Bệnh nhân Covid-19 sẽ phải tự chi trả tiền khám chữa bệnh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênXem xét chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B |
Sau 2 năm nỗ lực chống dịch Covid-19, mới đây, trong Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022 – 2023 theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17-3-2022, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Về vấn đề này, Luật sư Hoàng Văn Doãn, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, nếu chuyển biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B người dân sẽ không còn được điều trị miễn phí nữa.
“Theo mục 2, điều 48 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ được khám và điều trị miễn phí. Điều đó đồng nghĩa nếu Covid-19 được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm B, đặc ưu này sẽ bị bãi bỏ. Người bệnh phải chi trả phí điều trị bệnh theo quy định của Bộ Y tế.” – luật sư Doãn nói. “Tương tự, trong Luật Khám chữa bệnh 2009, Điều 66 quy định bệnh truyền nhiễm nhóm A là nhóm bệnh bắt buộc phải chữa bệnh, còn nếu chuyển sang nhóm B, bệnh nhân có quyền từ chối điều trị bởi các cơ sở y tế…”
Cũng theo Luật sư Doãn, nếu bệnh truyền nhiễm nhóm A sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú thì bệnh nhân nhóm B chỉ cần theo dõi sức khỏe theo y lệnh của nhân viên y tế. Cùng với đó, việc cách ly y tế chỉ thực hiện với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ y tế. “Như thế nếu Covid-19 được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm B, bệnh nhân có thể không phải thực hiện việc cách ly nghiêm ngặt như trong thời gian vừa rồi mà Việt Nam thực hiện trong các chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19.” – luật sư Doãn nói.
Người dân sẽ không còn bắt buộc phải thực hiện các quy định về hạn chế ra, vào vùng có dịch |
Cùng quan điểm với Luật sư Doãn, Luật sư Nguyễn Văn Túy – Đoàn Luật sư Hà Nội cũng cho rằng, việc thay đổi nhóm bệnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Cụ thể Điều 53, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm có quy định về việc kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A. Nhưng khi Covid-19 được loại ra khỏi bệnh dịch thuộc nhóm A, người dân sẽ không còn bắt buộc phải thực hiện các quy định về hạn chế ra, vào vùng có dịch cũng như không cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, hàng hóa…
“Đặc biệt theo điều 18 về việc vệ sinh trong việc quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt có quy định: Người tử vong phải được tổ chức mai táng chậm nhất là 48 giờ sau khi chết, trừ trường hợp thi thể được bảo quản theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; đối với người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A tử vong thì thi thể phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ. Như vậy, việc chuyển Covid-19 sang nhóm bệnh B thì các công việc này sẽ được nới lỏng hơn về thời gian thực hiện. Điều đó phù hợp với phong tục tập quán, thói quen của người dân Việt Nam hơn.” – Luật sư Túy phân tích.
Theo đó, nếu chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19 có thể sẽ không bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nữa.
Phân loại bệnh truyền nhiễm 1. Bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm sau đây: a) Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê – bô – la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh; b) Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota); c) Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia); bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans); bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia); bệnh phong; bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes); bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta); bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas); bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsakie); bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia); bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus) và các bệnh truyền nhiễm khác. (Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007) |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại