Thứ tư 24/04/2024 14:57
Huyện Đông Anh, Hà Nội

Những hiệu quả từ chương trình xử lý, thu gom rác tại nguồn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bắt đầu triển khai thí điểm tại 3 xã (Liên Hà, Dục Tú, Việt Hùng) từ tháng 3-2021, Chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nguồn do huyện Đông Anh tổ chức với sự đồng hành của tổ chức Live&Learn đã được nhân rộng ra 20 xã và thị trấn còn lại với những kết quả tích cực.
Những hiệu quả từ chương trình xử lý, thu gom rác tại nguồn
Người dân thực hiện phân loại và kiểm kê rác thải tại nhà. (Ảnh: Live&Learn Việt Nam)

Theo ước tính, trong vòng chưa đầy 15 năm, khối lượng rác thải phát sinh tại Việt Nam đã tăng gấp đôi. Một trong những nguyên nhân gây ra sự gia tăng nhanh chóng đó là khối lượng rác khổng lồ tại các đô thị. Năm thành phố lớn tại Việt Nam, tuy chỉ chiếm 35% dân số cả nước nhưng lượng chất thải rắn chiếm đến 70% tổng lượng rác thải toàn quốc.

Đáng chú ý, 60-70% lượng rác này là rác hữu cơ - hiện đang là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, tăng chi phí xử lý và góp phần khan hiếm đất đai. Ngoài ra, sự gia tăng của khối lượng rác thải nhựa cũng đóng góp lớn vào tổng khối lượng chất thải phát sinh. Chỉ tính riêng giai đoạn từ 1990 - 2015, khối lượng nhựa tiêu thụ tính theo đầu người tại Việt Nam đã tăng gần 11 lần. Theo nghiên cứu được công bố năm 2015, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các quốc gia thải ra nhiều rác thải nhựa nhất.

Năm 2021, huyện Đông Anh triển khai chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nguồn. Theo đó, rác thải sinh hoạt sẽ được phân loại thành 3 loại: rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại. Sau phân loại, rác hữu cơ được tái sử dụng cho các mục đích như: làm thức ăn cho gia súc, ủ phân bón cho cây trồng... Trong khi đó, rác tái chế được thu gom riêng và bán cho những người thu mua.

Cụ thể, ngày 27-1-2021, UBND huyện Đông Anh đã ban hành Phương án số 01/PA-UBND về việc phân loại rác tại nguồn để thu gom, lưu giữ, xử lý, tái chế, tái sử dụng trên địa bàn huyện Đông Anh năm 2021, triển khai thí điểm trên địa bàn 3 xã Việt Hùng, Liên Hà và Dục Tú. Tiếp đó, UBND huyện tiếp tục ban hành Kế hoạch số 316/KH-UBND ngày 28-9-2021 về việc tiếp tục tập trung triển khai việc phân loại rác tại nguồn trong 3 tháng cuối năm 2021 để tiếp tục nhân rộng đến các xã còn lại.

Theo báo cáo kết quả bước đầu thực hiện nhiệm vụ phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện Đông Anh của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến ngày 30-3-2022 trên địa bàn huyện Đông Anh đã có 23 xã, thị trấn tham gia thực hiện chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà.

Trong đó có 3 xã đã triển khai 100% các thôn trong xã, gồm: Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng; 20 xã và thị trấn còn lại mỗi xã, thị trấn triển khai đến ít nhất 1 thôn hoặc tổ dân phố làm điểm. Đến hết tháng 2-2022 đã có 7.621 người tham gia triển khai mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ. Số hộ tham gia đăng ký tăng 146,81% so với giai đoạn ban đầu (5.191 người).

Những hiệu quả từ chương trình xử lý, thu gom rác tại nguồn
Cán bộ Trung tâm nông nghiệp hữu cơ - Học viện nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn người dân cách xử lý rác tại nhà. (Ảnh: Live&Learn Việt Nam)

Theo báo cuối năm 2021 của phòng TNMT huyện Đông Anh, năm 2021, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh là 227 tấn/ngày; trong khi đó, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong năm 2020 là 239 tấn/ngày. Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh năm 2021 thấp hơn so với năm 2020 khoảng hơn 12 tấn/ngày (do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình).

Theo kết quả kiểm kê từ hộ gia đình, việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm khoảng 50 – 70% khối lượng rác của mỗi hộ gia đình trước khi đổ rác. Khi tiến hành kiểm kê rác 9 xã tại huyện Đông Anh (với 309 hộ gia đình), thì lượng rác hữu cơ được phân loại xử lý tại hộ là 59%, rác tái chế thu gom cho ve chai 12%, và rác còn lại để đổ rác là 29%.

Tại thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, 71 hộ gia đình tham gia kiểm kê rác trong vòng một tháng thì giảm được 53,3% (2.149,47 kg) rác hữu cơ do xử lý làm phân xanh, và thu gom 13,2% (512,34 kg) rác tái chế để bán cho đồng nát, và rác còn lại để xử lý là 33,5%.

Những con số về lượng rác giảm sau phân loại và xử lý tại 3 xã là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực của các hộ gia đình tại Đông Anh. Là những người đi đầu trong phân loại và xử lý rác tại nhà, các thành viên nhóm nòng cốt tại các xã đã tích cực triển khai phân loại và xử lý rác tại nhà.

Sau đó, nhóm nòng cốt tại thôn trở thành cảm hứng lan tỏa và sẵn sàng chia sẻ cách làm và kinh nghiệm cho các hộ gia đình khác trong thôn và xã. Các hộ gia đình lân cận trong các thôn học tập kinh nghiệm và bắt đầu tự phân loại và mang rác hữu cơ ủ thành phân bón.

Đến nay, số người tự phân loại và xử lý rác tại nhà tại các thôn tiếp tục tăng lên, mọi người đều coi việc làm này như một thói quen không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt thường nhật.

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động