Bài 2: Rắc rối chuyện phân loại rác ở các chung cư
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhân viên thu gom rác tại hầm đổ rác khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính. (Ảnh: Duy Linh) |
Băn khoăn về câu chuyện phân loại rác, chị Trần Vân Thanh (Trung Hoà, Cầu Giấy) cho biết: “Tòa nhà tôi ở vốn xây cách đây hàng chục năm. Thời điểm đó hệ thống xử lý rác thải của người dân không phải là những phòng rác như các chung cư hiện đại ngày nay, mà họ thiết kế những ống xả để thu gom rác thải. Có nghĩa là người dân đổ rác vào hệ thống ống được làm sẵn, rác từ các tầng rơi thẳng xuống nhà chứa rác tại tầng 1. Hầm thu rác chứa tất cả các loại rác từ thực phẩm, túi nilon, chai nhựa, chai thủy tinh…”
Thiết kế dạng ống này đã từ lâu trở thành thói quen của người dân ở chung cư và hơn chục năm nay họ chưa thấy gì là bất cập. Bởi lẽ, chị Thanh cho rằng, với thời gian đổ rác tùy ý trong cả ngày, chỉ tránh những giờ công nhân thu gom rác dưới hầm chứa thì những ống đổ rác này khá “tiện lợi” với người dân.
Tiếp tục về câu chuyện phân loại rác, chị Thanh cũng cho rằng, khi Nghị định đã đi vào cuộc sống, thì việc thay đổi thói quen về việc đổ rác thải cũng sẽ phải thay đổi cho phù hợp. Có điều như thế với những chung cư chị đang ở sẽ rất bất cập. “Việc xả rác qua những đường ống về cơ bản giảm thiểu được nhân công thu gom. Nếu giờ phân loại rác, chắc chắn khó có thể thay đổi kết cấu dạng ống đã làm từ trước, mà phải chuyển thành các phòng thu gom đặt ở mỗi tầng. Bởi lẽ đặc thù ở chung cư không như ở nhà mặt đất, người dân không thể mang rác xuống điểm tập kết chờ công nhân vệ sinh đến thu gom nên việc để rác theo từng tầng là giải pháp hợp lý nhất. Và công nhân vệ sinh không còn chỉ làm việc tại nhà rác tầng 1 hay tầng hầm, mà phải trực tiếp lên từng tầng để thu gom. Như thế ngoài thời gian lao động của các công nhân vệ sinh sẽ nhiều hơn, mà kể cả nhân sự cũng phải tăng thêm để đáp ứng được hết…”
Lúc này sẽ tiếp tục phát sinh thêm về chi phí quản lý, vận hành của mỗi chung cư, vấn đề rất nhạy cảm của mỗi chung cư hàng bao nhiêu năm nay. “Việc phân loại rác là việc cần làm. Nhưng để giải quyết hết những tồn tại, những đặc thù của từng khu dân cư cũng cần có những kế hoạch chi tiết, cụ thể cũng như các hướng dẫn liên quan để người dân biết, đồng thuận và có thể thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản nhất”, chị Thanh nói.
Theo nhân viên thu gom rác tại Khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính, với kết cấu dạng đường ống đổ rác như tại chung cư này, việc phân loại rác là không thể. Số lượng rác thải đổ xuống từ các tầng là rất lớn cộng với việc không được phân loại từ hộ gia đình cho nên các nhân viên thu gom chỉ có thể sắp xếp vào từng xe chứa rác, nếu xe này đầy thì đến xe khác.
Sinh sống tại một chung cư cao cấp hơn, anh Nguyễn Trường Vũ (Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân) cho rằng, khác với ở mặt đất, việc phân loại rác ở chung cư mới thực sự là một bài toán khó giải. Theo đó, tại chung cư nơi anh ở, mỗi tầng đều có một phòng thu gom rác. Tại đây luôn có sẵn 2 thùng chứa rác cỡ lớn dành cho các loại rác khác nhau, tuy nhiên việc cư dân có để đúng rác vào các thùng hay không thì không ai kiểm soát được.
“Từ lâu rồi tôi thấy trong phòng thu gom rác có để sẵn hai thùng chứa rác để phân loại rác. Thế nhưng thực tế lại thấy ít người dân tuân thủ việc phân loại theo đúng như nhãn dán ở từng thùng. Họ còn lười cả phân loại. Các túi rác vẫn chứa đủ thứ, có khi cả chai lọ thủy tinh vỡ lẫn với cơm thừa canh cặn rồi vứt vào bất cứ thùng rác nào họ tiện tay”, anh Vũ ngán ngẩm.
Không chỉ kém về ý thức phân loại, nhiều người còn bừa bãi tới mức để cả đống rác ở hành lang dù phòng thu gom rác ngay cạnh đấy, hoặc có đem vào phòng thu gom mà lại vứt ngay xuống sàn. Cứ mỗi lần mở cửa phòng để rác là mùi rác thải lại bay ra ngoài hành lang khiến không ít cư dân khó chịu.
Và theo anh, việc có chế tài xử phạt những người không tuân thủ nghiêm túc việc phân loại rác cũng là điều nên làm. Tuy nhiên, ai xử phạt và xử phạt như thế nào khi việc thu gom rác vẫn thực hiện tập trung cũng như khó có thể giám sát được từng người dân đang sinh sống trên các toà nhà cao tầng.
“Theo tôi, hiện một số Nghị định, quy định về xử phạt đối với các hành vi vứt rác hay không phân loại rác mới đang dừng lại ở mức độ răn đe, khó áp dụng vào thực tiễn. Thay vào đó, ý thức con người đóng vai trò then chốt. Bởi vậy, thay vì tính chuyện xử phạt, các cơ quan chức năng cần bàn bạc, xem xét và tuyên truyền, hướng dẫn sâu rộng hơn để thay đổi nhận thức của người dân, đồng thời cũng có những biện pháp cụ thể, thấu đáo để người dân hiểu và tự giác chấp hành trước khi quy nó vào quy phạm pháp luật”.
(Còn nữa)
Bài 1: Người dân còn mơ hồ về phân loại rác |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại