Thứ sáu 29/03/2024 14:06
Giải pháp cho rác thải thực phẩm mỗi ngày tại Hà Nội

Kỳ cuối: Cần luật hóa về tái chế rác thải

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt không chỉ là thách thức mà còn là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô hiện nay và trong tương lai. Tuy nhiên, dù đã có nhiều quy định, việc phân loại và xử lý rác tại nguồn vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, bên cạnh những quy định hiện hành, cần có những quy định, chế tài nghiêm khắc hơn về tái chế rác thải.
Kỳ cuối: Cần luật hóa về tái chế rác thải
Nhiều quốc gia trên thế giới đã luật hoá tái chế rác thải. (Ảnh: Live&Learn)

Có nhiều quốc gia trên thế giới đã “luật hóa” định hướng này. Đơn cử như Nhật Bản có Luật tái chế thực phẩm 2015 yêu cầu trách nhiệm tái chế đến 95% đối với cơ sở chế biến thực phẩm, 70% đối với doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, 55% đối với cửa hàng bán lẻ thực phẩm và 50% đối với quán ăn. Hành vi cố tình vứt bỏ thực phẩm số lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường có thể bị áp dụng hình phạt hết sức nghiêm khắc.

Người dân chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn theo luật định

Từ ngày 1/1/2022, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 gồm 16 chương, 171 điều có hiệu lực. Luật quy định, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. So với Luật bảo vệ môi trường năm 2014, luật mới có những điểm mang tính đột phá chính như lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường.

Theo điều 75 Luật bảo vệ môi trường năm 2020 , UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và môi trường; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.

Theo điều 78, xử lý chất thải rắn sinh hoạt: "Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt".

Đối với chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, theo điều 79, "phải phù hợp với quy định của pháp luật về giá, dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định theo điều 75 thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác". Tuy nhiên tại nhiều khu dân cư, đô thị tại Hà Nội, người dân vẫn chưa phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020.

Kỳ cuối: Cần luật hóa về tái chế rác thải
Tại nhiều khu dân cư, đô thị tại Hà Nội, người dân vẫn chưa phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020. (Ảnh: Live&Learn)

Không thực hiện phân loại rác, không chỉ dừng lại ở những con số, rác thải thực phẩm còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vấn đề về môi trường và tài chính: Rác thải thực phẩm hầu hết có hàm lượng dinh dưỡng cao, tuy nhiên rác thải thực phẩm dễ thối rữa khi tích tụ khối lượng lớn và trở thành nơi sinh sôi, tập trung của nhiều loại côn trùng như ruồi, nhặng, muỗi, chuột…và đặc biệt là sinh vật gây bệnh. Những mầm bệnh này sẽ đe dọa trực tiếp đến môi trường và sức khỏe của con người; Phần lớn rác thải thực phẩm hiện nay được lẫn trong rác thải sinh hoạt, và xử lý bằng cách chôn lấp. Tuy nhiên, khi tích tụ và phân hủy trong môi trường yếm khí, rác thải thực phẩm sẽ sinh ra khí metan (CH4) – một loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Dự tính, số lượng khí metan này sẽ tạo ra khoảng 3,3 tỷ tấn khí CO2 mỗi năm, chiếm khoảng 7% tổng lượng khí thải.

Rác thải thực phẩm chiếm từ 40% – 60% trên tổng lượng rác mà các hộ gia đình thải ra mỗi ngày. Nếu giảm rác thải thực phẩm chúng ta sẽ giảm được chi phí cho việc thu gom và sử lý rác thải. Chính vì vậy việc tận dụng tối ưu rác thải thực phẩm tại chính hộ gia đình có thể tránh được tình trạng lãng phí thực phẩm, giảm thiểu những tác động về ô nhiễm môi trường, giảm ngân sách cho công tác phải thu gom, xử lý …

Điểm sáng tại Hà Nội

Theo ông Đặng Hữu Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), việc phân loại thu gom rác thải có khả năng tái chế tái sử dụng trên địa bàn 5 quận nội thành Hà Nội đã góp phần giúp giảm áp lực cho hoạt động xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Hà Nội, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn, hạn chế ô nhiễm môi trường đồng thời tận dụng triệt để nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế xã hội, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Song song với đó, ý thức người dân về về công tác bảo vệ môi trường nói chung và ý thức trong việc thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn ngày càng được nâng cao.

Vào tháng 4/2021, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đã ký kết thỏa hợp tác chiến lược với Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) nhằm thực hiện dự án “Quản lý, phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP Hà Nội”. Theo thỏa thuận hợp tác, PRO Việt Nam sẽ hỗ trợ URENCO để cùng nhau thực hiện các hoạt động nhằm gia tăng tỷ lệ thu gom và tái chế nhựa, bao bì và các loại rác thải có thể tái chế khác. Đồng thời xác định, phát triển và thực hiện các sáng kiến về các mối quan tâm và lợi ích trong quản lý chất thải nhựa tại địa phương, đặc biệt là trong các dự án kinh tế tuần hoàn.

Tính từ ngày 1/6/2021 đến 31/12/2021, dự án đã phân loại được 1.539 tấn rác tái chế, trong đó rác tái chế là giấy 993 tấn (chiếm 63%), nhựa 428 tấn (chiếm 30%) và kim loại 117 tấn (chiếm 7%). Tỷ lệ rác tái chế được thu gom phân loại trung sau khi dự án triển khai có những tháng cao điểm đạt 280 tấn/tháng, tăng 217% so với trung bình các tháng trước khi triển khai dự án.

Ông Đặng Hữu Bình cho hay, với những kết quả đã đạt được trong năm 2021 của dự án “Quản lý, phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP Hà Nội” hợp tác giữa PRO Việt Nam và URENCO, trong giai đoạn 2022 – 2025, URENCO sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng hơn nữa trong nhiều phương diện.

Cụ thể, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền về phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn các quận nội thành TP Hà Nội thông qua việc đổi mới hình thức tuyên truyền truyền; thúc đẩy mô hình phân loại rác tại nguồn thu gom vận chuyển và xử lý rác thải tái chế trên địa bàn TP Hà Nội; xây dựng mạng lưới kết nối giữa các đơn vị thu gom vận chuyển, đơn vị tái chế trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu đề xuất với các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý nhằm tạo ra các cơ chế khuyến khích và điều kiện thị trường thuận lợi đối với chất thải tái chế.

Kỳ cuối: Cần luật hóa về tái chế rác thải
Tháng 2/2021, với sự phối hợp của Tổ chức Live&Learn, huyện Đông Anh (Hà Nội) bắt đầu triển khai chương trình Giảm rác thải tại cộng đồng tại 3 xã thí điểm Liên Hà, Dục Tú, Việt Hùng. (Ảnh: Live&Learn)

Theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa cùng sự tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số khiến lượng rác thải không ngừng tăng cao mỗi ngày. Trong đó, tính riêng 5 thành phố lớn tại Việt Nam, tuy chỉ chiếm 35% dân số cả nước nhưng lượng rác thải rắn chiếm đến 70% tổng lượng rác thải toàn quốc.

Tại Hà Nội, khoảng 70 - 80% các chất thải rắn trên địa bàn TP Hà Nội sau khi thu gom được vận chuyển đến bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) để chôn lấp. Hiện nay, bãi rác có tổng diện tích khoảng 84 ha đang quá tải và ô nhiễm nghiêm trọng. Việc đốt và chôn lấp rác cũng phát thải các khí metan, carbondioxide, nitơ... gây ô nhiễm không khí. Ngoài ra, nước rỉ rác tại các bãi chôn lấp cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất khi chứa hàm lượng các chất hữu cơ, nitơ, lưu huỳnh cao.

Tháng 2/2021, với sự phối hợp của Tổ chức Live&Learn, huyện Đông Anh (Hà Nội) bắt đầu triển khai chương trình Giảm rác thải tại cộng đồng tại 3 xã thí điểm Liên Hà, Dục Tú, Việt Hùng.

Là những người đi đầu trong phân loại và xử lý rác tại nhà, các thành viên nhóm nòng cốt tại các xã đã tích cực triển khai phân loại và xử lý rác tại nhà. Sau đó, họ sẵn sàng chia sẻ cách làm và kinh nghiệm cho các hộ gia đình khác trong thôn và xã để mọi người trong các thôn học tập nhau và bắt đầu tự phân loại và mang rác hữu cơ ủ thành phân bón.

Số người tự phân loại và xử lý rác tại nhà tại các thôn xã liên tục tăng lên, mọi người đều coi việc làm này như một thói quen không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt thường nhật. Tính đến quý I/2022, trên địa bàn huyện Đông Anh đã có 24 xã, thị trấn, với hơn 10.000 hộ gia đình tham gia thực hiện chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà. Rác nhà bếp sau khi phân loại được tái sử dụng làm phân bón cho cây trồng, trong khi rác tái chế giá trị cao được thu gom riêng và gửi bán cho hệ thống đồng nát tại địa phương.

Theo báo cáo cuối năm 2021 của Phòng TNMT huyện Đông Anh, năm 2021, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh là 227 tấn/ngày; trong khi đó, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong năm 2020 là 239 tấn/ngày. Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh năm 2021 thấp hơn so với năm 2020 khoảng hơn 12 tấn/ngày (do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình).

Kết quả kiểm kê từ hộ gia đình, việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm khoảng 50 – 70% khối lượng rác của mỗi hộ gia đình trước khi đổ rác. Khi tiến hành kiểm kê rác 9 xã tại huyện Đông Anh (với 309 hộ gia đình), thì lượng rác hữu cơ được phân loại xử lý tại hộ là 59%, rác tái chế thu gom cho ve chai 12%, và rác còn lại để đổ rác là 29%.

Hiệu quả về nhận thức và sự tham gia của người dân có thể thấy, nhận thức người dân được nâng cao về việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn: ban đầu các hộ còn ngại khó và bất tiện, nay đã từng bước thay đổi, hình thành ý thức và trách nhiệm trong việc phân loại và xử lý rác thải tại nhà, và đặc biệt sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt.

Liên minh tái chế bao bì Việt Nam là một liên minh từ những công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bao bì với cùng chung mong muốn góp phần vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp bằng việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc xúc tiến để quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn. Từ 9 thành viên sáng lập ban đầu, đến nay, số thành viên của PRO VN đã lên đến 19 thành viên cùng nhiều đơn vị đối tác, đồng hành.

Năm 2022 được quyết định là năm bản lề để tăng tốc các hoạt động của PRO VN, trong đó sẽ chú trọng thực hiện các mục tiêu: Hợp tác và hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả nghị định EPR; Nâng cao năng lực vận hành; Triển khai ít nhất 3 dự án thu gom và tái chế; Thu gom và tái chế ít nhất 3.000 tấn đối với mỗi vật liệu (PET, UBC, Laminates); Hỗ trợ các dự án thí điểm thông qua các chiến dịch vận động thay đổi hành vi nhằm kêu gọi phân loại và tái chế trong khu vực; Tập trung đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược để tiến hành thu gom theo mục tiêu tái chế và; mở rộng kết nạp thêm thành viên mới cho tổ chức.

Chợ phiên đặc biệt đổi rác lấy thực phẩm ở Hà Nội Chợ phiên đặc biệt đổi rác lấy thực phẩm ở Hà Nội

Giao dịch tại chợ sẽ theo phương thức trao đổi. Những phế liệu như giấy báo, bìa carton, nồi niêu cũ hỏng... khi được mang ...

Vĩnh Phúc: Thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn từ năm 2022 Vĩnh Phúc: Thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn từ năm 2022

Từ năm 2022, Vĩnh Phúc sẽ triển khai thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, đây là một trong những nội dung ...

Những hiệu quả từ chương trình xử lý, thu gom rác tại nguồn Những hiệu quả từ chương trình xử lý, thu gom rác tại nguồn

Bắt đầu triển khai thí điểm tại 3 xã (Liên Hà, Dục Tú, Việt Hùng) từ tháng 3-2021, Chương trình thu gom, phân loại và ...

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động