Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra Dự án Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênToàn cảnh phiên họp. Ảnh: Thông tin QH |
Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp; Trung tướng Lê Tấn Tới - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN chủ trì phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, Trung tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã quyết định bổ sung dự án Luật TTATGT đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Quốc hội sẽ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Trong thời gian qua, UBQPAN đã tích cực chủ trì, phối hợp với Bộ Công an cùng các bộ, ngành liên quan và một số tỉnh, thành tổ chức các buổi tọa đàm để lắng nghe ý kiến của các đại biểu, các cơ quan chức năng, các chuyên gia, nhà khoa học để có thêm thông tin, tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng dự thảo báo cáo thẩm tra trình Phiên họp thẩm tra chính thức của UBQPAN.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đọc Tờ trình về Dự án Luật, trong đó nêu rõ: tình hình TTATGT đường bộ những năm qua tuy có chuyển biến nhưng còn diễn biến phức tạp, TNGT vẫn ở mức cao, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông. Tình trạng vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hoá giao thông còn nhiều yếu kém...
Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy.
Sau 15 năm thực hiện, nhiều quy định của luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập, không đáp ứng yêu cầu công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình TTATGT đường bộ ở Việt Nam.
Qua thẩm tra, UBQPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật như tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhận thấy, việc tách các nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để xây dựng 2 dự án luật: Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ là cần thiết để quy định đầy đủ, cụ thể về từng lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chỉ thị số 18, ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông"; Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới".
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Thường trực UBQPAN tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, xác định thật rõ những vấn đề trọng tâm của báo cáo thẩm tra, đặc biệt đi sâu về những vấn đề lớn mà dư luận quan tâm, còn có ý kiến khác nhau, từ đó hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình kỳ họp sắp tới.
Thay mặt Ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng trân trọng cảm ơn, nghiêm túc tiếp thu toàn bộ ý kiến tại phiên họp, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo, định hướng của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Đến thời điểm này, dự án luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, đã thể chế hóa cơ bản Nghị quyết số 23 của Ban Bí thư, đề ra nhiệm vụ tập trung rà soát, hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT, gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại