Thứ sáu 22/11/2024 04:29

Ước tính chỉ có 2% rác thải nhựa được tái chế tại Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hiện, khối lượng rác phát sinh hàng ngày tại Thủ đô Hà Nội lên đến 6.500 tấn ngày, trong đó lượng chất thải nhựa chiếm 17,14%. Thế nhưng, chỉ có 2% nhựa được tái chế, còn lại rác thải nhựa đều bị thải ra môi trường.
Ước tính chỉ có 2% rác thải nhựa được tái chế tại Hà Nội
Hoạt động thu gom rác thải nhựa tái chế mang lại hiệu quả cao nhưng công tác triển khai còn tự phát

Bất cập thu gom, phân loại rác thải nhựa tái chế

Đó là thông tin từ bà Nguyễn Thị Thanh, Phó trưởng phòng Kỹ thuật và Công nghệ, đại diện Tổng Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) báo cáo trong hội thảo “Tăng cường thu gom, tái chế rác thải nhựa nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”.

Hội thảo do Trung tâm Giáo dục và Phát triển phối hợp với VCCI Đà Nẵng và PepsiCo Việt Nam tổ chức ngày 23/6 tại Bình Định. Với sự góp mặt của 50 đại biểu từ các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, chất tẩy rửa,… trên địa bàn miền Trung, đại điện Bộ Tài nguyên Môi trường, VCCI Đà Nẵng, Urenco Hà Nội, Công ty Nhựa Tái chế Duy Tân.

Phát biểu về hoạt động trong công tác quản lý môi trường, thu gom, xử lý chất thải tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó trưởng phòng Kỹ thuật và Công nghệ (URENCO) cho biết, URENCO đang vận hành bãi rác Nam Sơn với công suất tiếp nhận rác 7.500 tấn/ngày và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn với công suất tiếp nhận trên 1.500 tấn/ngày. URENCO đã có lò đốt chất thải công nghiệp với công suất 50 tấn/ngày và lò đốt chất thải công nghiệp phát điện công suất 75 tấn rác/ngày, công suất phát điện 1.930 kW.

URENCO đang đầu tư xây dựng Nhà máy tái chế nhựa PET với công suất tiếp nhận 100 tấn nhựa thải đầu vào, thời gian vận hành dự kiến vào năm 2023. Đồng thời, xây dựng Trung tâm phân loại rác tái chế Lâm Du tại phường Bồ Đề, quận Long Biên

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, trong rác thải nhựa, lượng tro xỉ cũng rất lớn, độ ẩm trung bình trong rác cao, trong khi nhiệt trị trung bình thấp (1.300 kcal/kg) nên rất khó lựa chọn công nghệ xử lý chất thải nhựa phù hợp và đồng bộ với công nghệ thu gom.

Thực trạng thu gom, vận chuyển rác thải nhựa hiện nay tại Hà Nội đối với rác thải sinh hoạt còn tự phát. Từ nguồn hộ gia đình, các cơ sở lớn chung cư (ước tính 50kg/ngày), các thùng rác công cộng, rác thải nhựa tại bãi rác đều thu gom thủ công từ công nhân thu gom, người mua ve chai dạo, người bới rác trên đường, người bới rác tại bãi rác. Thông qua cửa hàng thu mua phế liệu chuyển tới xử lý phân loại và tái chế.

Đến nay, qua công tác tuyên truyền thông nhóm hộ dân, kinh doanh nhỏ lẻ: 41.400/45.000 hộ dân, chiếm tỉ lệ 92%; nhóm hộ kinh doanh đã tuyên truyền 740/969 hộ kinh doanh, chiếm tỉ lệ 76,4% (do sai địa chỉ và đã đóng cửa 229 hộ); nhóm đơn vị, công ty đã tuyên truyền 112 /126 đơn vị, chiếm tỉ lệ 89%.

Khó khăn về kinh phí từ hoạt động thu giá bù đắp cho chi phí xử lý rác còn nhiều bất cập. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, 100% kinh phí xử lý rác được thu từ hoạt động thu giá vệ sinh môi trường. Thực tế hiện nay tại Hà Nội, kinh phí từ hoạt động thu giá chỉ đủ 15% nguồn kinh phí phục vụ công tác thu gom vận chuyển và xử lý.

Với đặc thù rác thải nhựa cồng kềnh, khó vận chuyển và lưu trữ. Lực lượng thu gom hiện đang hoạt động tự phát, phân tán nên quy trình thu không đảm bảo chất lượng nên không đạt hiệu quả cao. Hoạt động vận chuyển, chưa có xe riêng biệt, xe hoạt động trong nội đô là 3,5 tấn, chỉ chuyên chở được 1 tấn. Ca xe hoạt động với cự ly thu gom dài, thời gian chờ đợi lâu.

Ước tính chỉ có 2% rác thải nhựa được tái chế tại Hà Nội

Một số hình ảnh quen thuộc, nhiều rác thải nhựa, giấy có thể tái chế không được phân loại ban đầu. Chính việc người dân không phân loại rác ngay từ đầu, chưa đồng bộ với quy trình thu gom dẫn tới việc quản lý rác thải nhựa đều là tự phát.

Giải pháp tháo gỡ

Nhằm tăng tỉ lệ rác thải nhựa tái chế, URENCO kiến nghị, cần có sự tham gia của nhiều bên trong chuỗi giá trị để đầu tư giải pháp về tài chính, cơ sở hạ tầng và hành vi người tiêu dùng. Nhà nước cần ban hành chính sách, luật chặt chẽ hơn về rác thải nhựa để người dân và doanh nghiệp tuân thủ.

Cải thiện hệ thống thu gom chất thải, cần đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển; các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng. Mở rộng thị trường tái chế và thu hồi rác thải nhựa, đầu tư tác động cho công nghệ tái chế tại cơ sở. Xây dựng khối liên kết tuần hoàn giữa chủ nguồn thải, đơn vị thu gom, xử lý và tái chế.

Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phân loại rác và sử dụng vật phẩm tái chế, chính quyền cần thực hiện xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường.

Trước đây, Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp như: Thành lập tổ truyền thông, thu rác tại điểm mua, trao đổi quà sáng thứ 2 hàng tuần (Green Day).

Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở hạ tầng với 67 bộ di động, 1 kho tái chế diện tích 1.000m2. Công cụ 1.540 túi cho công nhân thu rác tái chế, 9.000 bao tải dứa đựng rác tái chế, 6.000 túi đựng rác tái chế cho hộ dân. Thời gian đầu, các giải pháp triển khai đạt hiệu quả tốt, sau đó, do sự thiếu đồng bộ trong quản lý, điều hành, đến nay giải pháp thực hiện ở các cơ sở trường học, trong khi các hộ dân, cơ sở kinh doanh đều là tự phát.

Thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí"
Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ dịch chuyển kinh doanh sang môi trường trực tuyến
Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ giảm tối đa 1.000 đồng/lít
Vĩnh Phúc: Cam kết tiếp tục nỗ lực giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động