Thứ bảy 20/04/2024 18:28

Vĩnh Phúc: Cần nhanh chóng có cơ chế mới để kịp thời “cứu” vận tải xe buýt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ sự việc lái xe, người lao động của Cty Cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc “đình công” đòi lương và chế độ lao động, khiến 6 tuyến xe buýt trên địa bàn phải dừng hoạt động. Các cơ quan quản lý vận tải, cùng các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cần có giải pháp gì để khắc phục là điều khiến dư luận quan tâm
Vĩnh Phúc: Cần nhanh chóng có cơ chế mới để kịp thời “cứu” vận tải xe buýt
Rất mong UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cùng các cơ quan chức năng trên địa bàn, cần có cơ chế mới phù hợp với tình hình thực tế, xây dựng giá thầu mới với điều khoản có thể thay đổi theo thời điểm, để kịp thời hỗ trợ vận tải xe buýt qua cơn hiểm nghèo.

Ngậm ngùi… xe buýt

Từ sáng 24/10, lái xe, nhân viên bán vé của Cty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc không làm việc, tụ tập đòi lương, các chế độ liên quan từ tháng 6/2022, khiến cho 6 tuyến xe buýt (VP - 01, VP - 03, VP - 04, VP - 05, VP - 06, VP - 08) phải dừng hoạt động. Sự việc này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, khiến các bên liên quan đã phải “đau đầu” tìm hướng giải quyết.

Vận tải xe buýt là hoạt động công ích của nhà nước - Nhà nước thuê một đơn vị quản lý triển khai, và bù trừ chi phí vào phần thiếu. Hoạt động công ích là quyền của người dân được hưởng từ nguồn ngân sách nhà nước. Đất nước phát triển, thì tất cả các dịch vụ an ninh xã hội, dịch vụ công ích cũng phát triển theo.

Để xảy ra tình trạng 6 tuyến buýt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dừng hoạt động, chưa thấy đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm. Phía DN là Cty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc đổ lỗi cho cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm, không có cơ chế kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp lúc khó khăn, ngược lại cơ quan chức năng thì đổ lỗi cho DN điều hành yếu kém.

Trong khi người dân, đặc biệt là những hành khách đi xe buýt là người trực tiếp hứng chịu thiệt thòi. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hàng ngày có khoảng 10.000 người tham gia phương tiện công cộng. Nếu hoạt động xe buýt dừng lại, đồng nghĩa với việc 10.000 gia đình ảnh hưởng, đảo lộn thói quen sinh hoạt, và sẽ đẩy ra 10.000 chiếc xe máy tham gia giao thông, người dân phải thêm chi phí đổ xăng, trong khi hạ tầng giao thông càng thêm áp lực.

Thứ hai, những công nhân viên, lái xe, bán vé trong hoạt động công ích này cũng hứng chịu thiệt thòi, bởi mất việc đồng nghĩa với mất thu nhập, “treo niêu”, tiền đâu để duy trì cuộc sống hàng ngày, ốm đau, bệnh tật, con cái học hành…?

Thực tế cho thấy, lái xe và công nhân viên tại Cty Cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc, phần nhiều là những người đã phục vụ người dân tham gia phương tiện công cộng trên 20 năm. Ngoài việc đi làm kiếm đồng lương về lo cho cuộc sống gia đình, thì phần lớn họ gắn bó với DN cũng vì yêu nghề, gắn bó với nghề và tình cảm với hành khách tham gia phương tiện cộng cộng. Hàng ngày được phục vụ đưa đón bà con là động lực, là niềm vui vô cùng lớn, nên họ mới chấp nhận đi làm mà 6 tháng không có lương, 3 năm không có bảo hiểm (đồng nghĩa với mọi chế độ ốm đau, thai sản… không có).

Thứ ba, bản thân DN trực tiếp kinh doanh quản lý hoạt động công ích – Cty Cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc cũng bị ảnh hưởng. Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải của nhà nước và chuyển sang cổ phần, đã có hàng chục năm trong ngành vận tải, nhiều người gắn bó với công việc đến nay cũng gần 30 năm – đây cũng là một áp lực lớn không chỉ với doanh nghiệp, mà ngay cả đối với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết sao cho thấu tình đạt lý.

Giải pháp nào?

Khó khăn của xe buýt cũng được cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc nhìn thấy, và bước đầu đã có những biện pháp nhằm “giải cứu”. Trong đó, có việc thay đổi đơn vị điều hành quản lý mới. Việc này đã khiến người lao động nức lòng, những tưởng có đơn vị mới, với cơ chế mới để DN mới đủ chi phí cho hoạt động, đảm bảo quyền lợi cho họ. Thế nhưng sau mấy tháng bàn thảo của các sở ban ngành, đến nay việc đưa ra “giải pháp” để đảm bảo cho DN hoạt động tốt, đảm bảo cho quyền lợi người lao động gần như vẫn… dậm chân tại chỗ.

Về phía doanh nghiệp, trong thời gian từ năm 2012 đến nay đã nỗ lực chèo chống gồng gánh để dùy trì hoạt động của đơn vị - tạo công ăn việc làm nuôi sống gia đình hàng trăm công nhân lao động, đảm bảo hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Vĩnh Phúc thông suốt. Bất chấp hoàn cảnh khó khăn, lượng khách đi xe buýt ngày càng ít (tính đến thời điểm năm 2022 chỉ còn 20% so với thời điểm 2013)

Mặt khác, cách tính giá gói thầu (hoạt động 8 tuyến xe buýt) và các điều khoản trong đó cũng chưa phù hợp với tình hình thực tế, vô tình đẩy DN sang hướng “không ngóc đầu lên nổi” trong khi trách nhiệm thì một mình gánh chịu.

Cụ thể, tính khấu hao xe 10 năm trong khi hợp đồng có 5 năm, vậy thì 5 năm tiếp theo phần khấu hao xe doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu.

Quỹ lương dành cho lái xe thấp, trong khi mức hạch toán trên thực tế đang khiến DN không có “cửa” để làm ăn có lãi, chi phí bằng doanh thu cộng bù lỗ. (Thực tế đã chứng minh, năm 2022, sau thời gian dài gắng gượng, thì doanh nghiệp đã đến mức nợ lương, nợ bảo hiểm của công nhân, người lao động 6 tháng trời).

Khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, DN đã nhiều lần làm đơn trình lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc, xin hỗ trợ và thay đổi cách tính trong giá thầu sao cho phù hợp, để nhằm duy trì hoạt động doanh nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đảm bảo đời sống cho cán bộ công nhân viên.

Gồng gánh, hoạt động không có lãi cho đến khi dịch bệnh vừa lắng xuống, thì lại đến xung đột Nga – Ukraina, khiến giá cả nhiên liệu tăng cao thậm chí tăng 30 đến 40% so với trước, dẫn đến giá sinh hoạt đều tăng vọt, doanh thu của DN sụt giảm chỉ còn khoảng 20% so với giá thầu.

Để duy trì hoạt động, tập thể cán bộ công nhân viên, người lao động của Cty Cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc đã cắn răng chống chọi trong 3 năm ròng, mà không được hỗ trợ kịp thời, dẫn đến nợ lương, nợ bảo hiểm, nợ nhiên liệu, nợ vật tư… một kết cục không thể gắng gượng đã bày ra trước mắt.

Hoạt động vận tải xe buýt là loại hình kinh doanh vận tải công cộng, hướng tới mục đích công ích là chủ yếu, nhất là trong điều kiện hạ tầng giao thông của Việt Nam nói chung còn nhiều hạn chế, nên vai trò của loại hình này có thể nói là rất quan trọng, ý nghĩa để hình thành thói quen sử dụng phương tiện công cộng, hình thành văn hóa giao thông, văn minh đô thị.

Vĩnh Phúc là một địa phương có nhiều khu Công nghiệp hoạt động, nếu mạng lưới xe buýt công cộng trên địa bàn Vĩnh Phúc không vận hành tốt, thì quyền lợi của người dân – đa phần là các công nhân, sẽ bị ảnh hưởng, sau đó là các DN trong các KCN cũng bị ảnh hưởng theo, khi nhân viên đi làm muộn.

Việc xây dựng cơ chế hoạt động cho dịch vụ công ích như xe buýt, mà không phù hợp với tình hình thực tế, sẽ tăng thêm áp lực cho hạ tầng giao thông, bởi người dân phải sử dụng xe cá nhân khi di chuyển. Trong tình cảnh đó, uy tín của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các Sở ban ngành liên quan, cũng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí mất lòng tin với người dân.

Thực tế hiện nay đang đòi hỏi, cần phải xây dựng cơ chế hoạt động cho các dịch vụ công ích nói chung sao cho đáp ứng nhu cầu của người dân. Do vậy, các cơ quan chức năng quản lý vận tải, và các đơn vị liên quan trên địa bàn Vĩnh Phúc, cần linh hoạt để thích nghi với tình hình hiện tại – dịch bệnh, xung đột, để điều chỉnh các quy định. Từ đó nhanh chóng có một cơ chế mới phù hợp với tình hình thực tế và xây dựng giá thầu mới với điều khoản có thể thay đổi theo thời điểm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của hàng chục nghìn người.

Vĩnh Phúc: Sáu tuyến xe buýt hoạt động trở lại sau thời gian tạm dừng
Sỹ Hào
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động