Thứ sáu 29/03/2024 15:49
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh:

Cựu thanh niên xung phong một đời làm theo Bác

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Về thôn Lục Bắc, xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, hỏi thăm về người phụ nữ suốt mấy mươi năm thờ phụng tâm linh Hồ Chí Minh không ai không biết. Đó là bà Đỗ Thị Mến, một cựu thanh niên xung phong có niềm tin mãnh liệt vào Đảng, vào Bác Hồ kính yêu.

Nhà sàn ân tình

Đón tiếp chúng tôi là người phụ nữ tóc bạc, thân hình gầy gò, mang bộ quần áo xanh bộ đội đã bạc và đi đôi dép cao su mang đầy khí chất của một thanh niên xung phong. Những câu chuyện về người phụ nữ này khiến cho mọi người gần xa không khỏi cảm phục. SN 1944 trong một gia đình bần nông có 5 anh chị em, cha mẹ đều đi ở đợ, làm thuê, tuổi thơ của bà Đỗ Thị Mến trải dài theo những tháng ngày cơ cực.

Do hoàn cảnh khó khăn, năm 1945, hai người anh của bà bị chết đói. Một người anh khác tham gia du kích, sau đó lên đường nhập ngũ chống Pháp rồi hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Gia đình chỉ còn hai chị em gái. Người chị gái Đỗ Thị Mượt của bà từng nổi tiếng vì góp phần làm ra chiếc xe cút kít giúp người nông dân Thái Bình giải phóng đôi vai trong việc vận chuyển thóc lúa, phân gio. Với thành tích này, bà Mượt đã được Bác Hồ gắn Huy hiệu Chiến sĩ thi đua dịp Người về thăm Thái Bình năm 1962.

Phát huy truyền thống gia đình, năm 1967, bà Mến được kết nạp vào Đảng. Bà hăng hái tham gia công tác thông tin tuyên truyền, công tác đoàn tại địa phương. Năm 1966, bà tình nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), công tác tại Đội TNXP 766, Tỉnh đoàn Thái Bình, đến năm 1975 thì xuất ngũ, trở về địa phương.

Chồng bà là ông Nguyễn Quang Dòng, đi bộ đội từ năm 1957, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị sau đó chuyển vào chiến trường Tây Nam làm công việc tuyển và huấn luyện quân. Cuối năm 1972, do điều kiện còn khó khăn nên hai vợ chồng bà Mến lập một bàn thờ nhỏ thờ Bác ở ngay giữa gian nhà của mình với mong ước Bác phù hộ cho đất nước mau chóng hòa bình lập lại. Cho đến khi chồng mất đi, bà Mến vẫn âm thầm lau chùi, nhang khói trên bàn thờ của Bác.

Với tâm niệm thờ Bác là thờ những ân tình của Bác, là thể hiện tình yêu của mình với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, tiếng lành đồn xa nhiều người biết đến ngỏ ý muốn chung tay thờ phụng Bác. Cảm động trước lòng thành của bà Mến, bà Trần Thị Hiền, GĐ nhà máy in Viện Khoa học Việt Nam về giúp bà Mến khởi công xây dựng nhà sàn Bác Hồ năm 2008.

Trên khoảng đất rộng hơn 500m2 của nhà bà Mến, ngôi nhà sàn khang trang mọc lên với 16 cột trụ vững trãi, được thiết kế theo ngôi nhà sàn ở Phủ Chủ tịch, đứng từ dưới sân nhìn lên, chính giữa ngôi nhà là tấm ảnh Bác đang mỉm cười vẫy tay treo trang trọng, dưới là dòng chữ “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sau cạnh gian thờ Bác, bà còn mở thêm hai gian thờ các anh hùng liệt sĩ và các dòng họ Việt Nam. Khi hỏi bàn thờ tổ tiên gia đình đặt ở đâu bà Mến bảo các dòng họ đều có chung một cội nguồn, tổ tiên cũng nằm trong hơn một nghìn dòng họ mà bà đang thờ. Các dòng họ Việt Nam và vong linh các anh liệt sĩ sẽ cùng với tâm linh của Bác bảo vệ cho non sông nước nhà.

Một điều nữa, ở dưới bàn thờ Bác Hồ có một mâm các loại hạt ngô, lúa… được bà Mến lấy về từ khắp các tỉnh thành từ Quảng Ninh địa đầu Tổ quốc cho đến Đồng Tháp Mười. Ngôi nhà sàn còn được những du khách thập phương đặt cho một cái tên trìu mến “nhà sàn 19-5”. Hàng năm, cứ đến dịp sinh nhật Bác 19-5 và Ngày Quốc khánh 2-9, tại “khu di tích” lại ùn ùn từng đoàn khách thập phương lên đến hàng trăm người từ Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Tuyên Quang… về thăm viếng và dâng nén hương thành kính đến Bác Hồ và các vị anh hùng dân tộc.

Bên cạnh đó bà còn xây dựng một gian trưng bày các đoạn phim tài liệu, tập sách viết về Người và những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc bình dị của Hồ chủ tịch. Để có những bức hình này bà đã đi tìm và gặp những người từng tiếp xúc và chụp ảnh cùng Bác. Năm 1985, cùng với chiếc xe đạp thống nhất cũ của mình, bà Mến vào tận nhà Bác ở Nghệ An chỉ để thắp hương tưởng nhớ Người. Kể chuyện về Bác mà bà Mến rưng rưng xúc động, có nhiều lúc bà ứng khẩu bằng thơ: “Ngày mùng 2-9 là ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa/ Bác lại cùng dân vui với ngày hội của non sông/ Bác Vẫn biết ơn dân/ Công Bác cả cuộc đời, Bác không biết mệt vì dân…”.

cuu thanh nien xung phong mot doi lam theo bac
Bà Mến xem lại những băng đĩa về cuộc đời Bác.

Sống cùng lí tưởng của Người

Bà Mến có vốn kiến thức vô cùng lớn về cả lĩnh vực kinh tế và chính trị mà ít người phụ nữ ở tuổi của bà có được. Đặc biệt với niềm tin mãnh liệt vào Đảng, vào Bác Hồ kính yêu nên bà Mến luôn nói và làm theo tư tưởng của Người. Với sứ mệnh “đi làm việc cho Bác” bà đi rất nhiều nơi kêu gọi các tổ chức giúp đỡ cho những người già cả, neo đơn, mồ côi, tàn tật… Bà Mến đi suốt, nhiều khi khó khăn bà bán thóc nhà mình để có tiền đi lại. Có lần đi xe từ Bình Thuận ra Hà Nội, bà nói đi làm việc cho Bác vậy là nhà xe cho đi nhờ không lấy một đồng nào.

Bà còn cho hay có năm thiên tai, mùa màng bị thiệt hại bà đi kêu gọi khắp nơi từ Hà Nội, Thái bình quyên góp được 3 tạ gạo gửi vào Nghệ An, Hà Tĩnh cho người nghèo ăn tết. Hôm đó đúng vào ngày 29 tết. Bà thường xuyên theo dõi xem Đảng có ra chỉ thị, nghị quyết gì mới là bà tuyên truyền ngay. Bà còn liên hệ với đài truyền thanh của xã để tuyên truyền về an toàn giao thông, ca ngợi cuộc đời của Hồ Chí Minh để tất cả mọi người cùng làm theo.

Bà bảo: “Ơn Bác với non sông lớn lắm, các thế hệ không được phép quên cháu ạ, như thế là có lỗi với Người, có lỗi với lịch sử lắm”. Bà làm nhiều việc xã hội để cầu cho bách gia trăm họ hạnh phúc ấm no cũng như làm phúc cho mình. Hàng năm, tháng nào bà cũng lên Hà Nội vào lăng viếng Bác để báo cáo với Người những việc mà mình đã làm. Bà chỉ mong mình còn có thêm sức khỏe để được sống và thực hiện theo những lời dạy của Bác.

Thủy Liên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động