Thứ năm 02/05/2024 15:06
Kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930/3-2-2019)

Vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn quan tâm đến cán bộ và công tác cán bộ. Những bài nói, bài viết của Người về công tác cán bộ đều mang tính hệ thống, tính thời đại, sâu sắc và phong phú.

Tài năng phải gắn liền với đạo đức cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của cán bộ: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Người nhận thấy rằng, công việc Nhà nước bao gồm nhiều lĩnh vực đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, công chức tốt để thi hành công vụ, bởi vì: “Có cán bộ tốt việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng đấu tranh giành chính quyền và sau khi giành được chính quyền, Người thường xuyên nhấn mạnh: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, nhân tài chính là tài sản quốc gia. Cán bộ tốt chính là những hạt nhân của hoạt động cách mạng, không có cán bộ, nhân tài thì chắc chắn sẽ không thực hiện được công tác chung. Người còn khẳng định: “Bất cứ chính sách công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi, không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”.

Để có cán bộ tốt, trước hết theo Người cần phải chú trọng khâu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cụ thể là bồi dưỡng đạo đức và năng lực của cán bộ. Người viết: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì như ông Bụt ngồi trong chùa, làm việc gì cũng khó”.

van dung hieu qua tu tuong ho chi minh trong cong tac can bo
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ năm 1962.

Trong hai tiêu chuẩn căn bản để định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng, Người đặc biệt quan trọng vấn đề đạo đức người cán bộ, coi đạo đức là cái gốc của mọi phẩm chất nhân cách khác. Tài năng phải gắn liền với đạo đức cách mạng, là “hoa thơm” nở trong “vườn” đạo đức.

Có tài năng mà không có đạo đức thì “tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người ví đạo đức cách mạng: “… Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Như vậy, có thể thấy tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện một sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ. Toàn bộ hệ thống tư tưởng đã thể hiện một cách đầy đủ và sâu sắc từ việc xác định vị trí, tầm quan trọng của công tác cán bộ, đến tính cụ thể từ quá trình “huấn luyện” cán bộ đến đánh giá và sử dụng cán bộ. Hệ thống tư tưởng này hiện nay đang là vấn đề rất thiết thực đối với mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt, vận dụng vào thực tiễn tự rèn luyện đạo đức và năng lực của mỗi cán bộ đảng viên hiện nay.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ của Đảng trong giai đoạn hiện nay

Với quan điểm cán bộ phải là người lãnh đạo phong trào, lãnh đạo quần chúng nhân dân, là người có uy tín, được quần chúng nhân dân tin cậy, thừa nhận, vì vậy xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát trên lập trường của giai cấp công nhân. Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa VIII về Chiến lược cán bộ, Đảng ta đã rút ra những bài học sâu sắc, trong đó nhấn mạnh: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”;

“Thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm”;

“Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức Đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu của Đảng, trong đó cơ quan tổ chức cán bộ là nòng cốt. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bộ máu thịt với nhân dân; phải thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ”.

Như vậy, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ là một trong các quan điểm quan trọng của Đảng ta và đã được thực tiễn cách mạng chứng minh tính chất và sự đúng đắn đó. Chỉ khi nào có được những người cán bộ trung thành với lý tưởng của Đảng, với sự nghiệp cách mạng, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, bảo vệ thì cán bộ mới thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Làm cán bộ cách mạng là “đi dân nhở, ở dân thương”, dựa vào dân để tổ chức và lãnh đạo phong trào, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giải phóng áp bức, nô lệ, giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.

TS Nguyễn Thanh Giang- Viện Lãnh đạo học và chính sách công - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động