Từ việc nâng cao ý thức “bỏ rác đúng nơi quy định”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThùng rác công nghệ giúp nâng cao ý thức người dân |
Lan tỏa hành động đẹp
Là đô thị lớn nhất nhì cả nước với xấp xỉ 8 triệu dân, hiện nay, trung bình mỗi ngày TP Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Thế nhưng vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi, đổ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định diễn ra phổ biến. Được biết, để tạo điều kiện cho người dân, ở hầu khắp tuyến phố trong nội đô, hay tại các khu dân cư đông đúc, TP đã triển khai gần 2.000 thùng rác công nghệ trên các tuyến phố ở Hà Nội và đã đang dần phát huy được tác dụng, nâng cao ý thức và tính tự giác của người dân.
Ghi nhận khoảng 15h ngày 17/8, trên đường Nguyễn Trãi, chiếc xe máy của đôi bạn trẻ đang lưu thông bỗng giảm dần tốc độ và đánh lái vào lề đường, người bạn gái ngồi phía sau với tay bỏ túi nilon vào thùng rác ven đường, cảnh tượng chỉ diễn ra chưa đầy 3 giây đồng hồ nhưng cũng đủ làm những người đi đường dành cho họ những thiện cảm.
Cách đó không xa, tại đường Trần Phú, quận Hà Đông, cụ bà Nguyễn Thị Thìn (Nguyễn Trãi, Hà Nội) đang bách bộ trên vỉa hè, đến đoạn số nhà 288 thì dừng lại nhặt chiếc vỏ chai nước bị ai đó vứt lăn lóc ven đường rồi bỏ vào thùng rác. Hỏi chuyện, bà cho biết, ai đó vô tình vứt ra, mình thấy thì nhặt bỏ vào vừa làm sạch cho đường phố vừa để người khác nhìn thấy sẽ không vứt rác bừa bãi nữa.
Hơn 19h tại hồ Thuyền Quang (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng), chị lao công Đàm Thanh Hương vừa gom rác từ trong thùng rác công nghệ đổ vào xe, vừa phân loại những chiếc vỏ chai nhựa cho vào túi. Chị chia sẻ, từ khi có thùng rác công nghệ, cũng đỡ vất vả hơn phần nào. Chỉ việc đến các thùng để gom rác lại, việc quét và gom rác ở lòng đường cũng bớt đi. Trước đây người dân cứ vứt bừa ra đường, mình phải gom lại rồi đưa lên xe. Giờ tình trạng này đỡ hơn nhiều rồi”, chị Hương cho biết.
Cũng theo chị Hương, trước đây mỗi ca chị phải dọn vệ sinh quãng đường quanh hồ khoảng hơn 3km, mất hơn 2 giờ đồng hồ. Nhưng từ khi có thùng rác công nghệ, việc xả rác ra đường đỡ hơn nên chị chỉ việc đẩy xe đến các thùng rác để gom lại “cũng tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức các chú ạ”, chị Hương cho hay.
Đâu đó vẫn còn cảnh tượng người dân vứt rác không đúng quy định |
Những người truyền cảm hứng
Theo các chuyên gia, với đà hiện nay, mỗi năm, số rác thải của TP Hà Nội tăng thêm khoảng 5%. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại. Việc thu gom, xử lý rác thải đã từ lâu trở thành một vấn đề quan trọng tại Hà Nội nói riêng cũng như các đô thị khác nói chung. Thật khó để tưởng tượng dù hàng ngày, người công nhân môi trường phải “dong” hẳn ba chuyến xe đi vào tận ngõ thu gom rác vào buổi sáng, đầu giờ chiều và cuối buổi chiều. Nhưng ở đầu ngõ - nơi được coi như bộ mặt của cả khu dân cư thì lúc nào cũng có một vài túi rác do người dân đi qua “tiện tay” để lại, việc nhắc nhở không giải quyết được tình trạng này và những lời nhắc nhở thường bị phớt lờ.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: “Ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng như bảo vệ môi trường, không vứt rác bữa bãi... của nhiều người tham quan còn kém, đó là biểu hiện của tâm lý “cha chung không ai khóc”. Đó là một hình ảnh rất phản giáo dục, người lớn không làm gương sẽ dẫn đến trẻ em bắt chước, dần dần thành thói quen xấu”.
Bên cạnh hành vi xả rác tràn lan của người dân cũng có lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu như lỗi người dân một thì lỗi của chính quyền đến mười. Bởi vì luật có rồi mà cơ quan có trách nhiệm không xử phạt nghiêm hành vi vi phạm. Nếu không nói là làm cho có phong trào, ra quân xử phạt rồi đâu lại vào đấy. Khi ý thức người dân chưa cao thì vai trò quản lý Nhà nước là quyết định.
Vẫn biết tạo dựng ý thức tốt trong cộng đồng không phải là chuyện có thể “một sớm một chiều”, nhưng để duy trì, lan tỏa thói quen văn minh đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, rất cần sự nỗ lực đổi mới hơn nữa trong phương thức thu gom, vận chuyển rác cũng như sự bền bỉ tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, với việc Nghị định 45 (45/2022/NĐ-CP) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường sắp có hiệu lực thì vai trò của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp sẽ càng được nâng cao hơn nữa. Khi ý thức, trách nhiệm hòa quyện với tinh thần thượng tôn pháp luật và phương thức điều hành khoa học, chắc chắn nếp sống văn minh sẽ ăn sâu, bám rễ trong cộng đồng dân cư.
Chính vì vậy, việc giữ vệ sinh môi trường và văn minh đô thị không thể chỉ làm theo phong trào, hết đợt rồi thôi, mà phải là một cuộc vận động thường xuyên, liên tục, có sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân và chính quyền. Đồng thời, rất cần báo chí vào cuộc tuyên truyền thực hiện lối sống văn minh không xả rác và đưa tin bài về những hành động đẹp vì môi trường, để tạo sức lan tỏa.
Có như thế, ý thức “bỏ rác đúng nơi quy định” của mỗi người dân mới được thiết lập và trở thành văn hóa!
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại