Thứ ba 07/05/2024 09:45

1.810 ngành nghề, lĩnh vực và công việc nặng nhọc, độc hại sẽ được nghỉ hưu sớm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành lấy ý kiến các Bộ, ngành, các địa phương và các tập đoàn, doanh nghiệp, xác định 1.810 ngành nghề, lĩnh vực và công việc nặng nhọc, độc hại, với số lượng khoảng trên 3 triệu người.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc sửa Bộ luật Lao động thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế có liên quan. Vừa qua Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã có bản bình luận dài 120 trang về bản dự thảo Luật.

Theo đó bản bình luận về mặt kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế đã nhận định: Bộ luật Lao động (sửa đổi) của chúng ta đã phù hợp cơ bản với các nội dung, nhất là các nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế, đặc biệt là về các tiêu chuẩn lao động cơ bản như bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động, quyền tự do liên kết, thương lượng tập thể của tổ chức và của người lao động, đồng thời cũng phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Về phạm vi đối tượng điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Bộ luật đã mở rộng đến cả đối tượng người lao động có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, khu vực chính thức và phi chính thức. Theo đó nội dung bộ luật kỳ này điều chỉnh toàn diện cả về tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động đối với lực lượng có quan hệ lao động, số lượng này khoảng 20 triệu người.

Thứ ba, về tuổi nghỉ hưu, Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ phương án và lập luận. Về nhóm người lao động nghỉ hưu sớm, nhất là lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại, làm nghề đặc biệt nặng nhọc độc hại.

“Hiện nay, Bộ Lao động đã tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương và các tập đoàn, doanh nghiệp, xác định 1.810 ngành nghề, lĩnh vực và công việc nặng nhọc, độc hại, với số lượng khoảng trên 3 triệu người.

Theo đó, với số lượng này đương nhiên 3 triệu người này sẽ thuộc nhóm nghỉ hưu sớm. Nếu nhóm này cộng thêm điều kiện nữa là suy giảm thì đương nhiên họ sẽ được nghỉ, thậm chí tới 10 năm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, giảm giờ làm bình thường là vấn đề lớn có tác động đến tất cả các chủ thể liên quan như đối với người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, nhà nước. Đặc biệt có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách nên cần được nghiên cứu, đánh giá và lượng hóa rất cụ thể.

Luật hiện hành quy định thời gian làm việc bình thường là 48 giờ/tuần, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện 40 giờ/tuần. Qua đánh giá cho thấy: 89,6% doanh nghiệp áp dụng 48 giờ làm việc/tuần; 3,6% thực hiện 44 giờ/tuần; 6,8% thực hiện 40 giờ/tuần. Hiện nay 10 nước ASEAN thì có 8 nước bố trí thời gian làm việc 48 giờ/tuần, hai quốc gia bố trí thời gian làm việc bình thường thấp hơn là Singapore và Indonesia.

1810 nganh nghe linh vuc va cong viec nang nhoc doc hai se duoc nghi huu som
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình tại phiên họp (ảnh QH)

Nước càng giàu thời gian lao động càng ít, nước càng nghèo thì thời gian lao động càng tăng lên. Riêng đối với Indonesia, có dân số 270 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp 6%, họ giảm giờ làm việc để chia sẻ công việc làm với nhiều người hơn, tránh tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngoc Dung cho rằng, đứng về góc độ kinh tế, nếu như hiện nay giảm từ 48 giờ xuống 44 giờ thì Chính phủ chưa trình vấn đề này, nhưng đánh giá sơ bộ cho thấy, nếu như giảm 48 giờ xuống 44 giờ thì tổng thời gian giảm là 208 giờ.

Trong khi đó, Chính phủ đang xin đại biểu Quốc hội cho tăng giờ. Tổng chi phí lao động sẽ phải tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu sẽ giảm đi khoảng 20 tỷ đôla mỗi năm. Điều quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi 0,5%.

“Điều này cho thấy chúng ta là một quốc gia đang nỗ lực rất lớn để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Tính bình quân các chuyên gia dự báo nếu muốn không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp thì Việt Nam hiện nay phải phấn đấu làm sao tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%.

Chính vì vậy, đây là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng với quốc gia, cần phải đánh giá một cách rất kỹ lưỡng. Chúng tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu để đến thời điểm thích hợp chúng ta sẽ giảm giờ làm việc”, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, các nội dung của Bộ luật sửa đổi còn ý kiến khác nhau nhiều sẽ được xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua./.

Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động