Thứ ba 14/05/2024 07:54

Vì đâu ngôi đền thờ “thần hộ mệnh” của dân làng Bối Khê được tiếng là linh thiêng?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) -Đền Thờ nằm giữa cánh đồng thuộc làng Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội là một ngôi đền thiêng được người dân nơi đây luôn gìn giữ.


“…Ngài rất thiêng, luôn che chở cho người dân. Có mấy cháu nhỏ đi chăn trâu không may bị ngã xuống hồ nước, lúc đang nguy kịch chỉ cần kêu “Ngài ơi, cứu con!” tức thì sẽ có người xuống cứu hay sẽ may mắn tìm được một mô đất cao nào đó dưới lòng hồ để đứng lên và thoát bị đuối nước…”

Giai thoại ngôi đền thiêng

Mặc cho mưa nắng, thời gian bào mòn đi tất cả, nhưng ngôi đền vẫn đứng đó. Vị thần được người dân tôn kính, thờ phụng trong ngôi đền vẫn ngày ngày “dõi theo” từng bước phát triển, phù hộ cho dân làng Bối Khê tai qua nạn khỏi.

Đền Thờ nằm giữa cánh đồng thuộc làng Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội là một ngôi đền thiêng được người dân nơi đây luôn gìn giữ. Người dân coi ngôi đền như vị thần bảo vệ mạng sống của mình, che chở cho dân làng từ thuở sơ khai đến nay.

Ông Ngô Đức Thọ, người am hiểu về lịch sử của làng Bối Khê kể rằng, vị trí ngôi đền bây giờ, trước đây chỉ là một cái gò đất, gò đất này rất cao và rộng, nhìn thẳng ra một hồ nước lớn. Thời đó, dân cư thưa thớt lắm, trong làng chỉ có vài chục hộ dân, cây cối mọc um tùm, xung quanh làng có rất nhiều gò đất nên người dân cứ nghĩ mọi gò đất đều giống nhau nên không ai thờ cúng gì. Hơn nữa, cuộc sống người dân còn vất vả, khổ cực nên không ai để ý đến những chuyện khác ngoài việc lo sao cho đủ ăn, đủ mặc.

Những năm trước, nỗi lo lớn nhất của người dân là làm sao năm nay không bị mất mùa vì cánh đồng Bối Khê rất thấp, chớm mưa to là ngập lụt nên mùa màng thường xuyên thất bát.

Năm đó, một vị pháp sư đi qua làng và đã nói với người dân nơi đây rằng: “Vị thần nằm dưới gò đất trước hồ nước rất linh thiêng, vị thần này chính là “thần hộ mệnh” cho dân làng nếu được thờ cúng. Nhân dân nên xây một ngôi đền để thờ cúng ngài thì cuộc sống sẽ quanh năm được ấm no, hạnh phúc”. Làm theo lời chỉ dạy của vị pháp sư, nhân dân đã lập một ngôi đền nhỏ để nhang khói.

Sau khi ngôi đền được xây cất, cuộc sống của nhân dân đã khấm khá hơn nhiều, năm nào lúa cũng tươi tốt. Và cũng từ đó, nhân dân quan tâm hơn đến chuyện thờ cúng thần linh và trùng tu, xây mới những ngôi đền, ngôi miếu trong làng.

Vì không có ngọc phả nên không ai biết chính xác vị thần được thờ trong ngôi đền là ai, người dân chỉ được nghe kể lại rằng đó là một vị tướng quân từ thời Hai Bà Trưng.

Cho đến tận ngày nay, vào ngày mùng 10 và 11 tháng 2 âm lịch, dân làng Bối Khê vẫn có tục lệ làm lễ lớn mang ra đình Kim và đình Phúc cũng như xuống đền Thờ cúng bái bậc thần linh để tưởng nhớ lễ hội khao quân thuở xưa và vị thần đã che chở, bảo vệ cho làng.

Qua nhiều năm tháng, ngôi đền đã bị xuống cấp, nền đền bị sụt hỏng nhiều, người dân nhận rõ trách nhiệm cần phải gìn giữ ngôi đền như một phần cuộc sống của mình. Do vậy, cách đây 3 năm, nhân dân trong làng đã đóng góp tiền của cùng với Hội người cao tuổi trùng tu lại ngôi đền khang trang và to đẹp hơn. Hội người cao tuổi của thôn cũng đã cử 3 người có uy tín trong làng chuyện tâm lo việc hương khói và trông nom ngôi đền. Hiện nay, vào ngày rằm, mùng một, người dân trong làng và nhiều làng khác trong xã cũng xuống đền thắp hương cầu bái, xin lộc.


Đền Thờ, ngôi đền gắn với nhiều chuyện kỳ lạ, khó giải thích. Ảnh: Khánh Phong


Những điều kỳ lạ khó giải thích

Hồ nước trước cửa đền Thờ rất rộng lớn, diện tích lên tới 7 mẫu. Lòng hồ khá sâu, chỗ sâu nhất tới 2m, nước dưới hồ quanh năm trong xanh và mát lạnh. Thuở trước, trẻ con đi chăn trâu hay mò cua bắt ốc thường xuống hồ tắm mát rồi mới về nhà.

Ông Thọ kể với giọng rất tự hào về ngôi đền thiêng làng mình: “Ngài rất thiêng, luôn che chở cho người dân và những người vô tội. Có mấy cháu nhỏ đi chăn trâu không may bị ngã xuống hồ nước, trong lúc đang nguy kịch chỉ cần kêu “Ngài ơi, cứu con!” tức thì sẽ có người đi làm đồng qua xuống cứu hay sẽ may mắn vớ được một mô đất cao nào đó dưới lòng hồ để đứng lên và thoát bị đuối nước. Những chuyện tưởng như trùng hợp ngẫu nhiên này nhưng với người dân chúng tôi thì đó là một điều thiêng liêng vì vị thần trong đền không bỏ rơi ai trong làng bao giờ. Chính vì vậy mà bao năm nay, có biết bao nhiêu cháu nhỏ trong làng bị ngã xuống hồ nhưng chưa có chuyện thương tâm nào xảy ra. Ngày nay, những bậc cha mẹ trong làng thường dặn dò con trẻ, nếu chẳng may bị ngã xuống hồ nước này thì chỉ cần kêu “Ngài ơi, cứu con!” sẽ thoát nạn. Và câu nói đó đã trở thành câu cửa miệng của những đứa trẻ trong làng”.

Cũng theo ông Thọ: “Cách đây 4 năm, khi con đường vành đai chạy qua cánh đồng, ngay trước mặt ngôi đền. Một phần lớn diện tích hồ nước đã bị lấp để làm nền đường và nhiều chuyện khó giải thích đã xảy ra.

Chẳng hiểu do vô tình hay vì lý do gì mà đội thi công đã không vào đền làm lễ xin phép ngài và đã bị ngài “trừng phạt”.

Rất nhiều chiếc máy được điều động đến để phục vụ cho công việc đều bị hỏng, nổ máy làm được vài chục phút lại hỏng, nhiều thợ sửa chữa giỏi cũng không tìm ra nguyên nhân vì sao lại như vậy. Có người vô thần thì cho rằng, khả năng do máy để lâu ngày không sử dụng và không được bảo dưỡng thường xuyên nên mới như vậy. Người khác thì bác lại, thế còn những chiếc máy mới chưa sử dụng cũng bị như vậy thì anh giải thích thế nào.

Hơn nữa, đất đá cứ đổ được bao nhiêu thì ngày hôm sau lại sạt lở hết mặc dù trước đó có một đội đã kè hồ rất chắc chắn.

Không khí lo lắng bao trùm lên toàn đội thi công, không ai biết điều gì đang xảy ra. Sau khi dò hỏi người dân thì anh đội trưởng mới vỡ lẽ ra một điều rằng, trước khi khởi công đã không làm lễ “xin phép” vị thần cai quản nơi này. Ngày hôm sau, đội thi công đã làm một mâm lễ lớn xin tạ lỗi với ngài và kể từ đó công việc luôn được suôn sẻ, máy móc không gặp bất cứ trục trặc gì.

Những ngày tiếp theo, trước mỗi ngày làm việc, anh đội trưởng đội thi công lại mua hương hoa vào đền thắp hương cầu mong ngài phù hộ cho một ngày làm việc an toàn và hiệu quả. Cũng từ đó, kỹ sư và công nhân tham gia thi công con đường cũng không ai bị tai nạn lao động từ khi khởi công cho tới khi con đường được làm xong.

Bà Nguyễn Thị Tuyên, phó trưởng thôn Bối Khê cho biết: “Đền Thờ là một ngôi đền cổ rất linh thiêng không chỉ của người dân Bối Khê mà của nhiều thôn trong xã, người dân thường xuyên xuống thắp hương. Đền được xây dựng để thờ một vị tướng quân của Hai Bà Trưng có công đánh giặc và che chở cho dân làng. Có nhiều lời đồn thổi xung quanh sự linh thiêng của ngôi đền như có khả năng cứu người và trừng phạt những ai không coi trọng thần thánh. Đúng là trước đây có những chuyện như vậy xảy ra. Chẳng hạn như nhiều cháu bé bị ngã xuống hồ nước đều rất may khi đang nguy kịch thì có người đi qua cứu giúp, rồi những chiếc máy của đội làm đường bị hỏng bất thường. Nhưng theo tôi những chuyện này chưa được kiểm chứng, có lẽ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì trên cánh đồng lúc nào cũng có người qua lại, hơn nữa ngay bên cạnh ngôi đền còn có hai hộ gia đình làm trang trại sinh sống. Những chiếc máy móc lâu ngày không sử dụng thì việc hỏng hóc là chuyện bình thường và những chiếc máy mới mua về do thợ lái máy không thạo sử dụng nên không vận hành được cũng không có gì là khó hiểu”.


Khánh Phong

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động