Hà Nội hòa giải thành công hơn 85% vụ việc mâu thuẫn tại cơ sở
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội luôn chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng các tổ hòa giải, tổ chức hội thi “Hoà giải viên giỏi”… |
Năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác hòa giải gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Sở Tư pháp Hà Nội, Hội đồng PBGDPL TP đã nỗ lực, vượt khó, tham mưu giúp UBND TP tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn TP, bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu công tác.
TP hiện có 4.937 tổ hòa giải với tổng số 31.957 hòa giải viên, trong đó có 2.822/4.937 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”, đạt tỷ lệ 57%. Tính đến 31-10-2021, TP đã tiếp nhận tổng số 3.028 vụ việc hòa giải (bao gồm cả số vụ chưa giải quyết xong kỳ trước chuyển sang), giảm 1524 vụ việc so với cùng kỳ năm 2020, đã tiế́n hành hòa giả̉i thành 2.483/2.911 vụ việc, 160 vụ việc đang tiến hành hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành đạt 85,29%, tăng 2,59% so với cùng kỳ.
UBND TP tổ chức đánh giá, sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 23-11-2016 của Thành ủy Hà Nội. Kết quả chất lượng hòa giải được nâng lên thể hiện qua tỷ lệ các vụ hoà giải thành năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ hòa giải thành 5 năm đạt cao: 84.63% (tăng trung bình 3,23% so với giai đoạn trước Chỉ thị 11-CT/TU (năm 2014-2016), số vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư giảm dần, số lượng vụ việc so với giai đoạn trước Chỉ thị 11-CT/TU ban hành giảm mạnh, (giảm khoảng 3.592 vụ/năm), việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã tích cực phát huy trong thực tiễn.
Được biết, mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” xuất phát từ việc Sở Tư pháp Hà Nội phối hợp với Thường Trực Ủy ban MTTQ Thành phố xây dựng Chương trình phòng chống tội phạm của TP thí điểm trong năm 2002-2003. Hiệu quả từ mô hình, năm 2016 thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của các ban, ngành, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở, Thành phố Hà Nội đã ban hành tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở và hướng dẫn thủ tục công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt” trên địa bàn.
Với việc đưa ra 5 tiêu chí đã gắn trách nhiệm của chính quyền và hòa giải viên trong công tác hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn TP mỗi năm đều đạt trên 80%. Ngoài ra, để triển khai thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo gắn mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn. Theo đó, đối với xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác hòa giải thì ngoài tiêu chí chung thì phải có trên 50% tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” cùng với đó là gắn tiêu chí đánh giá đơn vị cấp xã, cấp huyện thực hiện tốt công tác hòa giải.
Việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” trên địa bàn TP cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND TP trong công tác hòa giải giúp cho công tác hòa giải đi vào nền nếp, bài bản. Góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, giảm mẫu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Khuyến khích chính quyền nhất là chính quyền cơ sở ở xã, phường, thị trấn, quan tâm hơn đến kinh phí, hoạt động đối với công tác hòa giải ở cơ sở.
Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định và được đón nhận trong cộng đồng dân cư. Việc lựa chọn các hòa giải viên được chú ý hơn về năng lực, uy tín đã phát huy được nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả.
Công tác khen thưởng đối với đội ngũ hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở ngày càng được quan tâm, lồng ghép với tổng kết công tác tư pháp cuối năm hoặc những đợt tổng kết chuyên đề công tác hòa giải ở cơ sở như sơ kết 3 năm, tổng kết 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
Để tiếp tục nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho các hòa giải viên, phát huy tốt hơn nữa mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, các cấp chính quyền cần tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn việc đánh giá công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt”; tăng cường việc thực hành thông qua các tình huống, vụ việc cụ thể để hòa giải viên tự phát hiện vấn đề, tìm ra nguyên nhân mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi được hòa giải ở cơ sở.
Chế độ bồi dưỡng, kinh phí để chi trả cho công tác hòa giải còn hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác hòa giải, các hòa giải viên chưa thật sự tâm huyết đối với công việc. Chính vì vậy, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm bố trí kinh phí đảm bảo cho nhiệm vụ đánh giá, công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt”, hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời theo quy định của pháp luật.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại