48 nhóm kiến nghị của cử tri Hà Nội gửi tới Kỳ họp của Quốc hội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCử tri quận Nam Từ Liêm phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV của đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 3, TP Hà Nội. |
Cụ thể, từ ngày 20/9/2023 đến ngày 14/10/2023, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; đồng thời phối hợp với Liên đoàn Lao động TP tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động Thủ đô. Trong số các vấn đề cử tri nêu ra tại các cucojo tiếp xúc, có 48 nhóm ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.
Đề nghị hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng kéo dài tối thiểu 12 tháng
Liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, cử tri TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán Ngân sách Nhà nước hằng năm và tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Cử tri cũng đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng giảm mức thuế thu nhập đối với Quỹ tín dụng Nhân dân từ 17% xuống 15%, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Đồng thời, xem xét, sửa đổi các luật liên quan để điều chỉnh giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non cho phù hợp. Xem xét, sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế theo hướng người mua bảo hiểm y tế đủ 5 năm trở lên (thay vì quy định 5 năm liên tục) được hưởng 100% mức chi trả bảo hiểm y tế, để đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm y tế...
Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV tại Đơn vị bầu cử số 3. |
Cùng với đó, cử tri đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng giảm tuổi nghỉ hưu đối với công nhân, người lao động trực tiếp làm việc tại một số lĩnh vực để hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời thu hút người lao động và doanh nghiệp tự nguyện tham gia vào hệ thống an sinh của nhà nước.
Cử tri các huyện Quốc Oai, Thanh Oai cho rằng, việc quy định giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% có thời hạn 6 tháng (kể từ ngày 1/7/2023 đến ngày 31/12/2023) theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ chưa thuận lợi trong việc kê khai thuế, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp theo kỳ hạn tối thiểu là 12 tháng.
Cùng với đó, cử tri đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động tại các Khu công nghiệp và chế xuất tại các thành phố lớn có đông công nhân ngoại tỉnh về làm việc. Đồng thời, nghiên cứu quy định cơ chế để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia làm chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân.
Về công tác giám sát, cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát những lĩnh vực quan trọng, những vấn đề dân sinh bức xúc như: giám sát công tác lập và thực hiện quy hoạch đô thị; giám sát vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải; giám sát phòng cháy, chữa cháy tại các đô thị lớn.
Cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong điều hành giá cả thị trường; lựa chọn thời điểm tăng giá các dịch vụ thiết yếu cho phù hợp, tránh ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân.
Đề nghị đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng nghiên cứu phương án chuyển đổi cơ sở vật chất, nguồn lực của các trường đại học, cao đẳng sau khi di dời để xây dựng các trường phổ thông công lập, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập trên địa bàn TP Hà Nội. Cử tri huyện Thanh Oai kiến nghị di chuyển một số trường đại học về huyện Thanh Oai, do huyện phía Nam TP này có địa hình bằng phẳng và thuận tiện về giao thông.
Cử tri huyện Thạch Thất thì mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có kế hoạch, bố trí kinh phí để tiếp tục giải phóng mặt bằng diện tích còn lại của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội. Huyện Thạch Thất tạo điều kiện sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án và giúp cho người dân sớm ổn định cuộc sống.
Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 3). |
Cũng liên quan tới lĩnh vực giáo dục, cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, nghiên cứu điều chỉnh sách giáo khoa cho phù hợp; nghiên cứu lựa chọn kỹ lưỡng đội ngũ biên soạn sách giáo khoa và ban hành thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc. Đồng thời, cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT sớm sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đầu tư để đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để nâng cao tính cạnh tranh, tạo điều kiện cho học sinh chọn được nơi mình thích học, kiến thức mình cần bổ sung.
Cử tri huyện Mê Linh đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về công tác sử dụng cơ sở vật chất trường họcvà công tác thu - chi trong dạy thêm, học thêm trong nhà trường để thống nhất cách quản lý, minh bạch trong công tác thu - chi. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm để kịp thời xử lý các vi phạm nhằm tạo niềm tin trong học sinh, phụ huynh và Nhân dân.
Cần biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn lừa đảo trên mạng
Liên quan đến nhóm vấn đề về sử dụng mạng internet, cử tri TP Hà Nội cho rằng, việc lừa đảo trên không gian mạng và lừa đảo của các công ty, doanh nghiệp thông qua phát hành trái phiếu hoặc nhượng cổ phần đang lan rộng, thực chất là chiếm đoạt tài sản của Nhân dân. Cử tri đề nghị Chính phủ có chế tài và biện pháp quản lý mạnh hơn nữa để ngăn chặn kịp thời các vấn đề trên; đề nghị Bộ Công an có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tội phạm công nghệ cao và các hình thức đánh bạc qua mạng.
Cử tri quận Nam Từ Liêm phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. |
Cử tri đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, có giải pháp sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thông tin, định hướng thông tin trên internet, bởi hiện nay công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội còn những lỗ hổng, những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Ví dụ như thông tin trên mạng xã hội thường có sớm hơn thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống, trong khi đó, thông tin trên mạng xã hội lại đưa tùy hứng, chưa qua kiểm duyệt, thẩm định.
Ngoài ra, cử tri kiến nghị Chính phủ khi phê duyệt xây dựng các Khu công nghiệp và chế xuất, cần phê duyệt đồng bộ với việc đầu tư xây dựng nhà ở, trường học, các thiết chế cho công nhân lao động; có cơ chế để công nhân, con công nhân lao động đang thuê trọ được bình đẳng thụ hưởng các dịch vụ, thiết chế văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục tại địa phương.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại