Vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành: VKS đề nghị án tù chung thân cho “siêu lừa”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênViện Kiểm sát đề nghị án tù chung thân cho bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành. Ảnh: N.H |
Nguyễn Thị Hà Thành thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền rất lớn
Sau một tuần xét hỏi, sáng 16/3, đại diện VKSND Hà Nội công bố bản luận tội đối với Nguyễn Thị Hà Thành (sinh năm 1984, Hà Nội) và 25 bị cáo khác liên đến các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và 4 cá nhân.
Trong số 26 bị cáo, có 17 người là cựu cán bộ, nhân viên của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng (PVcomBank).
Viện kiểm sát cũng xác định, khoảng từ năm 2016 đến 2018, Nguyễn Thị Hà Thành hoạt động kinh doanh tự do bị thua lỗ nên nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của các cá nhân trong xã hội, Thành vay của người sau trả cho người trước. Thời gian đầu, Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn; và qua các quan hệ xã hội, Thành tìm được nhiều người đến ngân hàng gửi tiết kiệm với số tiền lớn để gửi đồng sở hữu, sau đó lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các Hợp đồng tín dụng, vay các ngân hàng với số tiền lớn, nên các Ngân hàng NCB, VAB đều coi Thành là khách VIP.
Do không có hoạt động kinh doanh, chỉ là vay tiền của người sau trả gốc và lãi cho người trước nên trong khoảng thời gian từ 5/6/2018 đến ngày 26/11/2018, Thành mất khả năng thanh toán với các khoản nợ đến hạn. Do đó, Thành đã nhiều lần thực hiện hành vi gian dối, nhằm chiếm đoạt tiền từ các ngân hàng NCB, Pvcombank, VAB và các cá nhân khác.
Tại ngân hàng NCB, từ ngày 18/6/2018 đến 21/8/2018, Hà Thành vay của Đặng Nghĩa Toàn 50 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu Toàn gửi tiền tiết kiệm vào NCB rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành giữ. Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng sử dụng tư cách pháp nhân Công ty Jeongho Landmach, lập khống các Hợp đồng mua bán hàng hóa, các biên bản đối chiếu công nợ với Công ty Eurocell và Công ty TNHH Thương mại Hoàng Nguyên, lợi dụng sự sơ hở trong quá trình thẩm định, ký hồ sơ cho vay của nhân viên Ngân hàng NCB trong hoạt động cấp tín dụng, giải ngân, Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng ký giả chữ ký của Đặng Nghĩa Toàn, Tạ Thị Thu Trang trên các chứng từ trong các hồ sơ cấp tín dụng, chiếm đoạt của NCB tổng số tiền 47,5 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng Pvcombank, ngày 17/10/2018, Hà Thành vay của Đặng Nghĩa Toàn 52 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu Toàn gửi tiết kiệm vào Ngân hàng. Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng sử dụng tư cách pháp nhân Công ty Jeongho Landmark, lập khống các chứng từ. Lợi dụng sự sơ hở trong quá trình thẩm định, ký hồ sơ cho vay của nhân viên ngân hàng Pvcombank trong hoạt động thu thập hồ sơ, thẩm định cấp tín dụng và giải ngân, Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng ký giả chữ ký, lăn giả dấu vân tay của đồng sở hữu, chiếm đoạt của Pvcombank số tiền 49,4 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng VAB, Nguyễn Thị Hà Thành có hành vi vay tiền của các cá nhân Nguyễn Thị Thu Hà, Phan Thị Tuất, Trần Văn Thanh, Nguyễn Giang Hòa, Nguyễn Thành Luân, Đỗ Thị Quỳnh Anh, Triệu Đình Hoan, Đặng Nghĩa Toàn, Nguyễn Tiến Dũng, Triệu Đình Hoan, Đặng Nghĩa Toàn, Nguyễn Tiến Dũng và nhờ Đặng Thị Quỳnh Hương chạy dòng tiền. Thành cấu kết với Nguyễn Thị Thu Hương, Đặng Thị Quỳnh Hương, Quản Trọng Đức, Nguyễn Thị Mai Phương lợi dụng sự vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng của một số nhân viên Ngân hàng VAB, sau đó giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu trên các Đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng và hợp đồng cầm cố số dư tiền gửi hoặc lấy danh nghĩa của họ để vay tiền tại VAB, chiếm đoạt của VAB 273 tỷ đồng…
VKS đề nghị mức án tù chung thân cho “siêu lừa”
Theo đó, VKS nhận định, quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án, Hà Thành cùng các bị cáo cơ bản khai nhận hành vi, thừa nhận cáo buộc hoặc thừa nhận một số nội dung trong cáo trạng. Các bị cáo cũng đưa ra nhiều lời khai lý giải cho hành vi của mình để mong HĐXX xem xét.
Trong vụ án, VKS cho rằng hành vi của Hà Thành và nhiều cựu cán bộ các nhà băng có mức sai phạm đặc biệt nghiêm trọng. Họ phạm tội trong thời gian dài, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các tổ chức tín dụng và những người gửi tiền.
"Nguyễn Thị Hà Thành là chủ mưu, cầm đầu, dùng nhiều thủ đoạn và nhiều lần thực hiện các hành vi gian dối để ngân hàng tin tưởng, cho vay tiền", đại diện VKS nêu quan điểm.
VKS đề nghị tòa tuyên phạt Nguyễn Thị Hà Thành mức án chung thân, đề nghị tuyên các bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô) và Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô của VietAbank) cùng mức án 16-18 năm tù.
Bị cáo Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô của VietABank) bị đề nghị 15-17 năm tù, Nguyễn Thanh Tùng 15-16 năm tù.
VKS đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Mai Phương mức án 13-15 năm tù, Nguyễn Thanh Bình 7-8 năm tù, Trịnh Trung Kiên 7-8 năm tù, Đỗ Minh Đức 9-10 năm tù, Bùi Văn Tuấn 9-10 năm tù.
Nhóm bị cáo bị đề nghị mức án 30 tháng đến 36 tháng tù treo, gồm Đặng Thị Thu Hòa, Phạm Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trịnh Phương Ngân. Những bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 12 tháng tù treo đến 8 năm tù.
Về dân sự, VKS đề nghị bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành bồi thường cho VietABank 248,9 tỷ đồng; bồi thường cho PVcomBank 49,4 tỷ đồng; bồi thường cho NCB 47,5 tỷ đồng và cho những cá nhân gửi tiền đồng sở hữu mà Thành đã chiếm đoạt.
VKS cũng đề nghị VietABank trả lại cho ông Đặng Nghĩa Toàn 20 tỷ đồng, đề nghị NCB trả lại cho ông Toàn 50 tỷ đồng, PVcomBank trả cho ông Toàn 52 tỷ đồng. Đối với các số tiền liên quan bị cáo Thành ở những ngân hàng này, VKS đề nghị giải quyết trong vụ án khác.
Vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành: Các đại gia kêu khổ khi bị ngân hàng “nhốt” tiền | |
Vụ "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành: Các ngân hàng nói Thành phải trả tiền cho ông Toàn |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại