Thứ sáu 22/11/2024 12:44

Báo động gia tăng trẻ thừa cân, béo phì có liên quan đến sử dụng đồ uống có đường

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nhanh mức calo trong khẩu phần vì đánh lừa cảm giác no. Đồ uống có đường gây tác hại rất lớn đến sức khoẻ như thừa cân béo phì, bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá, hệ xương răng, bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, ung thư…
Báo động gia tăng trẻ thừa cân, béo phì có liên quan đến sử dụng đồ uống có đường
Mức độ tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đang gia tăng (ảnh minh hoạ)

ThS-BS. Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, mức tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đang tăng rất nhanh. Nếu như năm 2002, trung bình mỗi người chỉ dùng 6,04l/năm thì năm 2021 đã tăng lên 55,78l/năm.

Đồ uống có đường (nước ngọt) gồm tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, chất cô đặc dạng lỏng và bột nước hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà đóng hộp, cà phê uống sẵn và sữa có thêm đường.

Tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nhanh mức calo trong khẩu phần vì đánh lừa cảm giác no. Đồ uống có đường gây tác hại rất lớn đến sức khoẻ như thừa cân béo phì, bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá, hệ xương răng, bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, ung thư…

"Đến nay tỷ lệ trẻ em và thiếu niên từ 5-19 tuổi thừa cân ở Việt Nam tăng nhanh (hiện tăng 11,1%), trong đó có nguyên nhân một phần từ sử dụng đồ uống có đường. Một khảo sát trong học sinh, sinh viên gần đây cho thấy cứ 3 bạn có 1 bạn uống nước ngọt có ga trong 30 ngày qua"-ThS. Nguyễn Tuấn Lâm chia sẻ.

Còn theo PGS-TS. Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong một phân tích gộp kết quả từ 88 nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng nước ngọt với việc tăng năng lượng và trọng lượng cơ thể.

Các nghiên cứu ở trẻ em và người lớn đã chỉ ra rằng, ở những người thừa cân việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường có thể giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn. Một nghiên cứu trên 33.097 người cho thấy, trong số những người có nguy cơ béo phì do di truyền, những người uống đồ uống có đường dễ bị béo phì hơn những người không uống.

“Trong một lon nước ngọt 330ml hoặc 12oz đồ uống có đường có ga có đường thường chứa khoảng 35g đường, tương đương cung cấp khoảng 140 kcal năng lượng, trong khi cung cấp rất ít giá trị dinh dưỡng khác.

Nhưng uống thêm 1 lon đồ uống có đường mỗi ngày, nguy cơ béo phì tăng thêm 60% sau 1,5 năm theo dõi. Việc tăng tiêu thụ đồ uống có đường dẫn đến việc tăng năng lượng nạp vào cơ thể, từ đó dẫn tới thừa cân, béo phì.

Bên cạnh đó, sử dụng 1 lon đồ uống có đường hàng ngày cũng gia tăng các vấn đề liên quan tim mạch, xương răng, cơ xương khớp, chuyển hoá đái tháo đường tăng 20-30%. Theo đó, người uống nước ngọt hàng ngày thì nguy cơ bị gãy xương cao gấp 4,69 lần.

Đáng lưu ý, sử dụng đồ uống có đường cũng làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Nghiên cứu ở Mỹ phân tích số liệu từ 95.000 phụ nữ tham gia trong 15 năm cho thấy: Với mỗi 354ml đồ uống có đường/ngày thì nguy cơ ung thư tăng thêm 16%...

Nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì, PGS-TS. Tuyết Mai khuyến cáo, trẻ em từ 2 đến 18 tuổi, hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25g mỗi ngày và chỉ giới hạn không quá 235ml đồ uống có đường mỗi tuần.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khoẻ tương đương dưới 25-50 g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12-25g đường mỗi ngày với trẻ em. Vì vậy, trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

Chia sẻ kinh nghiệm trên thế giới về việc hạn chế sử dụng đồ uống có đường, Ths Hoàng Ly Na, Tổ chức HeathBridge Việt Nam cho biết: Một số nước đã dán nhãn dinh dưỡng cảnh báo các sản phẩm đồ uống có đường; kiểm soát quảng cáo thực phẩm không lành mạnh trong đó có đồ uống có đường… Việt Nam cần sớm ban hành quy định bắt buộc phải dán nhãn dinh dưỡng cho sản phẩm, trong đó có công bố hàm lượng đường; quy định về dán nhãn cảnh báo dinh dưỡng mặt trước của sản phẩm nhiều đường, nhiều năng lượng.

“Việt Nam cũng cần sớm ban hành các chính sách nhằm hạn chế quảng cáo, tài trợ, khuyến mại các sản phẩm đồ uống có đường đặc biệt là cho trẻ em; đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; cần đánh thuế với đồ uống có đường ở mức độ tối thiểu để gia tăng 20% như khuyến cáo của WHO”, ThS. Hoàng Ly Na nhấn mạnh.

Thừa cân-béo phì ở trẻ là nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khi trưởng thành
Trẻ thừa cân, béo phì ăn gì để vẫn no mà không sợ béo?
Uống nước ngọt thường xuyên khiến trẻ hung hăng hơn
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động