gốc rễ vấn đề

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với sự tâm huyết, kiên trì trong công tác hòa giải, cô Nguyễn Thị Tố Nga (SN 1964), thành viên của tổ hòa giải tổ dân phố 6 (phường Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội) đã nhiều lần hòa giải thành công các vụ mâu thuẫn tại địa phương.
Muốn hòa giải thành công, cần tìm hiểu gốc rễ vấn đề
Cô Nguyễn Thị Tố Nga gắn bó với công tác hòa giải 14 năm nay. Ảnh: NVCC

14 năm gắn bó với công tác hòa giải, chưa khi nào cô Nga chịu “đầu hàng” trước những mâu thuẫn của người dân. Cô chia sẻ muốn hòa giải thành công thì phải tìm hiểu gốc rễ nguyên nhân. Từ đó “đánh trúng" vào tâm lý của người trong cuộc.

Một trong những ca khó mà cô Nga từng hòa giải là một đôi vợ chồng trẻ của tổ 6 xảy ra cãi vã, xô xát vào năm 2019. Người vợ có ý định ly hôn, dẫn theo con cái về nhà bố mẹ đẻ. Hôm đó đúng vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán. Nhận được cuộc điện thoại thông báo về sự việc, cô Nga cùng tổ hòa giải có mặt ngay lập tức.

Thấy người vợ xách đồ đạc ra cổng chờ taxi, cô Nga chạy ra hô tài xế: “Taxi đi đi, cô này không đi nữa đâu”. Người vợ chưa kịp cất tiếng thì cô Nga nhanh tay kéo cô gái này cùng đồ đạc vào nhà khuyên giải. Cô gái khóc lóc kể lại chuyện người chồng chè chén say xỉn rồi về trách móc, cãi vã với vợ. Thấy vậy, cô Nga khuyên người vợ nên bình tĩnh đợi chồng tỉnh rượu rồi nói chuyện cho rõ ngọn ngành.

Cô Nga ở lại trò chuyện với đôi vợ chồng này để không khí bớt căng thẳng cũng là để chờ người chồng tỉnh rượu rồi sẽ có lời phân giải. Người chồng tỉnh rượu, được cô Nga phân tích, chia sẻ đã nhận ra lỗi của mình và hứa sửa sai. Anh cũng cảm ơn tổ hòa giải đã kịp thời giải quyết, khuyên nhủ để vợ chồng anh làm hòa.

Từ đó, gia đình họ trở nên yên ấm hơn trước. Sau này, hễ gặp cô Nga ở đâu, người chồng trong vụ việc này lại “chắp tay” cảm ơn và bảo: “Nếu không có các cô thì chúng cháu chắc tan đàn xẻ nghé mất”.

Một gia đình trẻ khác cũng có nhiều mâu thuẫn bởi vợ chồng không chung tiếng nói, chồng thì thường xuyên cà kê rượu chè rồi về mắng vợ con. Nhiều chuyện bé không giải quyết được tích tụ thành chuyện lớn, dẫn đến đôi vợ chồng này thường xuyên cãi nhau. Người vợ thấy vậy cũng đâm ra chán nản và nhờ cô Nga đến "phân giải".

Đợi người chồng tỉnh táo, cô khuyên anh hãy nghĩ đến các con đang tuổi lớn, nếu cứ thấy bố mẹ cãi nhau sẽ buồn chán, thậm chí ảnh hướng đến tình cảm, sự phát triển, học tập của con. Cô cũng khuyên người vợ nên bình tĩnh, đợi lúc nào vợ chồng nói chuyện vui vẻ thì góp ý từ tốn, khéo léo, tránh phản ứng thái quá dẫn đến cãi vã căng thẳng. Không chỉ một ngày khuyên nhủ góp ý, cô Nga còn dành nhiều ngày sau đó đến nhà đôi vợ chồng này chơi rồi sẻ chia và động viên họ cố gắng làm việc, sống hòa thuận để nuôi nấng các con. Sự bền bỉ của cô Nga cuối cùng cũng có hiệu quả. Người chồng hiểu ra vấn đề đã bỏ hẳn rượu, tập trung làm ăn, cùng vợ lo lắng cho con cái.

Cô Nga chia sẻ: “Với mỗi vụ việc, ở mỗi mức độ khác nhau chúng tôi sẽ có những cách hòa giải khác nhau nhưng chung quy đều phải nhanh gọn bởi sự mâu thuẫn để càng lâu sẽ càng nghiêm trọng và khó hàn gắn. Chúng tôi dùng sự mềm mỏng, chân thành để “đánh” vào tâm tư tình cảm của những người trong cuộc. Dù sắt đá như thế nào thì chỉ cần “mưa dầm thấm lâu” việc hòa giải sẽ thành công. Ai cũng muốn bản thân được lắng nghe, tôn trọng và sự việc trở nên tốt đẹp nhất cho đôi bên nên mọi người chỉ cần nhường nhịn nhau một chút là mọi thứ sẽ êm đẹp”.

Không chỉ thành công trong công tác hòa giải, Cô Nga còn có nhiều đóng góp vào sự thành công trong công tác thiện nguyện của địa phương. Cô đã nhiều lần gương mẫu đi đầu, kêu gọi mọi người ủng hộ các chương trình thiện nguyện như hiến máu nhân đạo, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, đồng bào miền Trung gặp lũ lụt, ủng hộ quỹ phòng chống Covid-19, Qũy Vắc xin,... Hầu hết chương trình thiện nguyện của tổ dân phố số 6 đều đạt hiệu quả tốt, góp phần phát huy tinh thần tương thân tương ái của dân tộc.

Trong quá trình công tác, cô Nga luôn hết mình với những công việc của địa phương, đồng thời sắp xếp vẹn toàn công việc gia đình. Hậu phương vững chắc, luôn bên cạnh động viên cô yên tâm công tác là chồng và các con, các cháu.

Gắn bó với công tác hòa giải, chữ thập đỏ, cô Nga càng cảm thấy thêm yêu và trân trọng những công việc mình làm bởi đó chính là sợi chỉ đỏ gắn kết sự yêu thương không chỉ của những người thân trong gia đình mà còn giúp tình làng nghĩa xóm thêm khăng khít, chan hòa, góp phần xây dựng lối sống văn minh, thanh lịch.

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động